Chưa năm nào bội thu như năm nay
Năm nay nông dân Hà Tĩnh gieo cấy lúa vụ xuân thuận lợi ngay từ đầu vụ. Đến giai đoạn lúa trỗ, mặc dù gặp thời tiết mưa nắng đan xen, chênh lệch nhiệt độ lớn, thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông gây hại, song nhờ quyết liệt trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn phun phòng nên đồng ruộng không phát sinh ổ dịch nên vụ lúa xuân bội thu.
Cánh đồng lúa Thái Xuyên 111 hơn 3ha tại xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn chưa năm nào bội thu như năm nay. Theo chị Hồ Thị Thuận (thôn 3, xã Quang Diệm), từ đầu vụ đến nay lúa sinh trưởng, phát triển rất thuận lợi, đặc biệt giai đoạn “con gái” cây lúa tốt, bộ lá phát triển mạnh chưa từng thấy. Hiện 3 sào lúa của gia đình chị đã chín khoảng 60%, dự kiến 3 – 4 ngày nữa sẽ thu hoạch, ước năng suất đạt khoảng 4 tạ/sào.
Hương Sơn là huyện miền núi, diện tích ruộng bậc thang, sâu trũng tại các địa phương khá lớn, khó đưa cơ giới hóa vào sản xuất, song với sự cần cù, chăm chỉ của nông dân, vụ xuân năm 2023, địa phương này vẫn thu kết quả tốt.
Ở những vựa lúa các huyện Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như tích tụ đất đai, phá bờ thửa nhỏ hình thành ô thửa lớn, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, xây dựng các mô hình khép kín theo hướng hữu cơ… đã tạo tiền đề gia tăng giá trị trên đơn vị diện tích.
Ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho hay, năm nay, Cẩm Xuyên gieo cấy hơn 9.500ha lúa. Để đảm bảo ăn chắc năng suất và chất lượng, ngay từ đầu vụ, huyện gút lại cơ cấu bộ giống xuống còn 14 giống chủ lực, giảm 11 giống so với vụ xuân năm 2022, trong đó có một số giống cho năng suất, chất lượng cao như Nếp 98, VNR20, Bắc Thịnh, VNR10, TBR97, BQ, ST25…
“Chúng tôi chỉ đạo chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh sát hơn mọi năm, cộng với thời tiết thuận lợi nên vụ xuân 2023 nông dân Cẩm Xuyên được mùa toàn diện. Dự kiến năng suất bình quân đạt 62 tạ/ha, vượt 5,6% kế hoạch, cao hơn vụ đông xuân năm ngoái 3,6 tạ/ha; sản lượng ước đạt hơn 59 nghìn tấn. Đây là năng suất và sản lượng cao nhất từ trước đến nay của huyện Cẩm Xuyên”, ông Hà nói.
Đến ngày 17/5, Cẩm Xuyên đã thu hoạch được hơn 500ha lúa. Chính quyền địa phương đang tập trung điều tiết máy gặt, chỉ đạo bà con hoàn thành thu hoạch trước ngày 30/5.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, năm 2023, diện tích gieo cấy lúa vụ xuân toàn tỉnh đạt hơn 59.000ha. Nhìn chung, các địa phương cơ bản chấp hành đúng khung lịch thời vụ, dự kiến sẽ thu hoạch tập trung từ 20 - 25/5.
Theo đánh giá bước đầu của các cơ quan chuyên môn, năng suất lúa vụ xuân năm nay ước đạt 59 tạ/ha, xác lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay tại Hà Tĩnh; sản lượng ước đạt trên 350.000 tấn.
Thêm nhiều cánh đồng lớn
Ngoài thắng lớn về năng suất, tại một số địa phương của Hà Tĩnh, giá trị gia tăng từ sản xuất lúa cũng nâng lên đáng kể. Đây chính là kết quả của quá trình đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, phá bờ thửa nhỏ hình thành ô thửa lớn, hình thành những cánh đồng lớn nhằm tạo thuận lợi đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất và xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP…
Lũy kế đến vụ xuân 2023, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn, tập trung, tích tụ ruộng đất đạt hơn 10.600ha. Trong đó, huyện Cẩm Xuyên hơn 2.800ha; Thạch Hà trên 2.100ha; Kỳ Anh gần 700ha; Lộc Hà gần 600ha…
Năm nay, Cẩm Xuyên triển khai thí điểm mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với bộ giống “ngon nhất thế giới” ST25, quy mô diện tích 15ha ở thôn Đông Nam Lý và thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình. Đây là mô hình thực hiện bón phân hữu cơ vi sinh, bổ sung chế phẩm vi sinh trong quá trình làm đất, giúp hệ vi sinh vật trong đất phát triển mạnh, cây lúa sinh trưởng tốt hơn.
Theo đánh giá của Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Cẩm Xuyên, năng suất của mô hình dự kiến đạt 54 tạ/ha, khoảng 4 ngày nữa sẽ bước vào thu hoạch.
“Việc xây dựng các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ là hướng đi rất đúng đắn. Bước đầu cho thấy, giá trị kinh tế từ việc áp dụng quy trình sản xuất lúa ST25 theo hướng hữu cơ sẽ lãi gấp đôi so với sản xuất truyền thống.
Quan trọng hơn, khi khép kín quy trình sản xuất từ giống, chăm sóc đến phòng trừ sâu bệnh sẽ tạo ra sản phẩm lúa gạo đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng”, ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên nói.
Trong chuyến kiểm tra tiến độ thu hoạch lúa ngày 17/5, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Võ Trọng Hải đánh giá cao kết quả của ngành NN-PTNT trong triển khai sản xuất vụ xuân 2023. Đặc biệt, năng suất lúa đạt cao; chiến dịch phá bờ thửa nhỏ hình thành ô thửa lớn và tập trung, tích tụ ruộng đất tại các địa phương tổ chức hiệu quả.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành NN-PTNT theo dõi, huy động tối đa nhân lực, máy cơ giới đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa. Triển khai các biện pháp đảm bảo thu hoạch lúa hợp lý, ngăn chặn tình trạng tranh giành, cạnh tranh máy gặt không lành mạnh. Tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tận dụng các điều kiện để tập trung phơi, sấy, chống thất thoát sau thu hoạch, đảm bảo chất lượng lúa gạo...