| Hotline: 0983.970.780

Lúa chất lượng cao khó tiêu thụ

Thứ Ba 26/03/2013 , 10:08 (GMT+7)

Vụ ĐX 2012-2013, tại ĐBSCL, đang xảy ra nghịch lý là lúa chất lượng cao rất khó tiêu thụ, thương lái và doanh nghiệp chỉ mua lúa chất lượng thấp.

Mỗi khi vào vụ sản xuất lúa, ngành chức năng đều khuyến cáo nông dân nên gieo sạ các giống lúa chất lượng cao, hạn chế các giống lúa chất lượng thấp ổ mức từ 15-20% diện tích. Tuy nhiên, vụ ĐX 2012-2013, tại ĐBSCL, đang xảy ra nghịch lý là lúa chất lượng cao rất khó tiêu thụ, thương lái và doanh nghiệp chỉ mua lúa chất lượng thấp.

Ông Đoàn Đại Nghĩa ở xã Trường Xuân, Thới Lai, TP Cần Thơ cho biết, vụ ĐX năm nay, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp địa phương, tôi gieo sạ giống lúa Jasmine 85 thay cho giống lúa IR 50404. Mặc dù trồng lúa chất lượng cao tốn công chăm sóc, chi phí cao, thế nhưng năng suất lại thấp, giá bán chỉ nhỉnh hơn lúa thường khoảng 200 đồng/kg và đầu ra lại hết sức khó khăn. Giống lúa Jasmine 85 chỉ được thương lái thu mua với giá 4.600-4.800 đồng/kg, còn lúa khô thì khoảng 6.300-6.400 đồng/kg, so với năm ngoái thấp hơn 1.000 đồng/kg.

Nếu bán với giá này thì nông dân chỉ có thể hòa vốn hoặc thua lỗ. Lão nông Nguyễn Thanh Tâm, ở xã Tân Tuyến, Tri Tôn, An Giang canh tác 10ha lúa giống IR 50404 so sánh: “Lúa IR 50404 tuy giá thấp hơn lúa chất lượng cao nhưng bù lại năng suất lại cao hơn tới cả 100 kg/công. Tính ra lợi nhuận thu được cao hơn làm lúa chất lượng cao và quan trọng hơn cả là dễ tiêu thụ lúa trong mùa vụ này. Nếu cứ đà này thì sang vụ HT tới tôi cũng canh tác lúa IR 50404 cho dễ bán”.


Nông dân An Giang trồng lúa chất lượng cao nhưng không tiêu thụ được đành phơi khô chất đống ngoài sân

Nhiều hộ nông dân thu hoạch lúa chất lượng cao nhưng không bán được đành phải phơi khô chất đống ngoài sân, trong khi các thương lái chỉ đến hỏi mua lúa IR50404. Trước tình hình trên, nhiều thương lái tranh thủ “ép” giá, buộc lòng nhiều người phải bán với giá như lúa thường để lấy tiền xoay sở chi tiêu trong gia đình và trả tiền phân bón, thuốc BVTV. Theo ước tính, có khoảng 60-70% diện tích trong tổng số 300.439 ha lúa ĐX của tỉnh Kiên Giang được người dân trồng các loại lúa chất lượng cao như Jasmine 85, lúa hạt dài. Trong đợt thu mua lúa gạo tạm trữ vừa qua, chỉ có 2/7 Cty được giao chỉ tiêu ở Kiên Giang thu mua giống lúa thơm Jasmine 85 nhưng số lượng cũng rất hạn chế. Vì vậy, giá lúa chất lượng cao không tăng và chỉ cao hơn các giống lúa thường từ 100-200 đồng khiến không ít nông dân phải “méo mặt”.

Nghịch lý này đã khiến cho việc khuyến cáo cơ cấu giống lúa trong các vụ tới của cơ quan chức năng gặp khó khăn. Ông Trần Quang Củi, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, vụ lúa HT 2013 tỉnh có kế hoạch xuống giống 292.000 ha, trong đó diện tích lúa chất lượng cao sản xuất tập trung là 60.000 ha. Cơ cấu chất lượng giống lúa được ngành khuyến cáo là nhóm giống chất lượng thấp, năng suất cao (IR 50404, OM 575…) chiếm không quá 20%, nhóm giống chất lượng cao chiếm tỷ lệ 60-70%, còn lại là các giống lúa thơm đặc sản. Tuy nhiên, theo nhận định của các địa phương, việc khống chế diện tích lúa chất lượng thấp ở mức dưới 20% là rất khó. Lý do là các giống lúa này có tính thích nghi rộng, sản xuất được trên nhiều nền đất, nhẹ công chăm sóc và chi phí đầu tư giảm. Hơn nữa, giống lúa này có thời gian sinh trưởng ngắn (từ 85-90 ngày) nên rất phù hợp với những vùng sản xuất lúa 3 vụ/năm.

Từ những lợi thế trên khiến nhiều bà con lựa chọn giống IR 50404 để canh tác. Nhiều nông dân biết rất rõ giống lúa IR 50404 có phẩm cấp gạo thấp, nấu cơm ăn rất khô, chỉ thích hợp cho làm bánh tráng hoặc ép bún nên không bao giờ giữ lại để lấy gạo ăn. Thực tế, làm ra bao nhiêu họ đều bán hết cho thương lái ngay tại ruộng, sau đó mua gạo thơm để ăn. Tuy nhiên, không ai muốn bỏ giống lúa này vì những đặc tính sinh học nổi trội, chưa có giống lúa nào có thể thay thế. Đã từng có thời ghe đi mua lúa treo biển “không mua lúa IR 50404” nhưng rồi thị trường lại tiêu thụ lại. Nông dân lại tiếp tục trồng trên diện rộng, bất chấp những khuyến cáo của ngành chức năng.

Ông Phạm Văn Quỳnh, GĐ Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết, trong vụ ĐX vừa qua, Cần Thơ đã xuống giống 88.000 ha, đạt năng suất trên 7 tấn/ha, trong đó có đến 80% diện tích trồng lúa chất lượng cao với tổng sản lượng khoảng 600.000 tấn. Theo ông Quỳnh, nguyên nhân lúa chất lượng cao có giá bán thấp là do các địa phương gieo sạ sớm và thu hoạch đồng loạt nên lượng cung ra thị trường lớn, dẫn đến khó tiêu thụ.

Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, cũng phản ánh: “Giá lúa chất lượng cao (lúa khô) tại tỉnh cũng chỉ dao động từ 6.100 - 6.200 đồng/kg, giảm từ 700 - 900 đồng/kg so với cùng kỳ. Trong khi ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân trồng nhưng DN lại không thu mua. Theo ông Phả một số DN trộn gạo IR50404 với gạo thơm nên chất lượng giảm, giá bán thấp”.

Ông Dương Nghĩa Quốc, GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, sở dĩ hiện nay tình hình lúa chất lượng cao khó tiêu thụ là do các DN không ký được hợp đồng XK, nên chỉ tìm mua các giống lúa có phẩm cấp thấp để chế biến theo đơn đặt hàng. Nhiều nước hiện nay đang có nhu cầu nhập gạo cấp thấp hoặc gạo cấp cao trộn lẫn với gạo cấp thấp nên lúa IR 50404 đang dễ tiêu thụ.

 Theo nhận định của các nhà chuyên môn thì trồng nhiều giống lúa IR 50404 trong vụ HT là một hiểm họa. Vì chất lượng gạo vụ này thường kém xa so với vụ ĐX do yếu tố thời tiết bất lợi. Giống lúa IR 50404 vốn đã có chất lượng gạo kém lại càng kém hơn nên rất khó tiêu thụ. Lúa IR 50404 hiện nay dễ tiêu thụ là do tình hình kinh tế khó khăn, nhiều nước chọn nhập khẩu gạo phẩm cấp thấp (gạo 25% tấm) nên DN chọn mua giống lúa này nhiều. Tuy nhiên, khi thị trường ổn định trở lại thì các giống lúa thơm, hạt dài sẽ chiếm ưu thế. Vì nhu cầu “ăn ngon, mặc đẹp” của con người là tất yếu.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Quảng Trị chưa có địa phương nào thành lập được đội bắt chó thả rông

Bệnh dại đã xuất hiện nhưng tỷ lệ tiêm phòng tại Quảng Trị vẫn đạt thấp, các đội bắt chó thả rông cũng chưa được thành lập theo kế hoạch.

Gia Lai có thêm 5 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Gia Lai vừa có thêm 2 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói, nâng tổng số lên 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói.

Trồng sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt, năng suất tăng gấp đôi

PHÚ YÊN Ngay vụ đầu thử nghiệm, mô hình trồng sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt đã cho năng suất 50 tấn/ha, trong khi cách trồng truyền thống chỉ đạt từ 15 - 18 tấn/ha.