| Hotline: 0983.970.780

Lúa đông xuân lại ngập trắng, nhiều nơi phải gieo lại lần 3

Thứ Ba 28/12/2021 , 15:15 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Hàng nghìn ha lúa đông xuân của Bình Định vừa gieo sạ lại sau bão số 9 lại bị ngập trắng do mưa lớn. Nhiều diện tích sẽ phải gieo sạ lại lần thứ 3.

Theo Chi cục Thủy lợi Bình Định, đợt mưa xảy ra vào 2 ngày 26 và 27/12 đã làm 2.217 ha lúa đông xuân 2021 - 2022 mới gieo sạ lần đầu hoặc vừa gieo sạ lại sau đợt ngập trong cơn bão số 9 trên địa bàn tỉnh tiếp tục bị ngập úng.

Theo báo cáo nhanh của một số địa phương, đến thời điểm này huyện Phù Mỹ có 250 ha lúa mới gieo đang bị ngập úng; huyện Hoài Ân bị ngập úng 459 ha; huyện Phù Cát đang bị ngập úng 1.159 ha; huyện Tây Sơn đang bị ngập úng 348 ha…

Sau đợt mưa lớn trong 2 ngày 26 và 27/12, nhiều diện tích lúa đông xuân 2021 - 2022 ở Bình Định lại ngập chìm trong nước. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Sau đợt mưa lớn trong 2 ngày 26 và 27/12, nhiều diện tích lúa đông xuân 2021 - 2022 ở Bình Định lại ngập chìm trong nước. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, diện tích lúa vụ đông xuân 2021 - 2022 ở tỉnh này chia làm 2 chân ruộng gieo sạ vào 2 thời điểm. Chân ruộng sản xuất 3 vụ lúa/năm gieo sạ trước ngày 15/12 hiện lúa đã lên xanh, sẽ không bị thiệt hại trong đợt ngập này. Chân ruộng sản xuất 2 vụ lúa/năm vừa mới gieo sạ lại sau bão số 9, do mưa lớn xảy ra trong 2 ngày 26 và 27/12 nên hiện các diện tích trà lúa này đang bị ngập, có khả năng sau khi nước rút nhiều diện tích phải gieo sạ lại lần thứ 3, diện ruộng này tập trung tại huyện Tuy Phước và Thị xã Hoài Nhơn.

Tại huyện Phù Cát, địa phương có diện tích lúa đông xuân vừa gieo sạ hoặc mới gieo sạ lại sau bão số 9 hiện tiếp tục bị ngập, nông dân đang rất lo lắng sẽ lại bị mất giống lần nữa. Theo ông Lương Văn Khoa, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, trong ngày 28/12 nước vẫn còn ngập trắng nhiều cánh đồng với diện tích 1.159 ha.

Lúa bị ngập nhiều nhất ở các xã nằm về phía đông nam huyện Phù Cát như Cát Tân (270 ha), Cát Nhơn (146 ha), Cát Tài (143 ha), Cát Thắng (110 ha), Cát Hưng (80 ha), Cát Tường (63 ha), Cát Chánh (85 ha), Cát Tiến (40 ha). Một số xã như Cát Trinh, Cát Thành, Cát Khánh những cánh đồng trũng cũng đang bị ngập úng nghiêm trọng, mỗi vùng khoảng 30 - 50ha. Trên địa bàn huyện Phù Cát chỉ có 2 xã Cát Sơn và Cát Hanh là không có ruộng bị ngập úng.

Sau cơn bão số 9, huyện Phù Cát xác định đã có hơn 250 ha phải gieo sạ lại. Một số diện tích vừa gieo sạ lại và những diện tích mới gieo sạ sau bão số 9 tiếp tục bị đợt mưa trong 2 ngày 26 và 27/12 nhấn chìm.

Những diện tích lúa sạ trước ngày 15/12 cây lúa đã lên xanh, giờ những lá lúa nằm rã trong biển nước sau đợt mưa trong 2 ngày 26 và 27/12. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Những diện tích lúa sạ trước ngày 15/12 cây lúa đã lên xanh, giờ những lá lúa nằm rã trong biển nước sau đợt mưa trong 2 ngày 26 và 27/12. Ảnh: Vũ Đình Thung.

"Trong đợt ngập úng này, diện tích phải gieo sạ lại chắc chắn sẽ rất nhiều. Bởi, những địa phương phía đông nam huyện Phù Cát đang trong giai đoạn cao điểm gieo sạ vụ đông xuân 2021 - 2022, nhiều diện tích mới gieo sạ 2 - 3 ngày giờ bị chìm trong nước. Nhiều diện tích chưa gieo sạ nhưng đã ngâm ủ giống, giờ ruộng bị ngập không gieo sạ được nên số giống đã ngâm ủ bị hư hỏng. Lượng giống trong dân đã ngâm ủ bị hư ước khoảng 10,2 tấn”, ông Lương Văn Khoa cho hay.

Ở Thị xã An Nhơn, tình trạng ruộng bị ngập úng cũng đang diễn ra rộng khắp. Qua khảo sát, trong ngày 28/12,  nhiều cánh đồng ở địa phương này đang ngập chìm trong nước. Những diện tích gieo sạ trước ngày 15/12 cây lúa đã lên xanh, những lá lúa nằm rã rượi trên mặt nước. Những diện tích gieo sạ sau 15/12 cây lúa còn nhỏ thì chìm nghỉm trong biển nước mênh mông.

Theo ông Đoàn Tuấn Sỹ, Phó trưởng phòng Kinh tế Thị xã An Nhơn, hiện lúa đông xuân trên địa bàn An Nhơn có 2 diện ngập. Diện thứ nhất bị ngập tạm thời sau khi nước rút, cây lúa sẽ an toàn, không có nguy cơ hư hỏng. Diện thứ 2 bị ngập sâu, đây là những diện tích đã từng bị ngập trong cơn bão số 9, vừa mới gieo sạ lại lần 2 giờ tiếp tục bị ngập úng 1 lần nữa, cả những diện tích mới gieo sạ đang đứng trước nguy cơ bị hư hỏng giống. Diện tích này có khoảng 200 ha.

Những diện tích lúa sạ sau cây lúa còn nhỏ đang bị nước ngập trắng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Những diện tích lúa sạ sau cây lúa còn nhỏ đang bị nước ngập trắng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Trong cơn bão số 9, diện tích lúa bị ngập úng tập trung ở các xã Nhơn Thành, Đập Đá, Nhơn Hạnh, Nhơn Phong, đây là những vùng trũng. Trong đợt mưa vừa xảy ra, cả những vùng cao như Nhơn Mỹ, Nhơn Thọ cũng có nhiều diện tích bị ngập cục bộ do nước khách từ trên núi chảy xuống. Chúng tôi đang lo nhất những diện tích mới gieo sạ lại sau cơn bão số 9 sẽ bị hư hỏng giống, phải gieo sạ lại lần thứ 3”, ông Sỹ cho hay.

“Qua kiểm tra, chúng tôi nhận thấy lượng lúa giống dự phòng trong dân và các địa phương vẫn còn đủ để gieo sạ lại nên không lo việc bà con phải sử dụng giống lúa kém chất lượng. Sở NN-PTNT đang đề nghị các địa phương hướng dẫn nông dân tháo nước ra khỏi ruộng, khẩn trương chăm sóc lúa, tỉa dặm sau khi nước rút và tiếp tục gieo sạ lại những diện tích bị hư giống để đảm bảo lịch thời vụ.

Đồng thời, Sở NN-PTNT cũng đã ban hành văn bản đề nghị chính quyền các địa phương sau khi nước rút khẩn trương rà soát, thống kê chính xác những diện tích bị hư hỏng giống để thực hiện hỗ trợ khắc phục thiên tai theo quy định”, bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho biết.

Xem thêm
Bò dự án lăn đùng ra chết, nhà thầu không cấp bù

Bò dự án cấp chưa đầy 1 tháng thì lăn đùng ra chết. Người dân không biết đi đòi ai trong khi địa phương cũng không có phản ứng gì với nhà thầu.

Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng, tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo khẩn

BẮC KẠN Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng tại tất cả các huyện, thành phố, UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo khẩn thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch.

Vào mùa mưa, cây giống hút hàng, giá tăng 20 - 30%

BẾN TRE Đầu mùa mưa, do nhu cầu mua cây giống của nông dân tăng khá cao nên giá mặt hàng này cũng tăng từ 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nghiên cứu hệ thống đo phát thải CO2 và CH4 từ cây lúa

CẦN THƠ EcoTraceTech - Hệ thống đo phát thải CO2, CH4 từ cây lúa là ý tưởng khởi nghiệp của nhóm sinh viên Đại học Cần Thơ.