| Hotline: 0983.970.780

Lừa gạt tràn khắp làng quê: Bẫy bán dạo

Thứ Tư 31/12/2014 , 08:16 (GMT+7)

Tại Quảng Nam thời gian qua người dân ở nhiều làng quê bị sập bẫy những kẻ bán dạo hàng kém chất lượng./ Mượn hội thảo bán hàng trái phép

Tin vào những lời quảng bá, bà con bỏ một số tiền lớn mua về nhưng không sử dụng được. Khi biết mình bị lừa thì người bán đã cao chạy xa bay.

CÁN BỘ ĐẾN DÂN ĐỀU BỊ MẮC LỪA

Ngày được những người bán hàng lắp máy lọc nước với giá 3,1 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Hà, thôn Tú Phương, xã Bình Tú, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) vui sướng biết nhường nào.

Nghĩ từ nay gia đình không phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm để sinh hoạt và ăn uống nữa. Tuy nhiên, từ ngày lắp đến nay máy vẫn “đắp chiếu” đó, nước lọc ra còn bẩn hơn chưa lọc.

Bà Hà, kể: Theo hướng dẫn người bán hàng, sau khi đưa nước vào lọc hơn 2 giờ thì sử dụng. Bà làm đúng những gì người ta hướng dẫn, không sai một chi tiết nào, thế nhưng khi đun sôi nước chuyển sang màu trắng đục như nước vo gạo. Thấy vậy, bà nghĩ, chắc mới lần đầu nên để thêm 2 ngày xem thế nào. Sau 2 ngày nước nấu xong vẫn đọng nhiều váng cặn như nước dừa non, khi pha trà thì một lớp trà cùng váng nổi lềnh bềnh.

Nói về việc bị mắc lừa, chồng bà Hà là ông Huỳnh Luận, Thôn phó thôn Tú Phương, cho biết: Ngày 11/8, một người đàn ông xưng là Võ Văn Hòe, cán bộ khảo sát nước sạch – Liên hiệp Khoa học SX công nghệ hóa học, đến liên hệ với thôn cùng giấy giới thiệu của UBND xã Bình Tú về địa phương khảo sát nguồn nước.

Ngoài số giấy tờ trên, ông Hòe còn mang theo giấy giới thiệu là cán bộ khảo sát nước sạch – Liên hiệp Khoa học SX công nghệ hóa học Việt Nam của Phòng NN-PTNT huyện Thăng Bình. Thấy có giấy giới thiệu từ trên huyện nên lãnh đạo xã yên tâm giới thiệu xuống các thôn. Cầm được "bảo bối" đó, ông Hòe thuận đường thực hiện âm mưu bán hàng.

Khi đến các hộ dân khảo sát, ông Hòe cùng một số cộng sự lấy nước giếng đem ra làm thí nghiệm. Qua một số thao tác, nước chuyển qua màu đen, ông phán rằng, nước ở đây nhiễm phèn nặng lắm. Nếu bà con dùng nước này sinh hoạt, ăn uống thì một thời gian sẽ bị ung thư mà chết.

14-13-47_nh-1
Máy lọc nước do ông Hòe cung cấp cho gia đình bà Hà có giá 3,1 triệu đồng

Quá hoang mang, bà con hỏi có cách gì để xử lý không? Ông Hòe trả lời: Có chứ! Bà con phải mua máy lọc nước sạch mà sử dụng. Ở chỗ đơn vị có cung cấp loại máy này, giá bán rẻ nhưng lọc nước tốt lắm.

Nghe thế ông Luận và một số hộ dân đăng ký mua máy. Chiều cùng ngày, ông Hòe cho người mang máy đến lắp đặt tận nhà cho ông Luận và người anh họ là ông Nguyễn Ngọc Anh. Giá một máy lọc nước 4,1 triệu đồng nhưng đơn vị ưu ái cho 5 người mua đầu tiên với giá 3,1 triệu đồng, hỗ trợ 1 triệu đồng.

Tương tự như máy lọc nước của nhà bà Hà - ông Luận, chiếc máy tại nhà ông Anh cũng cho ra nước màu trắng đục, gia đình ông Anh không dám dùng đành quay lại dùng nước lọc cát như trước.

“Nói là bình lọc nhưng lọc xong nước vẫn đọng phèn như trước đó, thậm chí còn bẩn hơn nữa! Khi lắp đặt máy, những người này nói họ ở TP Tam Kỳ, trong giấy bảo hành có ghi số điện thoại liên lạc. Thấy có sự cố, nhiều người dân gọi điện thì không liên lạc được. Bà con muốn gặp lại người bán máy để được giải đáp nhưng chẳng biết đường nào mà lần”, ông Anh kể.

Ông Trần Tùng, Phó phòng NN-PTNT huyện Thăng Bình, thừa nhận bản thân đã bất cẩn khi ký giấy giới thiệu cho vị “cán bộ” đến các địa phương mà chưa xác minh kỹ càng.

Theo ông Tùng, ngày 7/8/2014, ông Vũ Văn Hòe đến đơn vị liên hệ làm việc kèm theo giấy giới thiệu là cán bộ khảo sát nước sạch – Liên hiệp Khoa học SX công nghệ hóa học Việt Nam, nói rằng đang làm đề tài nghiên cứu khoa học nên đến xin giấy giới thiệu của phòng để tiện đến các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thăng Bình làm việc. Ông Tùng cho biết ông chỉ ký giấy giới thiệu đề nghị các địa phương tạo điều kiện cho người này khảo sát nguồn nước chứ không biết việc bán sản phẩm.

Ông Trương Hồng Trung, ở thôn Phú Đông, xã An Phú, TP Tam Kỳ cũng bị dính bẫy những người bán hàng dạo. Vào thời điểm cuối năm trước, có một người đi xe máy chở hàng chục tấm bạt vào nhà ông Trung. Người này xưng là cán bộ điện lực, khoe rằng, số bạt này ăn bớt được ở một công trình xây dựng lán trại của công nhân đi làm đường điện, giờ đem bán với giá rẻ.

Theo người dân xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, sản phẩm bình nước mà ông Võ Văn Hòe, cán bộ khảo sát nước sạch – Liên hiệp Khoa học SX công nghệ hóa học Việt Nam cung cấp của Cty TNHH Công nghệ Môi trường nước Niềm Tin Việt, có địa chỉ tại số 159/6, Trần Bình Trọng, phường 3, quận 5, TP.HCM. Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm kiếm trên mạng thì địa chỉ Cty này đặt tại số 745/125 Quang Trung, phường 12, quận Gò Vấp, TP.HCM.

Nghe vậy, ông Trung nghĩ mình vớ được của rẻ nên mua 5 tấm, giá 250.000 đồng/tấm để phơi lúa, che mưa khi thu hoạch mùa vụ. Hôm sau vợ ông ra chợ, hỏi những tấm bạt như chồng mình đã mua thì giá 50.000 đồng/tấm. Khi biết mình đã bị lừa thì đã quá muộn, đến nay số bạt ông mua hư hỏng hết.

ĐẦY RẪY CHUYỆN LỪA GẠT

Tại các vùng núi tỉnh Quảng Nam nhiều bà con mua phải đồ giả của những kẻ bán dạo, nhất là những bản làng, nơi bà con dân tộc thiểu số sinh sống. Đã hơn 4 tháng nhưng chuyện ông Hồ Văn Thân ở thôn 3, xã Phước Năng, huyện Phước Sơn mua phải đồ giả vẫn còn gây xôn xao trong làng.

Theo ông Thân, 2 vợ chồng ông mua chiếc bếp và bộ nồi tráng men, của một người bán dạo tự xưng là nhân viên của Cty TNHH SX-TM Lập Thành Phát Quốc tế có trụ sở tại TP.HCM với giá 4.490.000 đồng. Chiếc bếp điện từ hiệu Nakiwa, được người bán hàng nâng tầm là “bếp sử dụng năng lượng mặt trời”.

Những người này quảng cáo rằng, bếp phơi 2 tiếng dưới ánh nắng mặt trời sẽ sinh ra điện và tự làm chín thức ăn mà không cần cắm điện.

14-13-47_nh-3
Bộ bếp điện chị Thỉa mua hơn 7 triệu đồng

Chưa hết, người đàn ông bán dạo tiếp tục đưa ra những lời mời hấp dẫn như trả thêm 3 triệu đồng nữa sẽ được khuyến mãi xe đạp điện và bộ sa lông cao cấp. Thấy họ hứa rất nhiều và còn cho cả số điện thoại để làm tin nên ông Thân đã đưa hết số tiền dành dụm trong nhà tổng cộng 7.500.000 đồng để lấy một cái bếp từ, 5 cái nồi và chờ quà khuyến mại mà không chút nghi ngờ.

“Hắn bảo tặng quà cho người dân tộc thiểu số dịp tháng 7, mỗi huyện được 50 người may mắn được khuyến mại. Nghe rứa, mình đâu có biết bị lừa, sau này ai đi bán như thế này thì báo công an thôi, thằng đó nói ngọt ngào quá nên mình mắc phải”, ông Thân chua chát.

Chị Hồ Thị Thỉa ở thôn 3, xã Phước Năng nghe tin hàng khuyến mại hấp dẫn nên cũng mua. Chị bỏ ra hơn 7 triệu đồng mua một bộ, vì thấy quảng cáo tiện lợi, cộng thêm lời hứa có thêm bộ bàn ghế ưu tiên cho những gia đình mới cưới nên chị nghĩ họ nói thật.

Bếp chị còn để đó, còn quà khuyến mại thì chị Thỉa chờ hết ngày thứ hai đến ngày ba, rồi cả tháng qua đi nhưng không nhận được hàng là xe đạp điện, sa lông mà họ hứa. Điện vào số điện họ cho thì thuê bao không liên lạc được, lúc này chị Thỉa mới bàng hoàng biết bị lừa.

Sau đó chị đi ra thị trấn hỏi giá về những loại mình vừa mua thì giá trị thực của chiếc bếp chưa đến 1 triệu đồng, còn bộ nồi inox kia cũng chỉ ba bốn trăm ngàn đồng. Bộ bếp, nồi bây giờ chỉ gác xó bếp vì chị không biết sử dụng.

Xem thêm
Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình

Báo Nông nghiệp Việt Nam giới thiệu bài viết của Thủ tướng Phạm Minh Chính đầu năm mới 2025, cùng mong muốn đất nước phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng.

Xuất khẩu gạo lập kỳ tích vượt 9 triệu tấn và 5 tỷ USD

Xuất khẩu gạo gây ấn tượng mạnh mẽ cả về lượng và kim ngạch trong năm 2024 khi thiết lập những cột mốc lịch sử cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

'Làng Nủ hạnh phúc'

Đó sẽ là tên gọi mới của ngôi làng mà 3 tháng trước từng là tâm điểm tang thương trong trận lũ quét lịch sử xảy ra tại Làng Nủ (huyện Bảo Yên, Lào Cai).