| Hotline: 0983.970.780

Luân canh màu trên đất lúa thu nhập cao gấp 4 lần so với độc canh

Thứ Sáu 21/01/2022 , 11:30 (GMT+7)

KIÊN GIANG Luân canh màu - lúa đang là quy trình canh tác không chỉ giúp gia tăng giá trị, mà còn cải thiện tình trạng bạc màu, suy giảm chất lượng đất do độc canh lúa.

Đó là kết quả nghiên cứu được công bố tại hội thảo khoa học do Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang tổ chức ngày 20/1 tại TP Rạch Giá.

Đề tài nghiên cứu biện pháp cải thiện năng suất và tăng hiệu quả mô hình chuyển đổi lúa sang luân canh màu, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu tại Kiên Giang, do Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang triển khai thực hiện. Địa bàn thực hiện là đất canh tác lúa 3 vụ/năm từ 5 năm trở lên, tại 3 huyện U Minh Thượng, Giồng Riềng và Giang Thành. Thời gian thực hiện vụ đông xuân 2020 - 2021, vụ xuân hè và hè thu 2021.

Luân canh trồng dưa lê cho lợi nhuận cao gấp 4 lần trồng lúa, giúp quy trình canh tác bền vững hơn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Trung Chánh.

Luân canh trồng dưa lê cho lợi nhuận cao gấp 4 lần trồng lúa, giúp quy trình canh tác bền vững hơn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Trung Chánh.

“Luân canh màu trên đất lúa cho thu nhập cao gấp mấy lần trồng lúa. Ngoài ra, việc luân canh cây màu có kết hợp bón phân hữu cơ đã góp phần cải tạo độ phì nhiêu của đất, giúp cho vụ lúa tiếp theo canh tác hiệu quả hơn”, bà Thị Tú Linh.

Kiên Giang có diện tích tự nhiên 634.878 ha, chia thành 4 tiểu vùng: Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu, U Minh Thượng và đảo – hải đảo. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp là 576.452 ha. Điều kiện tự nhiên thuận lợi giúp Kiên Giang phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, kinh tế biển và công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản. Đặc biệt là phát triển sản xuất lúa, với diện tích canh tác hàng năm khoảng 720.000 ha, cho tổng sản lượng từ 4 - 4,5 triệu tấn.

Tuy nhiên, việc thâm canh lúa 3 vụ/năm lâu dài dẫn đến đất trồng trọt ngày càng bạc màu, sức sản xuất của đất có dấu hiệu suy giảm, năng suất lúa có khuynh hướng không tăng nhưng chi phí ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng thiếu nước tưới và xâm nhập mặn lấn sâu vào nội đồng. Do đó, thời gian qua Kiên Giang đã chủ trương đa dạng hóa cây trồng trên đất lúa, tập trung phát triển rau màu ngắn ngày vụ xuân hè hàng năm như bắp, mè, đậu nành, dưa lê, dưa hấu, khoai lang, cây sen (vùng đất trũng).

Luân canh màu trên đất lúa không chỉ là giải pháp tăng giá trị sản xuất, mà còn giúp cải tạo đất. Ảnh: Trung Chánh.

Luân canh màu trên đất lúa không chỉ là giải pháp tăng giá trị sản xuất, mà còn giúp cải tạo đất. Ảnh: Trung Chánh.

Anh Cao Thưởng, Trưởng trạm Khuyến nông Giang Thành cho biết, thời gian qua, huyện đã thực hiện chuyển đổi, luân canh màu trồng trên đất lúa khá hiệu quả, gồm các loại cây như đậu nành, mè, bắp, dưa lê, dưa hấu và cây sen (vùng đất trũng).

Địa bàn huyện có vùng đất pha cát, cặp theo kênh Vĩnh Tế và kênh Giang Thành, thích hợp cho trồng luân canh màu. Trong đó, huyện đã làm mô hình và đánh giá hiệu quả cả về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, như cây bắp, dưa lê và cây sen.

“Cây bắp được huyện Giang Thành tập trung phát triển trên nền đất lúa nhằm chuyển đổi luân canh, đồng thời góp phần tạo nguồn thức ăn xanh chăn nuôi gia súc. Cây dưa lê điều kiện canh tác phù hợp, cho hiệu quả kinh tê cao. Còn cây sen thì rất thích hợp với những diện tích lung bào, trũng, dễ bị ngập úng khi sản xuất lúa”, ông Thưởng cho biết.

Cây sen được nông dân huyện Giang Thành chọn trồng trên những diện tích lung bào, trũng, dễ bị ngập úng, cho hiệu quả cao hơn hẳn so với sản xuất lúa. Ảnh: Trung Chánh.

Cây sen được nông dân huyện Giang Thành chọn trồng trên những diện tích lung bào, trũng, dễ bị ngập úng, cho hiệu quả cao hơn hẳn so với sản xuất lúa. Ảnh: Trung Chánh.

Chủ nhiệm đề tài, bà Thị Tú Linh, Trưởng phòng Khuyến nông - Trồng trọt và Chăn nuôi (Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang) đánh giá, việc độc canh cây lúa, thâm canh 3 vụ lúa/năm liên tục sẽ ảnh hưởng đến môi trường đất, năng suất có su hướng suy giảm dần. Vì vậy, luân canh màu trên đất lúa sẽ giúp quy trình canh tác bền vững hơn, tăng thu nhập cho nông dân.

Triển khai thực hiện đề tài, các địa phương đã lựa chọn các loại cây trồng gồm dưa lê, bắp, đậu nành và mè để trồng luân canh trên đất lúa. Hoạch toán kinh tế các thí nghiệm cho thấy, trồng dưa lê đạt tổng doanh thu 83,7 triệu đồng/ha, lợi nhuận 43,6 triệu đồng. Tiếp đến là cây bắp, doanh thu 73,5 triệu đồng/ha, lợi nhuận 40,7 triệu đồng. Đậu nành doanh thu 43 triệu đồng/ha, lợi nhuận 26 triệu đồng. Cây mè doanh thu 32,7 triệu đồng/ha, lượi nhuận 15,1 triệu đồng. Trong khi đó, vụ lúa cùng thời điểm cho doanh thu 25,8 triệu đồng, lợi nhuận chỉ đạt 11,2 triệu đồng.

Trồng sen luân canh trên đất lúa, nông dân có nguồn thu nhập thường xuyên và cao hơn so với cây lúa. Ảnh: Trung Chánh.

Trồng sen luân canh trên đất lúa, nông dân có nguồn thu nhập thường xuyên và cao hơn so với cây lúa. Ảnh: Trung Chánh.

Theo ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang, để việc luân canh màu, chuyển đổi cây trồng trên đất lúa thật sự hiểu quả, các đia phương cần quy hoạch vùng sản xuất tập trung, chọn cây trồng thích hợp, có thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, đầu tư cơ vào sản xuất, nhất là các khâu làm đất, thu hoạch với một số cây đặc thù và sơ chế, bảo quản. Tạo mối liên kết với các doanh nghiệp và tổ chức nông dân để phát triển sản xuất, ổn định về đầu ra.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.