Cây mì là cây trồng chính của nông dân huyện Phù Cát (Bình Định), chỉ đứng sau cây lúa và đậu phộng (lạc) với diện tích canh tác hàng năm lên đến 3.500 - 3.600ha, tập trung tại các xã Cát Sơn, Cát Hiệp, Cát Lâm, Cát Trinh và Cát Hanh.
Theo ông Lương Văn Khoa, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, trong những năm qua năng suất mì tại địa phương này được nâng cao đáng kể, nhờ nông dân đầu tư thâm canh và sử dụng những giống mới cho năng suất cao.
“100% diện tích trồng mì ở huyện Phù Cát sử dụng giống mì cao sản KM94 nên năng suất tăng từ 20-40 tạ/ha so với năm 2015. Tuy nhiên, nếu trồng độc canh cây mì đất sẽ bạc màu và dễ bị rửa trôi, đặc biệt là địa hình của các xã Cát Lâm, Cát Sơn, Cát Hiệp, Cát Trinh và Cát Hanh nghiêng từ Tây sang Đông, nên khả năng bị rửa trôi rất cao”, ông Khoa cho hay.
Trước thực tế trên, trong những năm qua, chính quyền huyện Phù Cát chỉ đạo cho ngành chuyên môn và các địa phương chú trọng việc chuyển đổi cây trồng trên đất trồng mì kém hiệu quả với 2 mô hình xen canh và luân canh. Trong đó, mô hình xen canh đậu phộng và mì được triển khai rộng khắp trên địa bàn với diện tích chuyển đổi hàng năm 1.100ha.
Hiệu quả của mô hình xen canh đậu phộng-mì giúp nông dân giảm chi phí đầu tư phân bón cho cây mì trong giai đoạn đầu. Bởi, giống mì cao sản KM94 có thời gian sinh trưởng 10-11 tháng. Khi trồng cùng lúc với đậu phộng trong vụ đông xuân thì trong 4 tháng đầu cây mì được “ăn” phân bón nông dân bón cho cây đậu phộng. Khi đậu phộng cho thu hoạch thì cây mì đã được 4 tháng tuổi, chỉ còn 7 tháng nữa là thu hoạch, cây mì đủ thời gian sinh trưởng nên không ảnh hưởng gì đến tỷ lệ tinh bột và năng suất.
“Cây đậu phộng trồng xen với mì năng suất vẫn đạt bình quân 40 tạ/ha, những vùng đầu tư thâm canh tốt có thể đạt 42 tạ/ha. Với công thức xen canh nói trên, sau khi trừ chi phí đầu vào nông dân còn lãi ròng 100 triệu đồng/ha, mức lãi tăng gấp 3 so với trồng mì độc canh”, ông Lương Văn Khoa chia sẻ.
Mô hình luân canh theo công thức đậu phộng đông xuân, mè (vừng) vụ hè trong thời gian qua cũng phát triển mạnh tại Phù Cát. Nếu như năm 2015, nông dân Phù Cát chỉ trồng luân canh theo công thức trên chỉ 500ha thì năm 2020 đã tăng đến 860ha.
Sau khi thu hoạch đậu phộng vụ đông xuân, nông dân lập tức làm đất triển khai ngay trồng mè vụ hè. Với công thức này, năng suất đậu phộng vụ đông xuân đạt 40 tạ/ha, sau đó thu hoạch mè vụ hè 11-12 tạ/ha, sau khi trừ phi phí, nông dân cũng có khoản lãi ròng 90-100 triệu đồng/ha, mức lãi gấp 3 lần so với trồng mì độc canh.
Ngoài 2 mô hình trên, trong công cuộc chuyển đổi cây trồng ở Phù Cát còn phổ biến nhiều mô hình khác cũng cho hiệu quả kinh tế cao. Ví như mô hình đậu phộng đông xuân-đậu phộng vụ thu. Đặc biệt, đậu phộng vụ thu chủ yếu để giống cho vụ đậu phộng đông xuân năm sau.
“Nếu hộ nào sản xuất diện tích lớn, ngoài để lại làm giống còn bán cho nông dân trong vùng kiếm thêm thu nhập. Đậu phộng giống trong giai đoạn này có giá rất cao, bởi, vụ đông xuân nông dân Phù Cát sản xuất diện tích lớn, đến 3.600ha, nên đầu ra của đậu phộng giống trong giai đoạn này là thênh thang”, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát Lương Văn Khoa, cho hay.
“Nhờ hệ thống kênh tưới trên địa bàn hoàn chỉnh, đặc biệt là kênh tưới Thuận Ninh và nông dân áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất với nhiều mô hình xen canh, luân canh nên lợi nhuận mang lại cao gấp 3 lần so trồng độc canh cây mì. Đặc biệt, mô hình trồng xen canh, luân canh cây mì hạn chế tối đa nạn đất bị bạc màu và xói mòn. Bên cạnh đó, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ có 2 năm hỗ trợ cho nông dân huyện Phù Cát về mặt kỹ thuật với các công thức trồng xen canh, luân canh trong dự án phát triển cây mì bền vững đã góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cây mì trên đất Phù Cát”, ông Lương Văn Khoa, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát.