Nơi người Pháp chọn là khu nghỉ dưỡng
Từ những tài liệu còn ghi chép lại, thời điểm đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đẩy mạnh quá trình khai thác quặng tại mỏ thiếc Tĩnh Túc và một số mỏ quặng khác tại huyện Nguyên Bình. Bên cạnh việc khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản, người Pháp còn lựa chọn nơi đây để nghỉ dưỡng bởi điều kiện khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan hùng vĩ.
Vì tính chất công việc đòi hỏi nguồn nhân lực lớn mà hàng ngàn người khắp nơi đã dồn về làm công nhân tại các mỏ quặng. Với mong muốn đảm bảo giám sát thành công số lượng nhân công lớn, thực dân Pháp tiếp tục điều động quân lính đến quản lý, kết hợp xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp, quy mô lớn phục vụ sĩ quan, binh lính tại chỗ.
Các ngôi nhà biệt thự, khu biệt thự liền kề được người Pháp đầu tư xây dựng tại xóm Phja Đén, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình từ khoảng những năm 1930 của thế kỷ trước.
Trên lưng chừng núi Phja Oắc, loại hình xây dựng chính là biệt thự độc lập để quan chức cấp cao Pháp sinh hoạt. Còn biệt thự liền kề dành cho quan chức, binh lính nhỏ. Cách đó không xa là khu vực quan chức Pháp ngắm cảnh, thường gọi là “đài vọng cảnh”.
Các ngôi nhà biệt thự, dãy biệt thự liền kề ở khu Nhà Đỏ đã hư hỏng, xuống cấp theo thời gian. Chỉ còn một ngôi biệt thự là vẫn giữ được cơ bản phần khung nhà với thiết kế nhà 3 gian, 2 tầng. Mỗi tầng được chia làm nhiều phòng khép kín.
Sau lớp rêu phong là những bức tường biệt thự cổ xây bằng đá vững chắc dày khoảng 40cm. Theo người dân địa phương chia sẻ, xưa kia thực dân Pháp bắt công nhân ghè đẽo thủ công những hòn đá trên núi vuông vắn để phục vụ xây dựng. Để xây dựng được một ngôi biệt thự phải mất cả năm trời.
Khu Nhà Đỏ trải qua chặng đường dài theo lịch sử đã không còn giữ được hiện trạng ban đầu và gần như bị lãng quên. Bởi thế mà người ta thường ví von chúng giống như nàng tiên ngủ quên ở trong rừng.
Viên ngọc quý của Cao Bằng
Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén được thành lập tháng 1/2018 trên cơ sở chuyển hạng từ cấp Khu Bảo tồn; trải dài trên địa phận các xã Thành Công, Quang Thành, Phan Thanh, Hưng Đạo và Thị trấn Tĩnh Túc (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng).
Tổng diện tích tự nhiên của vườn hơn 10.500 ha, trong đó có hơn 8.000 ha rừng tự nhiên. Khu rừng này trước đây từng được Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) xác lập là Khu dự trữ thiên nhiên năm 1986.
Ngày 11/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quyết định chính thức thành lập Vườn Quốc gia Phia Oắc - Phia Đén. Vườn có 3 phân khu chức năng: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; phân khu phục hồi sinh thái; phân khu dịch vụ hành chính.
Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 4.035,5 ha, tại Tiểu khu 338, 352 xã Thành Công; Tiểu khu 333, 334 xã Quang Thành; Tiểu khu 327, 337 xã Phan Thanh; Tiểu khu 321, 322 Thị trấn Tĩnh Túc.
Phân khu này có nhiệm vụ bảo vệ nghiêm ngặt hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và á nhiệt đới núi trung bình; hệ sinh thái rừng lùn hay còn gọi là “rừng rêu”, kiểu rừng của khí hậu ôn đới đặc trưng của miền Bắc Việt Nam; các loài đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm.
Vùng đệm Vườn Quốc gia có diện tích 8.276,1 ha, trên địa bàn 42 thôn thuộc 6 xã và 1 thị trấn (xã Phan Thanh, Thành Công, Quang Thành, Hưng Đạo, Vũ Nông, Thể Dục và Thị trấn Tĩnh Túc), huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
Phja Oắc - Phja Đén là tên hai đỉnh núi cao nhất trong khu vườn quốc gia. Đỉnh Phia Oắc có độ cao 1.931 m, được ví như “nóc nhà” phía Tây của Cao Bằng. Rừng ở đây thuộc kiểu rừng kín thường xanh, mưa ẩm á nhiệt đới; có 1.287 loài thuộc 786 chi trong 202 họ thực vật của 6 ngành thực vật, trong đó có nhiều loài thực vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam...
Hiện nay, Vườn có 496 loài động vật có xương sống, ngoài ra còn hàng nghìn loài động vật không xương sống, côn trùng... Trong số các loài động vật có tên trong danh mục, đã xác định được 58 loài động vật quý hiếm, bao gồm 30 loài thú có tên trong Sách Đỏ Việt Nam; 12 loài bò sát, trong đó 3 loài ở thứ hạng cực kỳ nguy cấp; 3 loài ếch nhái, trong đó 2 loài ở thứ hạng cực kỳ nguy cấp.
Đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý hiếm, những nguồn gen động vật này có giá trị kinh tế và giá trị bảo tồn cao.
Về cảnh quan thiên nhiên, Phja Oắc - Phja Đén có cảnh sắc đẹp lung linh, huyền ảo tựa như Đà Lạt hay Sa Pa, làm hút hồn bất cứ du khách nào lần đầu đến tham quan. Những ngày trời quang mây, nắng đẹp, đứng trên đỉnh núi Phia Oắc, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa, quan sát quang cảnh núi non trùng điệp hùng vỹ.
Vào mùa xuân, du khách tới nơi này sẽ được chiêm ngưỡng nhiều loài hoa mọc tự nhiên như đỗ quyên, lan rừng nở rực rỡ. Mùa đông thì có thể chứng kiến những bông hoa tuyết phủ đầy dãy núi, cành cây không khác gì phong cảnh ở Châu Âu.
Phân bố xung quanh vườn quốc gia là những làng bản, những dòng suối, triền đồi, những thửa ruộng bậc thang được đồng bào dân tộc trồng lúa, ngô, chè... tạo nên những bức tranh thiên nhiên nhiều màu sắc hấp dẫn. Du khách đến đây còn được tìm hiểu thêm về nền văn hóa bản địa nhiều sắc màu thể hiện trong trang phục, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc Dao, Nùng, Tày, Mông.
Ông Trương Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Cao Bằng cho biết: Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén được nhiều người ví như "hòn ngọc quý" của Công viên địa chất non nước Cao Bằng. Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn với những đặc điểm tự nhiên, cảnh qua còn hoang sơ, hấp dẫn.
Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén không chỉ có sức hấp dẫn lớn đối với du khách trong nước mà còn cả với du khách nước ngoài vì họ rất thích tìm hiểu, khám phá những khác biệt về địa chất, địa mạo, địa tầng của tự nhiên. Trong tương lai, khu vực này sẽ là một trong những khu du lịch trọng điểm của tỉnh Cao Bằng.