Nhắc đến quê lúa Yên Thành phải nói đến làng Phan Thanh (xã Long Thành), nơi vinh dự được UBND tỉnh Nghệ An công nhận danh hiệu “Làng nghề chế biến lươn” năm 2022.
Trong lộ trình phát triển vốn quý, UBND xã Long Thành (Yên Thành) được giao vai trò chủ thể quản lý, thực hiện điều hành các hoạt động tổ chức kinh doanh, sản xuất theo đơn đặt hàng gửi đến. Không dấu nổi nét hồ hởi, Chủ tịch Nguyễn Văn Đề tâm đắc: “Làng Phan Thanh không chỉ có lươn sơ chế cấp đông mà còn cung cấp đa dạng các chủng loại, mặt hàng, từ lươn cuộn, lươn ướp, lươn sấy khô cho đến lươn phi lê, tất cả được chế biến rất cầu kỳ và có nét độc đáo riêng biệt.
Thị trường cần gì Phan Thanh có cái đó. Sản phẩm đạt các chỉ tiêu chí khắt khe về an toàn thực phẩm nên chiếm trọn niềm tin của khách hàng, lúc này lươn Phan Thanh hiện diện khắp mọi miền tổ quốc và xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực. Thời gian tới sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân quảng bá trên các sàn thương mại điện tử, các hệ thống kết nối cung cầu để phát huy tối đa tiềm năng, nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế từ con lươn”.
Chia sẻ của Chủ tịch UBND xã Long Thành rất sắc đáng, thể hiện được giá trị, tâm thế của một thương hiệu quý. Nội trong phạm vi xóm Phan Thanh thôi đã có trên 50 hộ dân chuyên nghề chế biến lươn, hàng năm thu tiền trăm bạc tỷ dễ như bỡn, chưa kể còn giải quyết công ăn việc làm thường nhật cho hàng trăm lao động địa phương.
Không ngoa khi nói rằng con lươn giúp nhiều nhà đổi đời chóng vánh, phút chốc vươn tầm tỷ phú. Nhờ con lươn nhịp sống nơi đây luôn căng tràn, nhà cao tầng mọc lên san sát, đường làng ngõ xóm đổ bê-tông phẳng lỳ, của nả dư dả kéo theo tâm lý hào sảng, tiếng người cười nói rộn vang không ngớt.
Nhận thấy thị trường ngày một khắt khe, làng Phan Thanh cũng kịp chuyển mình theo nhịp đập của thời cuộc, từ sản xuất, kinh doanh truyền thống, nay khái niệm “hàng hóa” không còn xa lạ. Các hộ không ngần ngại đầu tư, sắm sang thiết bị hiện đại, đắt tiền để phục vụ nhu cầu kinh doanh, xét từ thực tiễn đây là chọn lựa an toàn.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ cơ sở thu mua, chế biến Khôi My tại xóm Phan Thanh, xã Long Thành chia sẻ: "Mô hình áp dụng hơn 10 năm rồi, quy mô ngày một hoàn thiện hơn. Nguồn hàng nhập vào tùy thời điểm và nhu cầu, bình quân không dưới 2 tạ lươn/ ngày, đỉnh điểm có những ngày nhập trên 1 tấn hàng vẫn không đủ. Chất lượng đầu vào đảm bảo, lại được xử lý kỹ lưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên quá trình tiêu thụ rất thuận lợi, chung quy có bao nhiêu hết bấy nhiêu. Khách hàng, đối tác rải khắp trong Nam ngoài Bắc, Vinh, Hà Nội, Sài Gòn, Thanh Hóa, Đà Nẵng… đâu đâu cũng có. Việc nhiều nên phải thuê tận 7 lao động cố định, những lúc cao trào phải đến 20 – 30 người”.
Anh Vũ Huy Hoàn, sinh sống tại Hà Nội nhận xét: “Mỗi lần vào Nghệ An công tác nhất quyết phải thưởng thức món súp lươn truyền thống với hương vị đặc trưng, khác biệt hoàn toàn những nơi khác. Không có điều kiện vào thường xuyên, thi thoảng tôi vẫn nhờ người quen đặt hộ sản phẩm lươn cấp đông để dùng dần, chất lượng rất tốt, tiện lợi mà giá cả lại phải chăng”.
Để hình thành một thương hiệu mang tính trường tồn không đơn giản chỉ trong một sớm một chiều, ngược lại cần thời gian và sự nhẫn nại. Thực tế trước kia người Phan Thanh chỉ nổi tiếng với biệt tài dùng tay không bắt lươn, số khác lại chuyên nghề thả trúm, thịnh thành đến mức nhà nào cũng trang bị độ 200-500 ống trúm.
Nhưng ấy là khi mọi sự xuôi chèo mát mái, về sau khi diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, ô nhiễm môi trường tăng cao, môi trường tự nhiên bị xáo trộn nặng nề tức thì đẩy con lươn vào tình cảnh “khó ở”, tốc độ sinh sản suy giảm rõ rệt, vô hình khiến thu nhập chung sụt giảm nghiêm trọng, nghề bắt lươn vì thế cũng mai một dần.
Không cam tâm chứng kiến con lươn sớm biến mất khỏi đất này, những người có trách nhiệm đã họp bàn, thống nhất phải thay đổi cách thức, từ chỗ bị động chuyển sang chủ động. Muốn làm được phải “tầm sư học đạo”, trang bị kiến thức đủ đầy tiến tới nuôi lươn thương phẩm, dạng hàng hóa, vừa đảm bảo cung cấp nguồn hàng lại nâng cao giá trị kinh tế.
Đồng lòng hướng đến mục tiêu chung, cứ thế phong trào nuôi lươn nơi đây phát triển như vũ bão, không chỉ gói gọn trong phạm vi nhỏ mà lan rộng ra toàn huyện Yên Thành và các vùng lân cận. Chủ động nguyên liệu đầu vào, thương hiệu "lươn Phan Thanh" ngày càng được củng cố.
Thành quả ngọt ngào đúc kết từ mồ hôi và nước mắt, bởi khó nhọc nên người dân làng Phan Thanh rất trân quý và nêu cao trách nhiệm gìn giữ. Xác định gầy dựng vốn quý đã khó, duy trì và phát triển càng gian nan gấp bội phần, do đó tất thảy đều gắng sức chung tay phát triển toàn diện nghề nuôi, chế biến lươn theo hướng hiện đại, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và tăng sức tính cạnh tranh.