| Hotline: 0983.970.780

Công trình xử lý nước thải tê liệt, nguy cơ đóng cửa cảng cá: Đừng đổ lỗi do… tầm nhìn

Chủ Nhật 19/03/2023 , 15:43 (GMT+7)

Hàng trăm tỷ đồng xây dựng, nâng cấp cảng cá nhưng lại xếp vấn đề xử lý môi trường ở hàng thứ yếu, phải chăng Quảng Trị đánh đổi môi trường để lấy kinh tế?

Coi nhẹ điều thiết yếu, ưu tiên hạng mục thứ yếu

Trước thực tế hệ thống cảng cá tại các tỉnh miền Trung xuống cấp không đáp ứng nhu cầu hoạt động kinh tế biển cũng như chống khai thác hải sản bất hợp pháp theo khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC), năm 2019, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án Xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá tỉnh Quảng Trị.

Dự án có tổng mức đầu tư 400 tỉ đồng từ nguồn kinh phí bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

Empty

Công trình xử lý nước thải tại cảng cá Cửa Tùng hiện chỉ là một bãi đất trồng. Ảnh: Võ Dũng.

Cuối năm 2020, Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội ban hành. Trước đó chỉ vài tháng, UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng Dự án nâng cấp sửa chữa cảng cá Cửa Tùng (50 tỷ đồng); nâng cấp, mở rộng cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt (130 tỷ đồng); khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Bắc Cửa Việt (120 tỉ đồng).

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và PTNT (nay là Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng) được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư.

Bài liên quan

Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thành phần trên đều có hạng mục đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải với công suất 450 - 500 m3/ngày đêm, đảm bảo tiêu chuẩn nước xả thải ra môi trường theo quy định hiện hành.

Tuy nhiên, trong Quyết định Phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi của UBND tỉnh Quảng Trị, giai đoạn này, dự án chỉ mới đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải, chưa có hạng mục công trình xử lý nước thải tập trung.

Trong khi đó, cảng cá Cửa Tùng ngày càng có nhiều cơ sở đầu tư chế biến, kinh doanh các mặt hàng hải sản, dịch vụ hầu cần nghề cá. Hầu hết các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh ở đây đều đều dùng chung công trình xử lý nước thải vốn đã lạc hậu, xuống cấp và không đáp ứng nhu cầu của các cảng cá. Vì thế, 3 năm về trước, toàn bộ nguồn nước xả thải này được thu gom theo cống, rãnh về một chiếc bể chứa chỉ 70m3 để lắng lọc cơ học rồi xả ra môi trường.

Tuy nhiên, 3 năm lại đây, bể chứa trên đã tắc nghẽn và hư hỏng. Một phần mặt bằng cảng cá trở thành bãi tập kết cát trong quá trình doanh nghiệp tư nhân thực hiện việc nạo vét, khơi thông luồng lạch, cửa biển. Vì vậy, nguồn nước thải không còn chảy tập trung ra khu vực bể lắng lọc mà theo các cống, rãnh hoặc chảy tràn trên mặt đất, đường giao thông, rồi đổ ra biển.

Empty

Cảng cá Cửa Tùng sẽ ngừng hoạt động nếu không có công trình xử lý nước thải. Ảnh: Võ Dũng.

Tương tự, suốt hơn 20 năm nay việc xử lý hàng trăm khối nước thải mỗi ngày tại cảng cá Nam Cửa Việt cũng chỉ bằng chiếc bể chứa 50m3 trước khi chúng được xả thải ra môi trường.

“Chúng tôi rất lo lắng, bởi khi buộc phải thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thì các cảng cá này sẽ phải đóng cửa. Hàng chục doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh trong phạm vi các cảng cá, hơn 15.000 hộ dân sinh sống bằng nghề biển trong toàn tỉnh sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng”, ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Quảng Trị băn khoăn.

Không còn đường lùi

Theo ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Quảng Trị, nếu UBND tỉnh Quảng Trị đồng ý để Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh bàn giao và đưa vào vận hành các dự án nói trên khi công trình xử lý nước thải chưa được xây dựng, Ban Quản lý cảng cá Quảng Trị sẽ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh các mặt hàng hải sản cũng sẽ không đủ điều kiện để xuất khẩu sang thị trường một số quốc gia do không được cấp chứng chỉ đảm bảo môi trường theo quy định.

7

Xây dựng công trình xử lý nước thải là điều bắt buộc nếu không muốn cảng cá Nam Cửa Việt đóng cửa. Ảnh: Võ Dũng

Trước sự việc này, ngày 27/1/2022, Sở NN-PTNT Quảng Trị có báo cáo số 209/SNN-QLCT gửi UBND tỉnh. Nội dung báo cáo nhấn mạnh tính cấp thiết của việc ưu tiên đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải tại 2 cảng cá Cửa Tùng và Nam Cửa Việt. Sở NN-PTNT Quảng Trị đề xuất Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh rà soát, cân đối nguồn vốn được bố trí cho các dự án trên để ưu tiên đầu tư xây dựng một phần của công trình xử lý nước thải tập trung tại 2 cảng cá Cửa Tùng và Nam Cửa Việt.

Sau đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã có công văn chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đánh giá lại toàn bộ quá trình thực hiện dự án, trên cơ sở đó đề xuất điều chỉnh, bổ sung các hạng mục của các dự án nhằm phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 trong phạm vi nguồn vốn đã bố trí cho dự án để đảm bảo các dự án đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, Báo cáo số 309/BC-BQLDA ngày 22/2/2023 của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị gửi UBND tỉnh này cho rằng, nguồn vốn 300 tỉ đồng từ nguồn kinh phí bồi thường sự cố môi trường biển của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh là chưa đủ để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo tiêu chí công bố mở cảng cá loại II và loại I theo quy hoạch tổng thể hệ thống cảng cá.

Vì vậy, trước mắt đơn vị này sẽ ưu tiên đầu tư nâng cấp, sửa chữa các hạng mục thiết yếu; các hạng mục còn lại theo quy hoạch được phê duyệt cần tìm kiếm nguồn vốn khác để thực hiện nhằm đảm bảo tính đồng bộ, quy mô cảng cá và các khu neo đậu theo quy định để phục vụ neo đậu tàu thuyền, khai thác đánh bắt thủy hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Đơn vị này đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị cho chủ trương chưa thực hiện đầu tư công trình xử lý nước thải từ nguồn kinh phí bồi thường sự cố môi trường biển để có cơ sở bàn giao, đưa công trình vào vận hành, khai thác sau khi kết thúc dự án.

z4185599298987_298eb6a4a995309f189c3b29c74baca2 (1)

Sẽ có nhiều hệ lụy khi các cảng cá tại Quảng Trị không có công trình xử lý nước thải. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Lê Vĩnh Phú, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị cũng cho rằng, thời gian gia hạn còn lại không nhiều trong khi khối lượng công việc còn lại khá lớn. Vì vậy, trường hợp có thêm nguồn vốn thi công các công trình xử lý nguồn nước thải tập trung tại 2 cảng cá nói trên, hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2023 cũng sẽ không thực hiện được đúng tiến độ.

Điều này đồng nghĩa với việc, đến tháng 6 và tháng 12/2023, khi thời hạn cuối cùng để bàn giao đưa vào sử dụng, các cảng cá Cửa Tùng và Nam Cửa Việt vẫn chưa đủ điều kiện vận hành theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường. 

“Nếu cảng cá Cửa Tùng và Nam Cửa Việt không đủ điều kiện hoạt động, gần 200 tàu có chiều dài trên 15 m của ngư dân tỉnh Quảng Trị sẽ không có cảng cá để cập cảng bốc dỡ hàng hóa theo đúng chỉ định. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình khắc phục thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) và đặc biệt sẽ tác động rất xấu đến đời sống ngư dân và các hoạt động kinh tế biển”, ông Phan Hữu Thặng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Trị.

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Hải Phòng phát hiện hơn 100 tàu cá mất kết nối VMS trong 4 tháng

Những trường hợp tàu cá bị phát hiện mất kết nối, nếu không khắc phục kịp thời, cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng đều xử lý nghiêm.

Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị

Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.

Ruốc biển xuất hiện dày đặc, ngư dân thu tiền triệu mỗi ngày

QUẢNG NGÃI Sau vài giờ ra khơi đánh bắt, các tàu thuyền trở về với hàng tạ ruốc, mang lại thu nhập tiền triệu mỗi ngày cho ngư dân ở vùng biển Quảng Ngãi.