| Hotline: 0983.970.780

Lượng rác tàu cá đổ xuống biển khủng khiếp!

Thứ Sáu 15/03/2024 , 10:57 (GMT+7)

Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% tàu khai thác thủy sản thu gom rác thải nhựa, bao gồm cả rác sinh hoạt và rác sản xuất, của tàu cá đưa vào bờ…

Mang rác từ tàu cá về bờ

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, ngành chức năng tỉnh này vừa ban hành quy trình kiểm soát, quản lý rác thải nhựa trên tàu cá trong các chuyến biển của ngư dân trong tỉnh.

Mục tiêu đến năm 2030, 100% ngư dân Bình Định hoạt động khai thác thủy sản trên các tàu cá được tuyên truyền, tập huấn về quản lý, hành động giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; 100% tàu khai thác thủy sản thu gom rác thải nhựa, bao gồm cả rác sinh hoạt và rác sản xuất của tàu cá đưa vào bờ, tập trung tại các điểm thu gom ở cảng cá, chuyển các đơn vị có chức năng xử lý.

Toàn bộ các cảng cá trên địa bàn tỉnh Bình Định tổ chức thu gom, phân loại rác thải nhựa phát sinh từ tàu cá chuyển cho các đơn vị chức năng xử lý; hoàn thiện và đồng bộ cơ sở dữ liệu về rác thải nhựa đại dương của tàu cá.

Sinh hoạt của ngư dân trong những chuyến biển xả ra rất nhiều loại rác thải. Ảnh: V.Đ.T.

Sinh hoạt của ngư dân trong những chuyến biển xả ra rất nhiều loại rác thải. Ảnh: V.Đ.T.

"Quy định này áp dụng đối với chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên khi tham gia khai thác thủy sản xa bờ và các đơn vị, tổ chức tham gia quản lý, kiểm soát rác thải nhựa đại dương tại các Cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi và Tam Quan. Ngành chức năng cũng khuyến khích áp dụng quy trình này đối với các tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m khi tham gia hoạt động khai thác trên biển", ông Phúc cho hay.

Cũng theo ông Phúc, Sở NN-PTNT Bình Định cũng yêu cầu Ban Quản lý các Cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan bố trí các điểm thu gom rác thải nhựa tại cảng cá; thành lập đội thu gom rác thải tàu cá từ nguồn nhân lực của đội vệ sinh môi trường cảng cá, đảm bảo tổ chức thu gom, phân loại rác thải nhựa sinh hoạt phát sinh từ tàu cá và chuyển giao cho các cơ sở thu mua, tái chế.

Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) tổ chức thu gom rác thải từ các tàu cá đưa về bờ để đưa đi xử lý. Ảnh: V.Đ.T.

Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) tổ chức thu gom rác thải từ các tàu cá đưa về bờ để đưa đi xử lý. Ảnh: V.Đ.T.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, đơn vị này sẽ phối hợp với các xã, phường ven biển đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường công tác phối hợp, quản lý, giám sát việc thực hiện của chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá của địa phương tuân thủ việc thu gom, đưa rác thải rắn sinh hoạt trên tàu cá vào bờ sau mỗi chuyến biển theo quy định.

"Việc thực hiện tốt quy trình kiểm soát, quản lý rác thải nhựa đại dương tàu cá sẽ giúp giảm thiểu rác thải nhựa đại dương trong hoạt động khai thác thủy sản, từng bước quản lý rác thải nhựa đại dương từ đầu nguồn theo mô hình kinh tế tuần hoàn và phát triển xanh. Đồng thời, nâng cao nhận thức của cộng đồng ngư dân, các doanh nghiệp hoạt động nghề cá. Nhằm góp phần thực hiện thành công kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2020 - 2030 và kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trên địa bàn Bình Định", ông Nguyễn Hữu Nghĩa chia sẻ.

Ngư dân Bình Định đã ý thức việc thu gom rác thải sinh hoạt trong những chuyến biển đưa vào bờ. Ảnh: V.Đ.T.

Ngư dân Bình Định đã ý thức việc thu gom rác thải sinh hoạt trong những chuyến biển đưa vào bờ. Ảnh: V.Đ.T.

Mang lợi ích cho ngư dân

Bình Định là 1 trong những tỉnh đứng đầu cả nước về lực lượng tàu cá với 5.969 chiếc, tổng công suất 1,99 triệu CV; trong đó, có 3.260 tàu có công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ, tổng số lao động nghề biển khoảng 41.928 người. Đánh bắt thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bình Định; tổng sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 260.000 tấn thủy sản các loại, giá trị sản xuất trong khai thác thủy sản đạt gần 16.000 tỷ đồng. Theo đó, rác thải từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt của 5.969 tàu cá của ngư dân Bình Định thải ra biển mỗi ngày đã khiến môi trường biển ngày càng “ngập ngụa” rác thải.

Theo ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, để cảnh báo về môi trường biển, ngành chức năng tỉnh này đã có cuộc điều tra về lượng rác thải từ các tàu cá xả ra đại dương trong mỗi chuyến biển và lượng rác thải tại cảng cá sau mỗi chuyến biển, cuộc điều tra đã cho thấy con số rác thải khiến ai cũng thấy “giật mình”.

Hoạt động phân loại rác thải tại Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Hoạt động phân loại rác thải tại Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

“Điều tra được thực hiện tại Cảng cá Quy Nhơn với những cuộc phỏng vấn trực tiếp từ các chủ tàu, thuyền trưởng và doanh nghiệp làm dịch vụ hậu cần cho tàu cá tại cảng cá. Trong mỗi chuyến biển, 1 tàu cá phải mang theo rất nhiều loại nước uống và thực phẩm để sử dụng trong sinh hoạt thuyền viên, như: Nước uống đóng chai, nước giải khát, lương thực và thực phẩm; các loại bao bì phục vụ chứa đựng và bảo quản sản phẩm thủy sản, đó là chưa kể ngư lưới cụ hư hỏng”, ông Vinh cho hay.

Từ đó, ngành chức năng nắm bắt được nguồn rác thải rắn trong sinh hoạt của các thuyền viên trong chuyến biển trên các tàu cá thải xuống biển trong quá trình khai thác tại các ngư trường. Các bao bì bảo quản đá, bảo quản sản phẩm thủy sản khi về đến cảng cá không được ngư dân thu gom mà vứt trên cảng, hoặc vứt xuống vùng nước cảng cá.

Ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Bình Định (bìa phải) bên máy ép rác đặt tại Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Bình Định (bìa phải) bên máy ép rác đặt tại Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: V.Đ.T.

"Điều tra cho thấy đối với 10 tàu cá khai thác trong 1 chuyến biển đã xả thải ra ngư trường lượng rác thải sinh hoạt của các thuyền viên rất khủng khiếp. Riêng chai nhựa là hơn 138kg, lon nhôm gần 29kg, lượng bì nhựa dùng để đựng, bảo quản sản phẩm thủy sản trên tàu cá là hơn 58kg. Từ đó tính ra, cứ 300 tàu cá cập vào Cảng cá Quy Nhơn mỗi tháng sau 1 chuyến biển sẽ xả thải ra đại dương lượng rác thải nhựa là hơn 4 tấn, lượng nhôm lon 0,86 tấn; khi tàu cập vào bờ, tiếp tục xả ra lượng bì nhựa chứa đựng, bảo quản sản phẩm thủy sản là 1,75 tấn”, ông Trần Văn Vinh cho hay.

Ông Vinh khẳng định: Đã đến lúc ngư dân phải ý thức được là nếu môi trường biển bị ô nhiễm thì nguồn lợi thủy sản sẽ giảm dần, thậm chí khi quốc tế tiến tới không thu mua thủy sản đánh bắt tại những vùng biển bị ô nhiễm thì khi ấy ngư dân mới thấy thiệt hại thuộc về phần mình.

Bình Định xây dựng và ban hành quy định về quản lý thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên các tàu cá và tại các cảng cá, trước tiên là mang lại lợi ích cho ngư dân trong việc tiêu thụ sản phẩm. Thời gian tới đây, ngành chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các tàu cá không tuân thủ theo quy định về quản lý rác thải nhựa trên tàu khi ra vào cảng cá, không tuân thủ mô hình thu gom rác thải nhựa từ tàu cá đưa vào tại nơi thu gom của cảng cá theo hình thức thúc đẩy kinh tế tuần hoàn”, ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm