| Hotline: 0983.970.780

Những mô hình làm sạch môi trường nuôi biển [Bài 4]: Tự nguyện đóng tàu thu gom rác thải trên biển

Thứ Năm 21/12/2023 , 16:39 (GMT+7)

Tại Ninh Thuận, mô hình thu gom rác tại các vùng nuôi thủy sản không chỉ giúp làm sạch môi trường mà rác thải được tái chế thành nhiều sản phẩm có ích.

Làm sạch môi trường biển

Là doanh nghiệp thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, thời gian qua, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và Sản xuất Nam Thành Ninh Thuận (gọi tắt là Công ty Nam Thành Ninh Thuận) không chỉ thu gom rác thải sinh hoạt tại các khu phố, điểm du lịch công cộng, công ty đã thực hiện thu gom rác trên biển nhằm bảo vệ môi trường biển tốt hơn, giúp môi trường sạch hơn.

Mỗi ngày, tàu thu gom rác của Công ty Nam Thành Ninh Thuận thu gom khoảng 5 tấn rác trên diện tích mặt biển hơn 100ha. Ảnh: PC. 

Mỗi ngày, tàu thu gom rác của Công ty Nam Thành Ninh Thuận thu gom khoảng 5 tấn rác trên diện tích mặt biển hơn 100ha. Ảnh: PC. 

Ông Trần Đình Minh, Giám đốc Công ty Nam Thành Ninh Thuận cho biết, công ty đang thực hiện nhiều giải pháp góp phần hướng tới môi trường biển xanh, sạch hơn. Qua nhiều lần tham khảo, trải nghiệm thực tế, công ty nhận thấy rằng việc có một phương tiện để thu gom, xử lý rác cho vùng biển, đặc biệt ở các vùng nuôi trồng thủy sản và điểm du lịch là rất cần thiết.

“Từ thực tế chúng tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu, chế tạo ra tàu để thu gom rác trên biển. Trong quá trình chế tạo tàu thì cũng có những thuận lợi và gặp những khó khăn, sau nhiều lần cải tiến, chúng tôi đã chế tạo thành công tàu để thu gom, xử lý được rác trên biển vừa giảm chi phí, vừa nâng cao hiệu quả thu gom”, ông Trần Đình Minh nói.

Tàu thu gom rác của Công ty Nam Thành Ninh Thuận có chiều dài khoảng 9m, rộng 5m, hệ thống càng thu gom rác dài 5m. Khi tàu hoạt động, hệ thống càng thu gom, vớt rác được vận hành bằng hệ thống thủy lực sẽ hạ xuống độ sâu từ 1 - 1,5m so với mặt nước, thu gom tất cả các loại rác như thùng xốp, vỏ chai nhựa, hộp đựng thức ăn, rác và cả túi ni lông trôi lơ lửng trên mặt nước.

Rác sau khi rác thu gom được băng chuyền tải chuyển đến các thùng chứa trên tàu để vận chuyển lên bờ, đưa về nhà máy xử lý. Mỗi ngày, tàu thu gom khoảng 5 tấn rác với diện tích mặt biển hơn 100ha.

Hiện nay, tàu hoạt động chủ yếu ở các vùng nuôi trồng thủy sản, các vùng dân cư như Đông Hải, Khánh Hải và bãi biển du lịch.

Tái chế rác thải

Rác thải được thu gom trên biển thay vì xử lý theo quy trình truyền thống là đốt hoặc chôn lấp, Công ty Nam Thành Ninh Thuận đã tái chế thành những sản phẩm có ích phục vụ cho sản xuất và đời sống hàng ngày.

Rác thải sau khi thu gom sẽ được tái chế thành những sản phẩm có ích phục vụ cho sản xuất và đời sống hàng ngày. Ảnh: PC.

Rác thải sau khi thu gom sẽ được tái chế thành những sản phẩm có ích phục vụ cho sản xuất và đời sống hàng ngày. Ảnh: PC.

Ông Trần Đình Minh, Giám đốc Công ty Nam Thành Ninh Thuận cho biết, Nhà máy xử lý rác thải được xây dựng gồm 6 phân xưởng, công suất mỗi ngày khoảng 400 tấn. Nhà máy sử dụng công nghệ tái chế, tái sử dụng, tái sản xuất và đốt thu hồi năng lượng sạch. Từ rác thải, qua xử lý sẽ thành những sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường để phục vụ đời sống và sản xuất hàng ngày. 

“Khi rác được đưa về nhà máy, những công nhân sẽ phân loại, không bỏ đi bất cứ thứ gì, túi ni lông và rác thải nhựa thay vì đốt hoặc chôn lấp sẽ được đưa qua dây chuyền để sản xuất các loại hạt nhựa tái chế. Hạt nhựa, tiếp tục đưa vào máy móc sản xuất ra các loại bao bì”, ông Trần Đình Minh nói và cho biết thêm, riêng rác hữu cơ được tập hợp thành một khu, sau đó ủ vi sinh cho hoai mục, khi thời gian phân hủy đã đạt, rác hữu cơ sẽ trải qua công đoạn sàng lọc kết hợp với các vi sinh nhập từ Nhật Bản có hoạt tính cao để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh.

Phân hữu cơ này đã được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) công nhận và đưa vào danh mục phân bón của Việt Nam trong năm 2008. Sản phẩm cung cấp cho tỉnh Ninh Thuận, các vùng sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ.

Theo ông Trần Đình Minh, hoạt động thu gom rác trên biển là một công tác xã hội, do đó Công ty không thu phí. Bởi ông cảm thấy rằng bảo vệ môi trường biển là trách nhiệm chung của mọi người, do vậy mỗi người nên có các hành động cụ thể, thiết thực đóng góp vào việc bảo vệ môi trường. Hiện nay, Công ty Nam Thành Ninh Thuận được sự ủng hộ của chính quyền tỉnh Ninh Thuận và các Sở, ngành và địa phương tạo điều kiện rất tốt.

Nhà máy xử lý rác thải của Công ty Nam Thành Ninh Thuận được xây dựng gồm 6 phân xưởng, công suất mỗi ngày khoảng 400 tấn. Ảnh: PC.

Nhà máy xử lý rác thải của Công ty Nam Thành Ninh Thuận được xây dựng gồm 6 phân xưởng, công suất mỗi ngày khoảng 400 tấn. Ảnh: PC.

Đến nay mô hình tàu thu gom rác thải của Công ty Nam Thành Ninh Thuận đã đưa vào vận hành được 4 năm. Ngoài việc thu gom rác thì trên tàu còn có loa phóng thanh để phát những bản nhạc về bảo vệ môi trường, chính nhờ việc thu gom rác trên biển của công ty đã giúp môi trường biển được sạch hơn, đồng thời từ mô hình thu gom rác này đã góp phần nâng cao ý thức tự giác của ngư dân trong việc cùng chung tay giữ giữ gìn vệ sinh môi trường biển.

“Tuy nhiên, hiện nay còn một số người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng bảo vệ môi trường nên vẫn còn xả rác ra biển, một mình đơn vị sẽ không thể thu gom hết được rác thải. Do đó, điều quan trọng nhất là người dân phải ý thức được cần bảo vệ môi trường nhất là các hộ nuôi trồng thủy sản, các hộ sống ven biển, người dân nuôi biển cũng như các hoạt động trên biển khác. Do đó, chúng tôi mong muốn chính quyền các địa phương ven biển tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong việc bỏ rác đúng nơi quy định” ông Minh chia sẻ.

Từ mô hình thu gom rác thải phi lợi nhuận của Công ty Nam Thành Ninh Thuận đã giúp nhiều hộ nuôi nuôi trồng hải sản trên biển và các tàu cá tại bãi biển Bình Sơn, Ninh Chữ tự nguyên trang bị giỏ rác để thu gom rác sinh hoạt và đem lên bờ bỏ đúng nơi quy định khi tàu cập bến.

Ông Trần Đình Minh chia sẻ, thời gian tới Công ty Nam Thành Ninh Thuận sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cấp chính quyền và người dân phát triển mô hình thu gom rác. Công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu, chế tạo thêm tàu để nâng cao công suất thu gom rác, hướng đến môi trường biển ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, công ty sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật để phục vụ công tác thu gom rác của các địa phương khác nếu có nhu cầu.

Xem thêm
Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.