| Hotline: 0983.970.780

Lương thực, thực phẩm cuối năm: Yên tâm gạo, thịt, lo giá rau

Thứ Sáu 11/12/2020 , 07:10 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương đánh giá nguồn cung lương thực, thực phẩm dịp cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sẽ được đảm bảo, bình ổn về giá cả.

Cơ cấu lượng thóc sử dụng trong nước năm 2020. Đơn vị: Triệu tấn. Nguồn: Bộ NN-PTNT. Đồ họa: LB.

Cơ cấu lượng thóc sử dụng trong nước năm 2020. Đơn vị: Triệu tấn. Nguồn: Bộ NN-PTNT. Đồ họa: LB.

Lúa gạo dồi dào

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), sản xuất lúa cả năm 2020 của nước ta đã gặt hái những thắng lợi lớn, với tổng sản lượng ước đạt khoảng 43,13 triệu tấn.

Trong đó, tổng lượng lúa hàng hóa xuất khẩu dự kiến cả năm sẽ đạt khoảng 13 - 13,5 triệu tấn (tương đương 6 - 6,5 triệu tấn gạo). Như vậy, lượng lúa phục vụ tiêu thụ trong nước cả năm 2020 sẽ vào khoảng 30 triệu tấn (trong đó phục vụ tiêu dùng của người dân khoảng 14,3 triệu tấn).

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt đánh giá: Mặc dù vừa qua, các tỉnh miền Trung đã chịu thiệt hại nặng nề về nguồn thóc, gạo dự trữ, tuy nhiên hiện Chính phủ cũng đã xuất cấp để hỗ trợ rất lớn nhằm đảm bảo nhu cầu lương thực cho người dân.

Vì vậy xét trên phạm vi cân đối cung cầu lúa gạo phục vụ cho tiêu thụ tại thị trường trong nước, từ nay đến cuối năm, tình hình nguồn cung lúa gạo nhìn chung sẽ hoàn toàn được đảm bảo.

Về tình hình sản xuất và đáp ứng nguồn cung rau các loại từ nay đến cuối năm, ông Nguyễn Như Cường cho biết đến nay, ngoại trừ các tỉnh miền Trung chịu thiệt hại do mưa lũ, tình hình sản xuất rau trên phạm vi cả nước nhìn chung đều diễn ra thuận lợi, với diện tích gieo trồng rau cả nước 11 tháng đầu năm 2020 ước đạt 900 nghìn ha, tăng 20 nghìn ha so với cùng kỳ năm 2019.

Đặc biệt tại các tỉnh ĐBSH, tình hình sản xuất rau vụ đông hiện đang rất thuận lợi. Theo khảo sát đánh giá của Cục Trồng trọt và các địa phương sản xuất rau vụ đông chủ lực ở vùng ĐBSH, nhiều loại rau phổ biến như su hào, cải bắp... năng suất ước tăng từ 20-30% so với mọi năm, chất lượng rất tốt.

Bên cạnh đó, giá rau vụ đông tại các tỉnh ĐBSH cũng tăng cao so với cùng kỳ các năm do nhu cầu phục vụ tiêu thụ rau tại các tỉnh miền Trung sau bão lũ tăng cao. Ví dụ cải bắp hiện có giá từ 6.000 - 7.000 đồng/kg (so với mức bình quân chỉ khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg cùng kỳ mọi năm).

Đối với các tỉnh miền Trung sau mưa lũ, ước khoảng 7.000ha rau vụ đông các loại đã bị thiệt hại, tuy nhiên thời gian qua các địa phương cũng đang khẩn trương triển khai tái sản xuất rau, nhất là các loại rau ăn lá ngắn ngày nhằm sớm đáp ứng nguồn cung tại chỗ.

Sản xuất lúa thắng lợi trên cả nước đã đảm bảo tốt về nguồn cung lương thực cho nước ta, dù xảy ra thiệt hại đáng kể về lương thực dự trữ tại miền Trung do mưa lũ trong năm 2020. Ảnh: TL.

Sản xuất lúa thắng lợi trên cả nước đã đảm bảo tốt về nguồn cung lương thực cho nước ta, dù xảy ra thiệt hại đáng kể về lương thực dự trữ tại miền Trung do mưa lũ trong năm 2020. Ảnh: TL.

Đến thời điểm này, các tỉnh miền Trung đã cơ bản triển khai tái sản xuất rau màu vụ đông sau mưa lũ. Ví dụ Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình hiện đã nhanh chóng khôi phục sản xuất sau mưa lũ và đã đảm bảo được diện tích rau vụ đông như mọi năm.

Tỉnh Quảng Trị theo kế hoạch gieo trồng 4.000ha rau vụ đông, đến thời điểm này đã đạt trên 1.000ha (đến đầu tháng 12/2020). Hà Tĩnh theo kế hoạch sản xuất 9.000ha cây vụ đông, đến nay đã đạt trên 7.000ha...

Theo Bộ NN-PTNT, 11 tháng đầu năm 2020, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 5,74 triệu tấn và 2,85 tỉ USD, giảm 2,2% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ 2019.

Cục Trồng trọt nhận định từ nay đến Tết Nguyên đán, sẽ còn thời gian khoảng 2 tháng. Vì vậy với khung thời vụ cũng như tiến độ khôi phục sản xuất rau vụ đông như hiện nay, các tỉnh miền Trung hoàn toàn có thể đảm bảo nguồn cung rau các loại dịp cận tết.

Mặc dù vậy, Cục Trồng trọt cũng cho rằng thời gian tới, vẫn cần thận trọng, đề phòng khả năng giá rau có khả năng tăng cao hơn so với bình thường, nhất là trong khoảng thời gian ngắn sắp tới khi các tỉnh miền Trung chưa kịp khôi phục sản xuất để đáp ứng nhu cầu tại chỗ...

Chăn nuôi lợn phục hồi, không lo sốt giá

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), tình hình chăn nuôi 11 tháng đầu năm 2020 nhìn chung phát triển khá tốt, các dịch bệnh gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát. Giá trị sản xuất chăn nuôi cả nước dự báo có thể tăng 5-6% so với năm 2019.

Đặc biệt về chăn nuôi lợn, từ đầu năm đến nay đã liên tục phục hồi tốt, đáp ứng nguồn cung trong nước. Theo báo cáo của các địa phương, tổng đàn lợn cả nước tháng 11/2020 ước đạt trên 26,1 triệu con, tăng 12% so với cùng thời điểm năm trước và tăng 115,5% so với thời điểm 1/1/2020. Riêng 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn, tháng 11/2020 đàn lợn thịt đạt trên 5,55 triệu con, tăng 55,3% so với thời điểm 1/1/2020.

Nguồn cung thịt lợn dự báo sẽ đảm bảo bình ổn cho dịp cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Ảnh: TL.

Nguồn cung thịt lợn dự báo sẽ đảm bảo bình ổn cho dịp cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Ảnh: TL.

Theo ước tính, tổng sản lượng thịt lợn hơi cả năm 2020 có thể đạt 3,46 triệu tấn, tăng gần 4% so với năm 2019.

Cùng với việc đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn và lợn sống nhằm đáp ứng nguồn cung thịt lợn trong nước, tính đến ngày 31/10/2020, cả nước đã nhập khẩu trên 37 nghìn con lợn giống, góp phần đảm bảo phục vụ công tác tái đàn.

Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, thời gian qua, do nguồn cung thịt lợn đã khá dồi dào nên giá lợn hơi đã hạ thấp xuống mức từ 60.000 - 65.000 đồng/kg. Từ nay đến cuối năm, do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi nói chung sẽ tăng cao, nên giá lợn hơi có thể tăng nhẹ, nhưng sẽ khó vượt qua được ngưỡng 70.000 đồng/kg. Vì vậy, tình hình nguồn cung và giá thịt lợn từ nay đến cuối năm, cũng như dịp Tết Nguyên đán sẽ được đảm bảo.

Tại cuộc họp giữa Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương ngày 10/12, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cùng đánh giá nguồn lương thực, thực phẩm dịp cuối năm, nhất là phục vụ dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 về cơ bản sẽ được đảm, không có nhiều vấn đề lớn.

Tuy nhiên, với diễn biến bất thường của thiên tai, dịch bệnh trong chăn nuôi, trồng trọt, cũng như diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên người luôn tiềm ẩn những bất thường, vẫn cần có những giải pháp chuẩn bị, dự phòng nhằm đảm bảo bình ổn giá cả và nguồn cung lương thực, thực phẩm dịp cuối năm, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, tăng giá, sốt giá...

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Quảng Ngãi kiến nghị hỗ trợ gần 1.300 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Nguồn kinh phí mà tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương hỗ trợ sẽ sử dụng để nâng cấp các hồ chứa, khắc phục sạt lở và xây dựng các khu tái định cư.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.