| Hotline: 0983.970.780

Ma Ly Pho ngày cuối năm

Thứ Bảy 09/02/2013 , 14:28 (GMT+7)

Tôi đọc rất nhiều bài thơ viết về cuộc chiến tranh biên giới tháng 2/1979, nhưng chỉ còn đọng lại trong tôi câu: “Bầy ngựa Ma Ly Pho chạy lạc giữa rừng”.

Tôi đọc rất nhiều bài thơ viết về cuộc chiến tranh biên giới tháng 2/1979, nhưng chỉ còn đọng lại trong tôi câu: “Bầy ngựa Ma Ly Pho chạy lạc giữa rừng”. Tôi không nhớ câu thơ ấy của ai, nhưng đã ám ảnh tôi rất nhiều năm về mảnh đất biên thùy phía Bắc của Tổ quốc.

Lần đầu tiên lên Ma Ly Pho tôi đi tìm bầy ngựa hoang chạy lạc trong tâm thức tôi hơn ba mươi năm qua. Không tìm được bầy ngựa hoang, nhưng tôi đã nhặt được bao điều kỳ diệu về mảnh đất nơi này...

Tháng 7/1985, tôi viết truyện ngắn “Mùa mưa ở thượng nguồn Nậm Na”, sau đó được Văn nghệ Quân đội in. Truyện tôi viết một phần dựa vào câu chuyện của anh Nguyễn Mạnh Hổ, kỹ sư thủy văn nhiều năm làm ở Trạm thủy văn Hang Tôm đã kể cho tôi nghe. Nay đọc lại truyện ngắn đó tôi vẫn cứ rưng rưng nước mắt về những con người hàng ngày lầm lụi đo mực nước lên xuống của dòng sông Đà vào thời gian nhất định trong ngày.

Nậm Na là chi lưu lớn của dòng sông Đà chảy từ Trung Quốc sang, khi chảy vào đất Việt đó là mảnh đất Ma Ly Pho ngùn ngụt nắng gió. Cuộc sống của họ giữa vùng rừng núi hoang vu cách nay trên ba chục năm gần như biệt lập với thế giới bên ngoài, họ phải chống chọi với sự khắc nghiệt của núi rừng, với mùa mưa ở Tây Bắc thật khủng khiếp, với nỗi cô đơn và thiếu thốn trăm bề cũng như sự rình rập phá hoại của bọn người xấu từ bên kia biên giới. Ngày đó, ai được in bài ở Văn nghệ Quân đội là sang trọng lắm, đó là đích thực văn chương.


Sông núi Ma Ly Pho

Tháng 4/2009, tôi được tòa soạn phân công lên Điện Biên viết cho số báo đặc biệt kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Lần đầu tiên đặt chân lên thượng nguồn dòng Nậm Na, tôi không khỏi ngỡ ngàng về dòng sông đã chảy vào truyện ngắn của tôi thật hùng vĩ, hiểm trở hơn những gì tôi đã tưởng tượng. Niềm ước ao được đặt chân tới ngọn nguồn của dòng sông, cho đến tận hôm nay những ngày cuối năm này, không hiểu sao cái tên Ma Ly Pho đã thôi thúc tôi đến với vùng đất mà tôi chỉ biết trên trang sách qua những bước chân chạy hoang mang của bầy ngựa hơn ba chục năm trước.

Những ngày cuối năm thật bận rộn với việc triển khai công tác phòng chống cháy rừng vào mùa khô, tuy vậy Phó giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lai Châu Nguyễn Hữu Ái đã dành thời gian cùng tôi lên Ma Ly Pho. Con đường tới Ma Ly Pho bám dọc bờ sông Nậm Na phẳng lỳ cách huyện lỵ Phong Thổ chừng 20 km. Con đường mới được xây dựng cách nay vài chục năm, bởi theo sự giải thích của ông Lò Văn Tỷ,  Phó chủ tịch xã Ma Ly Pho, tiếng Quan hỏa Ma Ly Pho đọc chệch ra từ Mã Lỳ Pho, nghĩa là “dốc sức ngựa”. Trước kia con đường tới đây phải vượt trên đỉnh núi. Người đến được nơi này chỉ bằng sức ngựa, họ phải băng qua những cái dốc thẳng đứng ngửa mặt là rơi mũ.

Cửa khẩu Ma Lù Thàng thông thương với Trung Quốc nằm trên đất Ma Ly Pho là một bãi đất bằng phẳng, nơi hội tụ của dòng sông Nậm Na và dòng suối Nậm Cúm. Nơi đây những đàn ngựa thồ với hàng trăm con từ Việt Nam sang Trung Quốc hay từ Trung Quốc trở về thường nghỉ ngơi lấy sức trước khi đi tiếp. Ma Lù Thàng có nghĩa nơi đàn ngựa quần tụ. Tôi ngạc nhiên bởi đến Ma Ly Pho hôm nay không nhìn thấy dù chỉ bóng một con ngựa, nên đã hỏi: Đàn ngựa lạc giữa rừng năm xưa đâu cả rồi, hay chúng không biết đường về? Mọi người giải thích: Trước đây Ma Ly Pho nuôi ngựa nhiều để chuyên chở hàng hóa, nay đường ô tô chạy qua trước cửa nhà, nên người ta mua xe máy thay ngựa. Bởi thế chẳng còn mấy nhà nuôi ngựa nữa...

Ma Ly Pho là xã giáp biên có tổng diện tích tự nhiên 5.587,81 ha, nhưng có tới 13 km đường biên giới. Xã có 9 bản, 571 hộ, 2.422 nhân khẩu với 5 dân tộc Dao, Thái, Kinh, Hoa và Khơ Mú, trong đó dân tộc Dao chiếm tám mươi hai phần trăm dân số.

Một xã miền biên viễn dân số không đông, cuộc sống của người dân nhiều năm trước đây chỉ trông vào việc phát rừng làm nương rẫy, bởi ruộng nước chỉ có 143 ha, trong đó ruộng cấy được hai vụ chỉ vỏn vẹn 10 ha. Bởi thế Ma Ly Pho nhiều năm thuộc xã nghèo, mới đây Ma Ly Pho được đưa ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn. Hỏi: Vì sao Ma Ly Pho thoát nghèo? Phó chủ tịch Lò Văn Tỷ chả ngại ngần đáp: Cũng nhờ năng suất lúa, ngô mấy năm nay đều tăng, trong đó lúa đạt trên 50 tạ/ha, ngô đạt 43 tạ/ha... áp lực lương thực không còn nặng nề như nhiều năm trước. Vì thế chăn nuôi phát triển, rừng không bị phá, gần chục năm nay Ma Ly Pho không để xảy ra vụ cháy rừng lớn. Những cánh rừng dọc biên giới được giữ nguyên...

Từ lâu Lai Châu được mệnh danh là “chảo lửa cháy rừng” của vùng Tây Bắc, phần lớn những vụ cháy rừng của Lai Châu đều bắt nguồn từ việc đốt nương làm rẫy, đốt cỏ để chăn thả gia súc. Mùa khô 2009 - 2010 với vụ cháy rừng khu vực xã Sơn Bình, huyện Tam Đường giáp ranh Vườn quốc gia Hoàng Liên ròng rã cả tháng trời, khiến hàng trăm ha rừng tái sinh, trảng cỏ bị thiêu trụi.

Ông Nguyễn Hữu Ái xác nhận: Lai Châu còn hai huyện lo ngại cháy rừng nhất là Than Uyên và Tân Uyên. Các huyện khác còn lác đác cháy rừng nhưng không thành những vụ cháy lớn. Đó là khi rừng được giao cho các hộ dân, xác nhận chủ rừng chính là người dân thì rừng không còn bị tàn phá. Năm 2012 Lai Châu thực hiện việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, dự kiến mỗi ha được trả 250.000 đồng. Đó là số tiền không nhỏ đối với người dân... Tôi nhẩm tính Ma Ly Pho hiện có 2.165 ha rừng, thì năm 2012 sẽ được nhận khoảng 540 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, số tiền chắc chắn sẽ còn tăng khi các nhà máy thủy điện Lai Châu, Nậm Na I, Nậm Na II, Huổi Quảng, Bản Chát... đi vào vận hành.

Nói như vậy không có nghĩa là những cán bộ kiểm lâm ở đây sẽ được nhàn hạ, khi chúng tôi tới Trạm kiểm lâm Ma Ly Pho, trạm có hai kiểm lâm viên là Nguyễn Xuân Quang và Lò Văn Nam, nhưng chỉ một mình Nam ở trạm. Hỏi ra mới hay hàng tuần họ thay nhau xuống cơ sở hướng dẫn người dân bảo vệ rừng, bởi thế cả tuần ở cùng dân chẳng mấy khi có mặt ở trạm. Bắt đầu vào mùa khô có rất nhiều việc phải làm trong việc phòng chống cháy rừng. Nam bảo: Cháu cũng vừa từ dưới bản lên, hàng ngày bọn cháu ở đây đều phải xuống bản để nắm tình hình, không phải các hộ sau khi ký cam kết bảo vệ rừng là xong. Nhiều việc phải hướng dẫn người dân như sử dụng lửa trong rừng sao cho an toàn, đốt nương vào lúc nào để lửa không cháy lan vào rừng, hay như chuyện gieo ươm giống cây cao su chẳng hạn, họ cũng hỏi kiểm lâm...


Kiểm lâm viên Lò Văn Nam trao đổi kỹ thuật ươm cao su giống với người dân

Cuối năm nay ở Ma Ly Pho người dân bắt đầu tưng bừng chuyện “mổ” mủ cao su. Cây cao su tiểu điền được trồng từ năm 2006, Ma Ly Pho trồng 111 ha, mới đầu người dân chẳng hy vọng cây cao su sẽ cho mủ, nên họ trồng trên các đám nương đã cằn cỗi, trồng để mà trồng thôi, bởi nhà nước hỗ trợ giống thì trồng, chứ họ biết gì về cây cao su đâu? Kỳ lạ thay, cây cao su cứ vượt nắng gió, giá rét mà lên. Bẵng đi sáu năm trời, rừng cao su tiểu điền đã khép tán, nhiều cây to bằng bắp đùi có thể khai thác được mủ. Loay hoay chưa biết khai thác thế nào, họ mới sang Trung Quốc xem người bên ấy làm thế nào thì về làm như thế.

Chủ tịch xã Lý Phủ Lùng cười bảo: Bà con mình qua bên kia học cách cạo mủ, rồi mua dụng cụ cạo mủ cũng từ bên ấy. Mới đầu chưa biết nơi họ bán, ban đầu mỗi cái bát hứng mủ mua 2,5 tệ, sau mới biết đó là đại lý, đến thẳng nơi họ bán giá chỉ 2,2 tệ thôi. Nhà mình có 800 cây, nhưng mới khai thác 600 cây. Mấy ngày đầu “mổ” cao su chẳng thấy nhựa ra thì lo quá, nghĩ rằng cao su không có mủ. Giống như người phụ nữ không chồng cứ héo hon, cây cao su phải cạo mủ vài lần nó mới chịu ra mủ. Bây giờ động dao vào là nhựa chảy tràn trề. Tính ra mỗi ngày một cây cho khoảng một lạng mủ khô. Hai Cty cao su của Lai Châu chưa xây dựng nhà máy nên bà con mang mủ sang Trung Quốc bán. Giá bán từ 11 - 12 đồng nhân dân tệ, tính ra khoảng 38.000 - 40.000 đồng Việt Nam...


Bà Tẩn Xá Đẩu cạo mủ cao su

Ông Lý Phủ Lùng không giấu được niềm vui, ông cho hay: Nhà tôi bắt đầu khai thác từ tháng 5 đến nay đã bán được 42 triệu đồng, trong nhà còn hơn 30 kg mủ khô chưa bán, số đó bán với giá hiện nay được chừng 10 triệu nữa. Cuối tháng mười một nghỉ không cạo nữa để cây dưỡng sức cho năm sau... Tính ra mỗi ha cao su khi đến tuổi khai thác cho thu nhập từ 55 - 60 triệu đồng, không một cây gì ở miền núi cho thu nhập cao như vậy. Ông Lùng cho biết tất cả công việc cạo mủ đều do vợ ông là Tẩn Xá Đẩu đảm nhiệm, bà dậy từ 3 giờ sáng cầm đèn lên đồi cạo mủ. Ông cười: Mới đầu chưa quen, nay cứ đến giờ đó là bà ấy dậy, muốn có tiền thì phải dậy sớm thôi...

Tôi tạt qua nhà chị Tẩn Thị Tuyết ở bản Sơn Bình. Chị Tuyết mới xây ngôi nhà hai tầng hết 1,2 tỉ, tôi hỏi: Tiền ở đâu mà xây nhà to thế? Chị cười bảo tôi: Tiền bán ngô và trâu bò đấy, vay anh em nữa. Năm sau có tiền bán mủ cao su là đủ trả nợ mà. Nhà mình có 500 gốc cao su trồng năm 2007, mới “mổ” thử mấy cây thôi, nhựa nhiều lắm, nhưng để sang năm mới đủ tuổi. Cũng giống như con gái đủ tuổi mới cho lấy chồng, cây cao su cũng vậy, “mổ” non thì nó chết đấy...

Mùa cạo mủ cao su đầu tiên trên đất Ma Ly Pho đã thổi vào cuộc sống người dân ở đây một niềm tin về một loại cây trồng mới. Ông Tẩn Dìn Sài ở bản Sòn Thầu I, nhà ông trồng 250 cây, nhưng chỉ còn sống 120 cây, có nhiều cây to bằng bắp đùi. Tháng 8/2012 ông mới “mổ” thử gần trăm cây, thu về trên chục triệu đồng tiền bán mủ. Sướng quá, mấy ngày nay ông chạy đôn chạy đáo khắp nơi mua giống cao su về trồng. Không giống ông Dìn, ông Lý Văn Mạnh thì tự gieo cao su để ghép, ông bảo: Gia đình tôi gieo khoảng 1 vạn gốc cho mấy anh em trong nhà, chúng tôi dự kiến trồng khoảng 2 ha nữa. Thăm vườn cao su giống nhà ông Lý Văn Mạnh đang lên luống, Nguyễn Hữu Ái bảo tôi: Khi người dân thấy được ích lợi của cây cao su thì không cần vận động họ vẫn cứ làm. Cứ đà này, những đám nương ở khu vực biên giới nơi đây chẳng mấy chốc sẽ phủ kín bằng màu xanh của cao su.


Hàng nông sản Việt Nam chuẩn bị xuất khẩu sang Trung Quốc

Chúng tôi lên cửa khẩu Ma Lù Thàng, nơi bầy ngựa xưa quần tụ trước khi vượt những cái dốc chạm cằm thì bắt gặp hàng chục chiếc xe container đang nằm đợi xuống hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Rất nhiều mặt hàng tạm nhập tái xuất chở từ Hải Phòng, Quảng Ninh lên, trong đó có nhiều xe chở hạt hạnh nhân nhập khẩu từ Mỹ qua Việt Nam tái xuất sang Trung Quốc. Hình như Ban Biên mậu Trung Quốc dành riêng cửa khẩu Ma Lù Thàng để nhập khẩu các mặt hàng tạm nhập tái xuất từ Việt Nam sang, nhằm phát triển kinh tế biên mậu khu vực xa xôi của huyện Kim Bình tỉnh Vân Nam?!

Gia đình Lý Văn Mạnh năm nay có nhiều niềm vui, đó là ông mới khai thác thử nhưng đã bán được mấy chục triệu tiền mủ cao su, rồi thằng Lý Đức Vượng con trai đầu của ông tốt nghiệp đại học lâm nghiệp được tuyển vào làm cán bộ kiểm lâm huyện Phong Thổ. Vui quá chứ còn gì? Vì thế ông giữ đoàn công tác của chúng tôi ở lại uống rượu. Tôi không sành rượu, nhưng chén rượu cuối năm ở Ma Ly Pho lần đầu tiên tôi uống sao mà ngon đến thế. Uống mà không say thế mới lạ...

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm