| Hotline: 0983.970.780

Mạng lưới xe buýt Hà Nội vẫn bỏ quên nhiều vùng nông thôn?

Thứ Ba 14/08/2018 , 08:05 (GMT+7)

Khá hoàn thiện, phủ kín ở nội thành nhưng còn thưa thớt, thậm chí bỏ sót nhiều xã ở vùng sâu, vùng xa ngoại thành, chính là thực trạng của mạng lưới xe buýt tại Hà Nội hiện nay.

 

Sau bao mong chờ đến mòn mỏi của người dân, trước Tết nguyên đán cuối cùng tuyến buýt số 108 cũng được khởi động đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân 6 xã phía đông của huyện Phú Xuyên. Việc mở mới tuyến buýt này đã thực sự tăng cường tính kết nối và mở rộng vùng phục vụ của mạng lưới buýt khu vực phía Nam thành phố, thu hút thêm lượng hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Tuy nhiên, nhiều xã vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện ngoại thành của Hà Nội không được như dân của 6 xã thuộc huyện Phú Xuyên, vẫn phải chờ đợi một ngày tuyến buýt về đến quê mình, chờ mức vé từ 7.000 - 10.000 đồng mà vẫn được phục vụ thật tốt.

Tính đến tháng 6 năm 2018, mạng lưới xe buýt của Hà Nội bao gồm 112 tuyến, tiếp cận tới khoảng 98% bệnh viện, 100% các trường đại học, cao đẳng, 86 % các khu công nghiệp, trên 90% khu đô thị. Với tổng chiều dài tuyến hơn tuyến hơn 3.781 km, sản lượng hành khách năm 2017 đạt 441 triệu lượt.

Điều đặc biệt thu hút của xe buýt là tính tiện lợi, tính an toàn và tính kinh tế, giá vé rất rẻ. Theo như báo cáo của Sở GT-VT Hà Nội thì trong 112 tuyến có tới 92 có trợ giá. Mạng lưới xe buýt mới chỉ được phủ kín chủ yếu ở nội thành tương ứng với 411/582 xã phường, thị trấn.

Điều đó đồng nghĩa với việc có gần 170 xã thuộc vùng sâu, vùng xa không có tuyến xe buýt chạy qua, bắt buộc phải sử dụng xe khách với giá vé đắt hơn, nhiều phương tiện đã quá cũ nát chạy trên những con đường nhỏ hẹp, gồ ghề ổ trâu, ổ gà.

Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng, kinh tế của ngoại thành còn rất cách biệt với nội thành. Tính đến tháng 12/2017 thu nhập bình quân của nông dân ngoại thành Hà Nội là 39 triệu đồng/người/năm so với dân thành thị Hà Nội là trên dưới 100 triệu đồng. Tỷ lệ nghèo của Hà Nội là 1,69% thì chủ yếu ở các cư dân sống vùng nông thôn. Nhiều xã, thôn của Hà Nội vẫn phải đang huy động một nguồn tài chính rất lớn để xây dựng NTM.

Cũng theo Sở GT-VT Hà Nội trong năm 2018 và năm 2019, đơn vị này xây dựng kế hoạch để mở các tuyến buýt còn lại theo nguyên tắc: Đề nghị của các huyện trên địa bàn, nhằm nâng cao kết nối với các xã chưa có buýt phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân khu vực ngoại thành; Kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân đi lại; Tăng khả năng tiếp cận với các trường học bệnh viện, các khu đô thị.

Tiếp đó là việc thay mới xe cũ nát, tăng cường giám sát bảo đảm chất lượng, rà soát, điều chỉnh, thay thế, nâng cao chất lượng các nhà chờ, điểm dừng, điểm trung chuyển đáp ứng dần chỉ tiêu phục vụ với bán kính tiếp cận dưới 500m, triển khai vé điện tử trên tuyến BRT.

Rất hi vọng trong bản kế hoạch ấy, Sở GT-VT Hà Nội thể hiện rõ sự chuyển hướng đầu tư mạnh mẽ hơn các tuyến xe buýt về vùng nông thôn để phục vụ tốt hơn nữa đối tượng nông dân ngoại thành.

Người dân nhiều xã ngoại thành Hà Nội vẫn đang mơ ước đến những con đường mới mở rộng rãi, những tuyến xe buýt văn minh và an toàn chạy qua quê mình. Làm sao để rút ngắn khoảng cách giữa giấc mơ và thực tế?

 

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.