Đang cao điểm mùa khô, hàng ngàn ha đất sản xuất của xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận vụ ĐX này phải bỏ hoang vì thiếu nước, thế nhưng xen lẫn những ruộng lúa khô trắng, nứt nẻ thì những ruộng măng tây xanh được người dân chuyển đổi từ đất lúa sang vẫn xanh mướt, người dân hàng ngày vẫn thu bạc triệu đều như vắt chanh.
1ha thu một tỷ
Ngày mới của anh Vũ Mạnh Hoàn, thôn Kiền Kiền 1, xã Lợi Hải và 5 lao động làm công cho gia đình anh bắt đầu từ 4h sáng, đây là lúc anh và mọi người ra ruộng thu hoạch măng tây xanh, sau khi thu hoạch xong về phân loại, đóng gói bao bì và đợi Cty đến nhận hàng.
Công việc đều đều hàng ngày như vậy kết thúc vào khoảng 9h sáng. Nghỉ ngơi một lúc, sau đó mọi người phân nhau ra, người bơm nước, người nhặt cỏ và neo buộc cây măng vào dàn cho khỏi đổ ngã.
Những năm trước đây, toàn bộ diện tích 8 sào (1 sào 1.000m2) của gia đình anh Hoàn chỉ độc canh cây lúa, do ở vùng đất cao nên lúc nào cũng canh cánh mối lo thiếu nước, còn những năm khô hạn thì hầu như phải bỏ hoang.
Năm 2017, thấy một số hộ chuyển đổi sang trồng măng tây xanh hiệu quả hơn hẳn cây lúa mà lại sử dụng ít nước nên anh đã chuyển sang trồng 3 sào măng tây, sau 6 tháng đã cho thu hoạch.
Đến năm 2018, gia đình anh đã chuyển đổi thêm 5 sào lúa sang trồng loại cây này, đặc biệt khi chuyển đổi được Nhà nước hỗ trợ tiền giống (một sào khoảng 3,6 triệu đồng), kỹ thuật...
Đến nay, 8 sào măng tây xanh nhà anh Hoàn đã cho thu hoạch ổn định và có hiệu quả gấp nhiều lần so với trồng lúa, trong khi đó lượng nước tưới giảm được 50 – 60%, bởi cứ khoảng 1 tuần anh mới phải bơm nước một lần.
Ông Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận: Những năm qua Ninh Thuận đã chuyển đổi được gần 40ha đất lúa sang trồng măng tây xanh, nâng diện tích măng tây xanh toàn tỉnh lên 180ha. Việc chuyển đổi sang trồng măng tây xanh rất có hiệu quả, bền vững và không lo đầu ra.
Anh Hoàn cho biết: Mỗi chu kỳ thu hoạch măng tây xanh kéo dài 3 tháng, sau đó tái tạo, chăm sóc khoảng 1 tháng thì lại thu hoạch tiếp.
Một sào một ngày thu hoạch được 10 – 15kg búp, bán xô ngay tại ruộng với giá 40.000 - 45.000 đồng/kg. Tính ra mỗi ngày một sào cho thu khoảng 500.000 đồng. Trừ thời gian tái tạo vườn cây, một năm thu hoạch khoảng 200 – 250 ngày.
Như vậy, 1 sào măng tây xanh cho thu cả trăm triệu đồng. Với 8 sào măng tây xanh, mỗi năm gia đình anh Hoàn thu trên 800 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 500 triệu đồng, bên cạnh đó còn giải quyết công ăn việc làm cho 5 lao động địa phương với tiền công mỗi ngày 180.000 đồng.
“Đầu tư ban đầu cho mỗi sào măng tây xanh gồm: tiền giống, vật liệu làm giàn, phân bón, thiết bị tưới tiết kiệm hết khoảng 35 – 40 triệu, tuy nhiên mỗi chu kỳ thu hoạch từ 8 – 10 năm nên tính ra thì suất đầu tư không phải là cao.
Mặt khác măng tây xanh dễ trồng, dễ chăm sóc chủ yếu là dùng phân hữu cơ để bón nên sản phẩm rất sạch, được thị trường ưa chuộng”, anh Vũ Mạnh Hoàn cho biết.
Cũng như anh Hoàn, nhà ông Đặng Lập, thôn Kiền Kiền 2, năm 2017 đã chuyển 2 sào đất lúa sang trồng măng tây xanh, do chuyển đổi theo chủ trương nên gia đình ông đã được hỗ trợ 30% giá trị giống, ngoài ra ông còn được hỗ trợ thêm khi đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt.
Do diện tích trồng măng tây xanh ít nên gia đình ông Lập không phải thuê thêm người làm, cùng với đó điều kiện chăm sóc cũng tốt hơn nên năng suất khá cao, mỗi ngày thu trên 30kg sản phẩm, bán xô với giá dao động từ 40.000 – 45.000 đồng/kg. Như vậy với 2 sào măng tây xanh mỗi ngày gia đình ông Đặng Lập có thu nhập trên 1 triệu đồng.
Tình cờ chúng tôi gặp được anh Vũ Văn Đăng đang tham quan, tìm hiểu cây măng tây xanh tại ruộng nhà anh Hoàn. Anh Đăng cho biết: Tôi quê ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, nhà có hơn 1ha cà phê, mấy năm nay giá cà thấp quá, sản phẩm thu được không đủ bù chi phí.
Trong một lần về thăm một anh bạn ở xã Lợi Hải, thấy cây măng tây xanh rất hiệu quả. Tôi đã quyết định về đây thuê đất trồng loại cây này, ban đầu tôi trồng 3 sào, nếu cho thu nhập tốt sẽ đầu tư, mở rộng diện tích lên khoảng 1ha.
Không lo đầu ra
Anh Võ Ngọc Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Lợi Hải cho biết: Năm 2016, thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng của tỉnh với mục đích vừa tiết kiệm nước vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, chính quyền xã Lợi Hải đã tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi sang trồng măng tây xanh và một số cây trồng cạn khác.
Những ngày đầu, việc chuyển đổi rất khó khăn bởi từ xưa đến nay người dân chỉ quen với cây lúa, trong khi chuyển đổi sang cây trồng này đòi hỏi tốn công, rồi kỹ thuật, đầu tư ban đầu khá lớn...
Sau nhiều tháng kiên trì vận động, năm 2017 đã có 3 hộ trong xã trồng thử nghiệm măng tây xanh với diện tích 0,7ha tại xứ đồng Rẫy Sở.
Khi tham gia, các hộ được hỗ trợ giống, một phần kinh phí đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng và được bao tiêu sản phẩm.
Để việc chuyển đổi thành công, bền vững từ đất lúa sang trồng măng tây xanh, năm 2018 UBND xã Lợi Hải đã thành lập HTX NN Dịch vụ và măng tây xanh.
HTX có nhiệm vụ liên kết các thành viên sản xuất măng tây xanh vào hợp tác xã, triển khai các chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với xã viên, đồng thời đứng ra ký kết với đối tác để bao tiêu sản phẩm cho xã viên. Đến nay HTX đã có 10 thành viên và 8 hộ liên kết với HTX.
“Sau khi thu hoạch, người dân thấy giá trị kinh tế từ loại cây này gấp 10 - 15 lần so với lúa, đồng thời với đầu ra ổn định nên cây măng tây xanh đã nhanh chóng được người dân mở rộng diện tích.
Đến nay, toàn xã Lợi Hải măng tây xanh đã được người dân phát triển lên 10ha với 20 hộ tham gia”, anh Phương cho biết.
Theo ông Vũ Mạnh Hoàn, Giám đốc HTX nông nghiệp Dịch vụ và măng tây xanh: Để đảm bảo chất lượng măng tây, các thành viên HTX và hộ liên kết với HTX phải cam kết sản xuất theo hướng VietGAP, trong quá trình chăm sóc các hộ chỉ dùng phân bò bón cho cây và sử dụng các chế phẩm vi sinh, chế phẩm sinh học để chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên sản phẩm luôn đạt chuẩn an toàn VietGAP được Công ty TNHH măng tây xanh Linh Đan Ninh Thuận bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
“Trồng măng tây xanh đã khẳng định hiệu quả kinh tế, là cây làm giàu cho người dân địa phương, đặc biệt sản phẩm măng tây xanh của xã đã được HTX ký kết với Cty TNHH Măng tây xanh Linh Đan Ninh Thuận bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cả ổn định.
Xã đã quy hoạch xứ đồng Rẫy Sở thuộc 2 thôn Kiền Kiền và Ấn Đạt với diện tích 71ha chuyên canh cây măng tây xanh được chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang; đầu tư cơ sở hạ tầng như xây cầu, làm đường bê tông, làm đường điện chạy quanh xứ đồng này để phục vụ chuyển đổi trồng măng tây xanh”, ang Võ Ngọc Phương chia sẻ.
Toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp của xã phụ thuộc vào hồ Sông Trâu, hồ Bà Râu và một số đập dâng nhỏ. Tuy nhiên vụ ĐX năm nay do tình hình khô hạn, các hồ hết nước nên toàn xã phải ngưng sản xuất 2.500ha, trong đó diện tích lúa là 2.200ha.
Trong những năm qua, xã đã tích cực vận động người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng cạn như bắp, đậu xanh, dưa hấu… mỗi năm hàng trăm ha. Việc chuyển đổi ở những vùng không chủ động được nước tưới đem lại hiệu quả gấp 2 – 3 lần so với trồng lúa.
(Anh Võ Ngọc Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Lợi Hải)