Đối tượng tội phạm công nghệ cao người Trung Quốc bị công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ tại TP. Hạ Long và TP. Móng Cái. |
Bằng nhiều phương thức, thủ đoạn, chúng tìm cách nhập cảnh vào Việt Nam rồi liên kết với nhau thực hiện hành vi phạm tội. Mặc dù các đối tượng tội phạm công nghệ cao này lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người Trung Quốc ở nội địa nhưng hành vi phạm pháp dạng này đã và đang gây mất trật tự an ninh xã hội, ảnh hưởng tới hình ảnh của quốc gia.
Tạo sàn chứng khoán giả
Đầu tháng 6/2019, các lực lượng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Cục Phòng, chống tội phạm Công nghệ cao - Bộ Công an đồng loạt kiểm tra 6 phòng có người Trung Quốc lưu trú tại Chưng cư Green Bay Premium và 1 căn biệt thự liền kề ở phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Phát hiện, bắt quả tang 21 đối tượng quốc tịch Trung Quốc đang có hành vi điều hành, quản lý hoạt động đánh bạc trên mạng Internet. Theo tài liệu của Cơ quan Công an, Hai Giang sinh năm 1978 và em trai Hai Linh, sinh năm 1982 giữ vai trò điều hành, tổ chức, sắp xếp cho người Trung Quốc đánh bạc trên 4 ứng dụng của Trung Quốc trên mạng internet. Số còn lại có nhiệm vụ thành lập các câu lạc bộ trên mạng để thu hút, lôi kéo người Trung Quốc tham gia.
Tiếp đó, cuối tháng 8/2019, Công an thành phố Móng Cái kiểm tra, phát hiện 28 người Trung Quốc sử dụng công nghệ cao để lôi kéo người Trung Quốc tham gia chơi chứng khoán trên các sàn giao dịch giả nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tại nơi ở của các đối tượng, lực lượng chức năng thu giữ tới 516 chiếc điện thoại di động các loại cùng lượng lớn thiết bị liên quan như máy vi tính, thiết bị quẹt thẻ thanh toán ngân hàng.
Thủ đoạn tinh vi
Công an tỉnh Quảng Ninh nhận định, các đối tượng người Trung Quốc đã triệt để lợi dụng địa bàn tại Việt Nam. Cụ thể là những địa bàn giáp biên, nơi tập trung nhiều khách du lịch người Trung Quốc để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Bên ngoài một căn nhà tại TP. Hạ Long được các đối tượng Trung Quốc thuê để thực hiện hành vi phạm tội. |
Các đối tượng nhập cảnh bằng nhiều con đường, hợp pháp có, bất hợp pháp có. Hợp pháp là thông qua các tour du lịch lữ hành, còn trái phép là qua các đường mòn lối mở vào xâm nhập địa bàn.
Khi nhập cảnh, các đối tượng mang theo một máy tính hoặc 1, 2 chiếc điện thoại thông minh dẫn đến phát hiện mục đích nhập cảnh ban đầu là rất khó khăn cho các lực lượng thực thi pháp luật.
Sau đó, chúng thuê mướn các địa điểm như nhà trọ, homestay lắp đặt các thiết bị điện tử, thuê mướn đường truyền internet tốc độ cao. Thiết lập các trang mạng, website để đánh bạc trực tuyến qua mạng, cũng như các sàn chứng khoán giả. Chỉ một vài tháng các đối tượng lại thay đổi địa điểm hoạt động.
Điểm đặc biệt đối với loại hình tội phạm này, từ người điều hành, tổ chức, thực hiện đều là người Trung Quốc và chỉ tổ chức cho người Trung Quốc đánh bạc cũng như lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người Trung Quốc nội địa. Đến nay chưa xác định có người Việt Nam nào bị thiệt hại, tuy nhiên, lực lượng chức năng đang gặp phải những khó khăn nhất định khi xác minh, xử lý các đối tượng thuộc dạng này.
“Đối với tội phạm sử dụng công nghệ cao trong thời gian qua được phát hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng như các tỉnh khác, chúng tôi thấy chủ yếu các đối tượng là người Trung Quốc và người Đài Loan.
Hiện tại, giữa Việt Nam và Trung Quốc chúng ta chưa có hiệp định về dẫn độ tội phạm. Xác định lý lịch tư pháp thì cũng chỉ qua một kênh đó là Vụ Đối ngoại của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Nhiều yêu cầu xác định lý lịch tư pháp của cơ quan pháp luật Việt Nam khi chuyển cho phía bạn thời gian cũng rất chậm, liên quan đến quá trình xử lý của chúng ta”, Đại tá Thái Hồng Công - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết.
Trong khi đó, ngay kể cả về mặt pháp luật giữa Việt Nam với một số các nước khác bản thân hệ thống pháp luật đã không tương đồng.
|
Vật chứng được lực lượng chức năng thu giữ trong quá trình khám xét nơi ở của các đối tượng Trung Quốc. |
“Chúng ta gặp khó khăn đặc biệt là với các đối tượng người nước ngoài, trong hoạt động tương trợ tư pháp hình sự bởi vì chúng ta mới ký được rất ít các hiệp định song phương để có thể tương trợ tư pháp. Ngoài các nước đã ký kết các hiệp định song phương mà có yếu tố nước ngoài thì chúng ta lại thực hiện theo con đường ngoại giao và có đi có lại. Thực hiện các thủ tục này thì thời hạn lâu và có rất nhiều trở ngại, ngay kể cả về mặt pháp luật đã không tương đồng”, Phó Hiệu trưởng Đại học Kiểm sát Hà Nội, Nguyễn Đức Hạnh nhận định về loại hình tội phạm kiểu mới mang yếu tố nước ngoài.
Thực tế đấu tranh, phòng chống tội phạm cho thấy, ngoài tăng cường hợp tác quốc tế cần có thêm cơ chế, quy định pháp luật tạo điều kiện cho các đơn vị nghiệp vụ. Các quy định cần có sự ràng buộc giữa các bên thì hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm mới đạt hiệu quả.
“Quản lý người nước ngoài cần có những quy định cụ thể hơn để các lực lượng thực thi pháp luật tại địa phương có thể vận dụng, quản lý đối tượng người nước ngoài một cách chặt chẽ hơn.
Những quy định liên quan đến hợp tác quốc tế, dẫn độ tội phạm. Đó là khung pháp lý tạo điều kiện để cơ quan phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm sử dụng công nghệ cao nói riêng vận dụng một cách có hiệu quả”, Đại tá Thái Hồng Công thể hiện mong muốn từ phía cơ quan chức năng địa phương.