| Hotline: 0983.970.780

Mặt hàng tăng trưởng quá nhanh dễ bị điều tra phòng vệ thương mại

Thứ Năm 22/12/2022 , 19:54 (GMT+7)

Đi cùng đà tăng trưởng thương mại với Hoa Kỳ, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ nước này.

Hoa Kỳ từng áp thuế chống bán phá lên tới 410% với mật ong Việt Nam, trước khi giảm xuống còn khoảng 60%.

Hoa Kỳ từng áp thuế chống bán phá lên tới 410% với mật ong Việt Nam, trước khi giảm xuống còn khoảng 60%.

Điều tra chống bán phá giá... bìa kẹp hồ sơ

Theo Bộ Công thương, Hoa Kỳ là một trong những thành viên WTO tích cực sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại nhất nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước áp lực cạnh tranh của hàng nhập khẩu.

Là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng năm 2022 với Hoa Kỳ ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 616,24 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 15,9%; nhập khẩu tăng 12,2%. 

Cùng với sự tăng trưởng mạnh của xuất khẩu, xu hướng điều tra các vụ phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ cũng tăng, đặc biệt là các vụ điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại do Hoa Kỳ tiến hành với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tính đến tháng 11/2022, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra 51 vụ phòng vệ thương mại với Việt Nam, chủ yếu là điều tra chống bán phá giá.

Các sản phẩm bị điều tra khá đa dạng, từ nông - lâm - thủy sản như gỗ, cá tra, basa, tôm, mật ong, tới các sản phẩm công nghiệp như thép, máy cắt cỏ... thậm chí sản phẩm bìa kẹp hồ sơ. Ngoài việc tự khởi xướng điều tra, Hoa Kỳ còn tiếp nhận các yêu cầu điều tra về lẩn tránh thuế bất chấp nguyên đơn đã nộp quá thời hạn.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, từ năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục phải đối diện các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ.

"Sản phẩm bị kiện của Việt Nam không còn giới hạn ở các mặt hàng công nghiệp mà có nguy cơ gia tăng ở nhóm sản phẩm nông nghiệp. Song song với cơ hội mở rộng thị trường, chúng ta phải nhận rõ thách thức về điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, các biện pháp chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá, chống trợ cấp", ông Hưng nói.

Việc điều tra cũng như áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ do hai cơ quan độc lập tiến hành là: Bộ thương mại (DOC) xác định mức độ vi phạm và Ủy ban thương mại quốc tế (USITC) xác định mức độ thiệt hại của ngành sản xuất nội địa.

Các diễn giả tại Tọa đàm Rủi ro và Giải pháp hạn chế bị điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh với hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Các diễn giả tại Tọa đàm Rủi ro và Giải pháp hạn chế bị điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh với hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Khó khăn khi bị áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh

Có sự khác biệt giữa việc điều tra phòng vệ thương mại thông thường và điều tra chống lẩn tránh. Theo Tham tán Đỗ Ngọc Hưng, nếu các nhà xuất khẩu chứng minh được không vi phạm các biện pháp về phòng vệ thương mại thì có thể không bị áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp. 

Trong khi đó, nếu bị điều tra về lẩn tránh thuế, lẩn tránh chống bán phá giá, chống trợ cấp, doanh nghiệp xuất khẩu phải chịu những tiêu chí hoàn toàn khác do DOC xác định. Nếu bị áp dụng các biện pháp về chống lẩn tránh, doanh nghiệp rất khó hoặc gần như không thể xin rà soát. Hầu hết phải phụ thuộc vào việc biện pháp ban đầu mà Hoa Kỳ áp dụng.

Bốn khó khăn được ông Hưng liệt kê cho doanh nghiệp Việt Nam khi dính vào những vụ điều tra từ Hoa Kỳ. Một là, cung cấp thông tin không đúng yêu cầu. Hai là, thường gửi thông tin trả lời quá thời hạn. Ba là, thiếu các tài liệu kiểm chứng từ các bên liên quan. Bốn là, thiếu kinh nghiệm, chưa ý thức được hết quy định pháp luật và yêu cầu của từng cơ quan phía Hoa Kỳ.

Để giảm tần suất bị điều tra, doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường tìm hiểu pháp luật về các quy định phòng vệ thương mại, theo ông Hưng. Bên cạnh đó, ông khuyên doanh nghiệp nâng cao hơn nữa giá trị thặng dư của sản phẩm xuất khẩu, góp phần tăng giá trị xuất khẩu tuyệt đối.

Tư vấn thêm cho doanh nghiệp, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại chỉ rõ, mặt hàng có tốc độ tăng trưởng quá nhanh và chiếm được thị phần tương đối tại Hoa Kỳ sẽ có nguy cơ lớn bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hoặc biện pháp chống lẩn tránh.

Đề cao sự chủ động, ông Trung khuyến cáo doanh nghiệp hợp tác tích cực với cơ quan điều tra, cung cấp thông tin đầy đủ, nhất quán và theo đúng thời hạn. Trong dài hạn, doanh nghiệp phải nâng cao năng lực, hệ thống quản trị để hạn chế rủi ro bị điều tra. 

Nắm vững nguyên tắc quản lý hậu kiểm

Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại chia sẻ, hệ thống quản lý xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ dựa trên nguyên tắc hậu kiểm. Họ không yêu cầu giấy chứng nhận xuất xứ với các lô hàng nhập khẩu, mà dựa vào khai báo và xác nhận của nhà nhập khẩu.

Dựa trên phương thức tự chứng nhận này, cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ sẽ đánh giá rủi ro và xem xét tính cần thiết của việc hậu kiểm. Để thuận tiện cho việc giải trình nếu bị điều tra, doanh nghiệp cần lưu giữ toàn bộ hồ sơ liên quan tới các lô hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ 3-5 năm.

Xem thêm
Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc có thể đạt mốc 10 tỷ USD

'Các chuyên gia trong ngành đã dự đoán rau quả Việt Nam có tiềm năng đạt mốc xuất khẩu 10 tỷ USD sang thị trường Trung Quốc trong tương lai', Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết.

Năm tuyển sinh đặc biệt của Trường Đại học Lâm nghiệp

HÀ NỘI Trường Đại học Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức lễ nhập học cho tân sinh viên khóa K69 trong không khí rộn ràng của chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường.

Japi Foods chia sẻ khó khăn với người dân bị sạt lở do bão số 3

BẮC KẠN Chung tay san sẻ cùng bà con sau cơn bão số 3, Japi Foods gửi tặng 151 phần quà hỗ trợ tới các hộ gia đình tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.

Giới đầu tư săn tìm biệt thự ven biển Hạ Long khi nguồn cung nhỏ giọt

QUẢNG NINH Quỹ đất trực vịnh Hạ Long ngày càng khan hiếm khiến nguồn cung biệt thự ven biển ít ỏi, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội từ dòng sản phẩm này.