| Hotline: 0983.970.780

Mất nhà vì nhờ cháu... trông hộ

Thứ Ba 03/10/2023 , 09:15 (GMT+7)

Ông Trương Văn Thành sinh năm 1930 được chia thừa kế theo Bản án có hiệu lực từ năm 1989 ủy quyền cho người cháu trông coi... cho đến một ngày bỗng mất nhà?

Mất nhà vì nhờ cháu trông hộ

Sau khi, bố mẹ qua đời để lại di sản sản gồm nhà 35m2 trên 140m2 đất tại số 43 Yên Phụ không có di chúc. Năm 1988, ông Trương Văn Thành, ông Trương Văn Mỹ và bà Trương Thị Triệu đã có đơn ra TAND TP. Hà Nội đề nghị chia thừa kế khối tài sản nêu trên.

Trong thời gian này, do thấy người cháu ruột là ông Trương Kiệm Thiện (con ông Mỹ, mồ côi mẹ từ nhỏ, bố bỏ nhà ra đi được ông Thành cưu mang) không có nhà để ở, ngày 22/11/1988, ông Thành đã làm Văn bản ủy quyền cho ông Thiện ở nhờ và quản lý phần di sản thừa kế của ông trong thời gian ông không ở Hà Nội.

Theo Bản án Phúc thẩm số 302, ngày 20/6/1989 của TAND TP. Hà Nội, bà Triệu từ chối nhận di sản nên Tòa chỉ chia căn nhà trên cho ông Mỹ và ông Thành. Ngày 21/9/1989, TAND TP. Hà Nội đã lập Biên bản chứng kiến về việc Thi hành án: Nhà số 45 Nghi Tàm + Nhà số 43 Yên Phụ.

Căn nhà 45 Nghi Tàm một phần thuộc Nhà 43 Yên Phụ + 45 Nghi Tam đã được ông Thiện ngăn tách trái phép hiện đang cho thuê. Ảnh: HB.

Căn nhà 45 Nghi Tàm một phần thuộc Nhà 43 Yên Phụ + 45 Nghi Tam đã được ông Thiện ngăn tách trái phép hiện đang cho thuê. Ảnh: HB.

Đến năm 1991, ông Mỹ chia tài sản thừa kế của mình tại thửa đất trên cho các con. Trong đó, ông Thiện được chia 1/5 gian buồng có diện tích 14,5 m2; 01 gian nhà kho lợp giấy dầu và mảnh đất giáp chân đê Yên Phụ (nay đường Nghi Tàm) và lối đi chung từ nhà ông Thành đến nhà kho ông Thiện.

Ngày 29/08/1995, ông Trương Văn Thành đã lập giấy ủy quyền quản lý và sử dụng cho ông Trương Kiêm Thiện nêu rõ: "Phần sở hữu sau khi chia thừa kế với anh tôi là ông Trương Văn Mỹ đã được ghi trong bản án phúc thẩm số 302 PTDS ngày 20/06/1989. Nay tôi ủy quyền cho Trương Kiêm Thiện quản lý và sử dụng phần tài sản kể trên chứ không phải sở hữu vì sau này tôi sẽ về dưỡng già tại Yên Phụ".  

Cũng trong năm 1995, Nhà nước thực hiện mở rộng đường đê Yên Phụ nay là đường Nghi Tàm lấy đi 22,5m2 đất của căn nhà 45 Nghi Tàm + 43 Yên Phụ trong đó phần thừa kế của ông Mỹ phía mặt đường Nghi Tàm bị thu hồi toàn bộ và phần của ông Thành bị thu hồi 11,25m2. Mặc dù, nhà nước có đền bù nhưng ông Thiện đã lấy luôn phần tiền này của ông Thành và không báo cho ông Thành biết về sự biến động của bất động sản. Năm 1996, căn cứ vào Bản án 302 ngày 20/6/1989 nêu trên, ông Thành đã đăng ký sang tên trước bạ trong đó có nội dung ủy quyền cho ông Thiện quản lý, sử dụng phần nhà và đất ông Thành được thừa kế.

Đến ngày 4/7/1997, không được sự đồng ý của ông Thành nhưng ông Thiện đã thỏa thuận với ông Thuận và bà Phượng ngăn đôi khối tài sản được thừa kế của ông Thành, tự ý phá nhà cũ để xây dựng thành hai căn nhà mới kiên cố. Vợ chồng ông Thuận, bà Phượng đi mặt phố 43 Yên Phụ và sử dụng căn nhà mặt phố có diện tích 10,22m2 của ông Thành.   

Vợ chồng ông Thiện sử dụng toàn bộ phần diện tích 48,32m2 mặt sau của nhà ông Thành (nay là 45 đường Nghi Tàm). Sau đó, ông Thiện đã đập thông nhà kho sát chân đê (mà ông Thiện được bố là ông Trương Văn Mỹ chia cho) ở liền kề với mảnh đất nhà ông Thành, thành một khối và tự ý xây dựng một căn nhà nhiều tầng để kinh doanh hưởng lợi qua nhiều năm mà không có sự đồng ý của ông Thành.

Đến năm 2003, ông Thành được biết căn nhà của ông đã bị thay đổi hoàn toàn và phần đất mặt đường 45 Nghi Tàm ông Thiện hiện đang được cho thuê còn phần đất mặt đường 43 Yên Phụ đang bị bà Phương chiếm dụng nên đã tức tốc làm văn bản chấm dứt ủy quyền cho ông Thiện quản lý, sử dụng. Đến nay, căn nhà trên vẫn do ông Thiện, ông Thuận và bà Phương chiếm dụng.

20 năm mòn mỏi đòi nhà được thừa kế

Kể từ khi biết được những việc làm của ông Thiện, ông Thuận và bà Phương từ năm 2003, ông Thành đã nhiều lần yêu cầu những người đang chiếm dụng và hưởng lợi tức từ mảnh đất của ông trả lại phần đất mà ông được thừa kế và làm các văn bản hủy đi tư cách được ủy quyền đối với ông Thiện gửi đến các cơ quan chức năng.

Bản án số 302 ngày 20/6/1989 của TAND TP. Hà Nội chia di sản thừa kế cho ông Mỹ và ông Thành. 

Bản án số 302 ngày 20/6/1989 của TAND TP. Hà Nội chia di sản thừa kế cho ông Mỹ và ông Thành. 

Năm 2013, UBND phường Yên Phụ đã tổ chức họp hòa giải về việc sử dụng và quản lý nhà đất tại địa chỉ sốm 43 Yên Phụ nhưng kết quả hòa giải không thành. Bất đắc dĩ, ông Thành đã phải khởi kiện ông Thiện ra TAND TP. Hà Nội.

Tuy nhiên, tại bản án số 22/2022 ngày 21/4 và 27/5/2022 về việc "Chấm dứt việc ủy quyền và đòi tài sản", TAND TP. Hà Nội không cho ông Thành lấy lại nhà mà chỉ chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện.

Cụ thể, tòa án chỉ chấp nhận yêu cầu khởi kiện về việc chấm dứt việc ủy quyền quản lý, sử dụng nhà, đất tại 43 phố Yên Phụ giữa ông Trương Văn Thành và ông Trương Kiêm Thiện, ông Trương Kiêm Thuận theo văn bản ủy quyền này 9/9/1988 và văn bản ủy quyền ngày 22/11/1988.

Đáng chú ý, Tòa án cấp sơ thẩm đã cho phép ông Trương Kiêm Thiện được tiếp tục sử dụng phần diện tích đất 33m2 của ông Trương Văn Thành tại 45 Nghi Tàm và phải thanh toán cho ông Trương Văn Thành số tiền là 2.772.000.000 đồng; thanh toán trả ông Trương Văn Thành số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng và lãi suất chậm trả của số tiền này, tổng cộng là: 34.500.000 đồng; thanh toán trả ông Trương Văn Thành tiền thuê mặt bằng là 100.000.000 đồng. Tổng cộng ông Trương Kiêm Thiện phải thanh toán trả ông Trương Văn Thành số tiền là 2.906.500.000 đồng.

Bà Trịnh Thị Phượng và chị Trương Thu Trang, anh Trương Minh Phương được tiếp tục sử dụng phần đất 10,22 m2 của ông Thành tại 43 Yên Phụ và phải liên đới thanh toán lại cho ông Thành số tiền 1.430.800.000 đồng. Mà hoàn toàn không đả động gì về việc trả lại căn nhà trên mà ông Thành được thừa kế và cũng là người sở hữu hợp pháp đối với căn nhà trên.

Căn cứ vào các quy định của pháp luật về ủy quyền và các có thể thấy rằng ông Thiện đã vượt quá phạm vi ủy quyền. Ông Thành chỉ ủy quyền cho ông Thiện được quản lý và sử dụng nhà và đất mà ông Thành được thừa kế. Ở đây phạm vi ủy quyền là công việc sử dụng và quản lý, chứ không phải là chuyển giao quyền sử dụng đất và quyền định đoạt đối với mảnh đất nói trên. Quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất vẫn thuộc về ông Thành.

Mặt khác, theo quy định của pháp luật, cụ thể là Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Nghị định 16/2022 NĐ-CP, Thông tư 02/2014/TT-BXD đã có quy định cụ thể về việc khi tiến hành công trình xây dựng, chủ đầu tư phải có Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất mới đủ điều kiện được cấp Giấy phép xây dựng công trình.

Hơn nữa, pháp luật cũng nghiêm cấm các hành vi cải tạo, cơi nới, phá dỡ nhà đang ở nhờ, nhà được ủy quyền quản lý mà không được chủ sở hữu đất đồng ý. Trong trường hợp này, ông Thiện và bà Phương đã có những hành vi trái phép, ngang nhiên lấn chiếm, cải tạo, cơi nới thêm diện tích để phá vỡ kết cấu của ngôi nhà cũ dẫn đến diện tích hiện nay bị biến động đáng kể so với diện tích ban đầu mà không được sự đồng ý của ông Thành.  

Trước việc làm của ông Thiện, bà Phượng, con trai ông Thành là ông Trương Đức Toàn đã thay mặt bố đi gõ cửa cầu cứu nhiều cơ quan chức năng để hỏi vì sao lại cấp giấy phép xây dựng cho những người đang ở nhờ xây dựng nhà kiên cố trong khi không có sự đồng ý của chủ sở hữu nhưng không được hồi đáp.

Đến nay, ông Thành đã 93 tuổi ở cái tuổi đáng lẽ ra được nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu nhưng ông Thành vẫn phải mang đơn đi gõ cửa khắp nơi để đòi lại mảnh đất mà cha ông để lại. Trước những việc làm của người cháu cũng như phán quyết của tòa án cấp sơ thẩm đã khiến ông phải chịu tổn thương nặng nề về vật chất lẫn tinh thần. Ông Thành mong ước được các cơ quan thực thi pháp luật xem xét trả lại công bằng cho ông để ông hoàn thành tâm nguyện được trở về mảnh đất của cha ông sau hơn nửa cuộc đời bôn ba nơi xứ người.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.