Có lẽ do nặng âm nên chữ Xã được gọi thành chữ Xạ. Sông Xạ dài chừng 3,5km. Đầu nguồn lấy nước từ phía sông Đào, còn cuối nguồn xả nước ở đập Khánh Thành.
Sông không thẳng tăm tắp mà uốn lượn từng khúc tựa như một dải lụa đào được vắt qua một cành cây phất phơ trong gió. Dòng nước lúc trong, lúc đục phụ thuộc chủ yếu vào màu nước đầu nguồn chảy về.
Bình thường nước sông hiền hòa chầm chậm trôi rất dễ thương. Chỉ khi lũ lụt về, nước từ thượng nguồn và từ các cánh đồng dồn xuống khiến sông trở nên hung dữ thật đáng sợ.
Cả dằng dặc con sông chỉ có duy nhất một chiếc cầu Thông bắc qua, nối hai xã Liên Thành và Công Thành lại với nhau.
Nghe nói thời chống Mỹ, cầu Thông là một trong những trọng điểm giao thông bị máy bay của Mỹ nhiều lần quần thảo đánh bom nhưng chẳng hiểu sao nó vẫn sừng sững hiên ngang đến tận bây giờ.
Ngày xưa phía bờ sông bên kia dọc mấy xóm của xã Khánh Thành và Công Thành cây cối mọc um tùm trông rất hoang vu nên đi đêm rất sợ.
Thời ấy về mùa hè nắng đỏ lửa, gió Lào ran rát thổi, để tránh nắng nóng nên từ trẻ con đến các thanh niên trai tráng, những người trung niên làng tôi lại í ới rủ nhau rồng rắn đi bộ ra sông Xạ tắm.
Những người bơi giỏi, lặn giỏi thường đứng trên thành cầu Thông thi nhau chúc đầu cuộn mình nhảy tùm xuống sông, cố gắng hết sức lặn một hơi thật dài xuống tận đáy quờ tay lấy ít bùn hoặc đá sỏi rồi nổi lên mặt nước để “khoe” tài năng bơi lặn của mình với mọi người.
Do đáy sông gần cầu quá sâu nên rất hiếm người đủ khả năng chạm tay tới được bùn non. Cảnh nô đùa bơi lội rượt đuổi và dùng hai tay khoát nước vào mặt nhau xôn xao cả dòng sông.
Tắm táp mát mẻ xong, ai thích thì lên gầm cầu nằm ngả lưng nằm ngủ một giấc thật ngon lành. Gió từ bờ sông thổi vào lúc nào cũng rười rượi mát.
Sông Xạ không chỉ là nơi để mọi người thỏa thích bơi lội trong những trưa hè nóng nực mà còn là nơi cung cấp cho người dân quê tôi rất nhiều cá tôm, ốc cua các loại và những loại rau phục vụ cho việc chăn nuôi lợn, gà...
Mỗi lần nước sông cạn, rất nhiều người dân trong vùng lại phấn khởi mang theo các ngư cụ như lưới, nơm, chài, vó…đi bắt tôm cá.
Vui nhất và thú vị nhất là việc đi nơm cá tập thể. Hầu như trong làng nhà ai cũng có ít nhất một chiếc nơm. Nơm đủ mọi kích cỡ. Muốn nơm được nhiều cá dưới sông đòi hỏi phải có nhiều người cùng tham gia, giăng đặc nhiều lớp ngang dọc để khuấy đảo làm cá hoảng loạn mất phương hướng khi chạy trốn.
Vì vậy để tập trung được nhiều người tham gia đi nơm nhất có thể, trong làng luôn có vài ba người tình nguyện làm “tiên phong” đạp xe hoặc vác nơm đi bộ khắp làng trên xóm dưới để hô hào truyền tin.
Nhiều người “nghiện” đi nơm đến nỗi chấp nhận bỏ những việc quan trọng của gia đình hoặc đồng áng để tham gia. Có hôm dưới sông có đến vài trăm người dàn nhiều lớp hàng ngang hết chiều rộng của sông để nơm. Tiếng hò reo huyên náo mỗi khi ai đó nơm được cá to giơ cao lên để cổ vũ tinh thần mọi người.
Chẳng biết cá từ đâu ra mà nhiều vô kể. Mỗi năm vài lượt tổng bắt mà sang năm sau cá lại cứ đầy ăm ắp. Hầu như đi nơm ít ai về tay không mà luôn có cá mang về, có người may mắn “sát cá”, nơm được cả bao tải loại nhỏ đủ các loại cá, nặng trịch xách mỏi tay phải bỏ lên vai để vác về.
Dưới sông bạt ngàn rau hẹ và rều. Đây là hai loại rau mà lợn và vịt, gà rất thích ăn khi băm nhỏ chúng rồi trộn với cám gạo nấu nhừ, thậm chí là cho lợn, vịt ăn sống cũng được.
Còn nhớ thời bao cấp, nhà tôi nuôi một bầy vịt và một con lợn nái nên cách vài ba ngày tôi lại cùng lũ bạn choai choai trong làng phải ra sông ngụp lặn để lấy rau.
Khi rau hẹ khan hiếm, chúng tôi buộc phải lấy rau rều. Loại rau này mọc thành từng chùm nhỏ treo lơ lửng giữa sông. Màu nó xanh đen, mềm nhũn và rất xót.
Khi lấy được nó mang về là phải ngay lập tức chạy ra giếng dùng nước muối pha loãng hoặc dùng xà bông tắm kỹ toàn thân mới mong da không bị ngứa xót.
Ra đi từ dòng Vũ Giang hiền hòa, có người sau bao năm xa quê khi có dịp trở về cứ tần ngần, bỡ ngỡ như tưởng mình lạc lối. Hai bên tả hữu sông đã khác xưa rất nhiều.
Bờ đê dọc sông đã được bê tông hóa. Nhà cửa san sát nhau. Nước sông dường như cũng không còn trong xanh như trước nữa do sự đắp đổi của thời gian và sự can thiệp quá sâu của bàn tay con người.
Thi thoảng trong những giấc mơ chập chờn, tôi vẫn thấy ươn ướt, rười rượi những trưa hè ngụp lặn nô đùa cùng lũ bạn bên dòng sông quê thơ mộng.