Thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã ban hành nhiều thông tư, quy định mang tính đột phá trong hoạt động cải cách hành chính thuộc lĩnh vực thú y và kiểm dịch động vật.
Trong đó, nổi bật là Thông tư 06 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản và Thông tư 09 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía doanh nghiệp.
Theo ông Bùi Đức Anh, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật cảng Lạch Huyện, Chi cục Thú y vùng II, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), thay đổi lớn nhất của Thông tư 06 và Thông tư 09 so với quy định cũ là đơn giản hóa thủ tục hành chính và cắt giảm kiểm tra chuyên ngành, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Cụ thể, Thông tư 06 quy định miễn kiểm dịch với nhiều đối tượng thuộc diện kiểm dịch như: sản phẩm thủy sản đã qua sơ chế, chế biến; sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu để gia công, chế biến xuất khẩu; động vật, sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện ngoại giao, làm mẫu thử nghiệm, trưng bày hội chợ, triển lãm; sản phẩm động vật thủy sản xuất khẩu bị triệu hồi hoặc trả về.
Thông tư 06 cũng quy định chỉ kiểm dịch đối với sản phẩm động vật thủy sản ở dạng tươi sống, đông lạnh, ướp lạnh và lấy mẫu xét nghiệm đối với một số nhóm sản phẩm có nguy cơ cao.
Về tần suất lấy mẫu: Nếu kết quả xét nghiệm của 3 lô hàng liên tiếp đạt yêu cầu, 5 lô hàng tiếp theo chỉ lấy mẫu ngẫu nhiên 1 lô hàng để xét nghiệm (giảm 80% số lô hàng phải lấy mẫu), đồng thời quy định gộp 5 mẫu thành 1 mẫu xét nghiệm.
Còn theo Thông tư 09, giảm tỷ lệ lấy mẫu xét nghiệm bệnh với động vật nhập khẩu làm giống, với tỷ lệ lưu hành bệnh ước đoán là 5%, gộp 5 mẫu thành 1 mẫu xét nghiệm. Trong khi trước đó phải thực hiện lấy mẫu 100% và xét nghiệm mẫu đơn.
Bên cạnh đó, sản phẩm động vật chỉ phải kiểm tra tác nhân gây bệnh động vật đối với từng loài. Giảm số lượng mẫu của một lô hàng: chỉ lấy 1 - 3 mẫu để xét nghiệm (trước đây là 3 - 5 mẫu xét nghiệm/lô hàng). Thời gian trả kết quả giảm từ 3 - 5 ngày xuống còn 2 - 3 ngày.
Nhờ thay đổi phương pháp kiểm dịch từ mẫu đơn sang mẫu gộp, việc xét nghiệm đã chuyển từ phương pháp nuôi cấy vi sinh vật mẫu vật sang xét nghiệm bằng công nghệ sinh học phân tử (PCR; Realtime PCR), tạo ra bước đột phá cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành này.
Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính liên quan đã được giảm thiểu đáng kể, qua đó, tránh lãng phí nguồn nhân lực cho doanh nghiệp và lực lượng chức năng.
Đặc biệt, quy định nếu kết quả xét nghiệm của 3 lô hàng liên tiếp đạt yêu cầu, 5 lô hàng tiếp theo chỉ lấy mẫu ngẫu nhiên 1 lô hàng để xét nghiệm trong Thông tư 06 cũng khuyến khích doanh nghiệp chấp hành tốt quy định kiểm dịch.
Ông Đỗ Hùng Thắng, Công ty TNHH Thực phẩm Sáng Ngọc cho biết, hoạt động nhập khẩu hàng hóa là động vật và sản phẩm động vật của doanh nghiệp đã trở nên thuận lợi hơn khi nhiều thủ tục hành chính được cắt giảm, kể từ khi Thông tư 06 và Thông tư 09 được triển khai.
Trong đó, nhiều lô hàng đã được miễm, giảm lấy mẫu kiểm dịch, thậm chí, một số lô chỉ cần kiểm tra cảm quan lý hóa. Do vậy, doanh nghiệp đã tiết giảm được khoảng 60% chi phí xét nghiệm.
Ngoài ra, thời gian trả kết quả xét nghiệm rút ngắn từ 3 - 5 ngày xuống còn 1 - 2 ngày, đơn vị nhập khẩu từ đó tiết kiệm được phần lớn chi phí lưu kho, tránh giảm chất lượng hàng hóa và tạo điều kiện để doanh nghiệp sớm vận chuyển hàng hóa cho đối tác.
Để Thông tư 06 và Thông tư 09 phát huy hiệu quả tối đa, ông Bùi Đức Anh khuyến cáo các tổ chức, cá nhân khi nhập khẩu cần nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan bên cạnh hai thông tư trên để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan kiểm dịch động vật.
Bên cạnh những ưu điểm trong các quy định mới về kiểm dịch động vật, để đạt được những thành công hiện nay, Cục Thú y đã ban hành hai văn bản hướng dẫn tới các đơn vị trực thuộc để thực hiện có hiệu quả Thông tư 06 và Thông tư 09. Các Chi cục Thú y vùng cũng phổ biến nội dung của thông tư mới đến các tổ chức, cá nhân có liên quan.