| Hotline: 0983.970.780

Minh bạch chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Chủ Nhật 05/03/2023 , 20:00 (GMT+7)

THỪA THIÊN - HUẾ Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng qua tài khoản ngân hàng và chi trả điện tử đã giúp thực hiện chính sách này minh bạch, công bằng hơn.

Nhờ ứng dụng công nghệ mới vào công tác giám sát hiện trạng rừng, điều tra, đánh giá rừng nên chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) ngày càng được minh bạch hóa và được thực hiện một cách công bằng đối với các nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách.

Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, thời gian qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã ký kết được 15 hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR, trong đó 13 đơn vị thủy điện và 2 đơn vị nước sạch. Theo đánh giá, việc kê khai và nộp tiền chi trả DVMTR của các cơ sở thủy điện và nước sạch đều được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Nhờ hưởng lợi từ nguồn tiền chi trả DVMTR, đã góp phần cải thiện thu nhập, qua đó nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên rừng cho người dân sống ven rừng.

294654797_2674192539379539_345405572287399082_n

Chính sách chi trả DVMTR đã góp phần tăng thêm thu nhập cho lực lượng bảo vệ rừng. Ảnh: CĐ.

Theo số liệu của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Thừa Thiên - Huế, năm 2022, số tiền chi trả tiền DVMTR trên toàn tỉnh là 71,39 tỷ đồng, trong đó chi trả cho các tổ chức là 57,49 tỷ đồng và các chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình là 13,90 tỷ đồng.

Một trong những hiệu ứng tích cực của chính sách chi trả DVMTR là đã góp phần tăng thêm thu nhập cho lực lượng bảo vệ rừng, cải thiện sinh kế và giúp người dân gắn bó với rừng. Với nguồn kinh phí từ chi trả DVMTR, nhiều chủ rừng đã đầu tư tái tạo rừng, xây dựng được quỹ chung sử dụng vào hoạt động hỗ trợ tổ tuần tra bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng...

Ông Phạm Ngọc Dũng, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ sông Bồ (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) cho biết: “Từ nguồn thu của DVMTR, chúng tôi đã xây dựng và triển khai phương án bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng cũng như công tác tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng trái phép trên toàn lâm phận. Đơn vị trích một phần kinh phí để tái đầu tư rừng, hỗ trợ thêm chế độ cho lực lượng tham gia bảo vệ rừng, xây dựng các mô hình sinh kế cho bà con gần rừng bằng các cây trồng bản địa...”

Với đặc thù sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số đều ở các bản làng xa xôi, giao thông đi lại cách trở nên trước đây, việc nhận tiền chi trả DVMTR gặp nhiều khó khăn, thậm chí có xảy ra tình trạng tiêu cực. Những năm gần đây, việc áp dụng chi trả tiền DVMTR cho các cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình bằng phương thức qua tài khoản ngân hàng và chi trả điện tử ViettelPay nên đã góp phần thực hiện chính sách này minh bạch, công bằng hơn.

Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, đến thời điểm này, việc thực hiện chi trả tiền DVMTR qua tài khoản đạt tỷ lệ đến 99%. Theo ông Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên - Huế, chi trả DVMTR là chính sách mới, liên quan đến nhiều đối tượng trong nhiều lĩnh vực, đời sống, đặc biệt trong đó một bộ phận không nhỏ là đồng bào dân tộc thiểu số sống ven rừng.

IMG_20221119_083835_598

Sử dụng thiết bị bay trong công tác quản lý, giám sát diện tích rừng thực tế. Ảnh: CĐ.

“Để các chủ rừng, đặc biệt là người dân miền núi hiểu đúng về ý nghĩa của việc chi trả DVMTR, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã áp dụng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sinh động, ứng dụng truyền thông số để tuyên truyền, phổ biến chính sách này sâu rộng đến với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là các xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã như: A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc và thị xã Hương Trà. Đây cũng là nơi có diện tích rừng lớn và tập trung các cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình đang thực hiện chính sách chi trả DVMTR”, ông Hiền cho biết.

Cũng theo ông Hiền, song song với mục tiêu hướng đến hiệu quả thực tiễn, để đảm bảo tính bền vững của chính sách, với sự hỗ trợ của các dự án, tổ chức quốc tế, những năm qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đưa vào ứng dụng nhiều công nghệ ảnh viễn thám phục vụ cho công tác giám sát hiện trạng rừng, sử dụng hệ thống giám sát, đánh giá chính sách chi trả DVMTR trên nền tảng WebGIS. Qua đó, góp phần phục vụ hiệu quả trong công tác quản lý bảo vệ rừng của địa phương cũng như minh bạch hóa và công bằng trong hoạt động chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2014 đến nay, diện tích rừng được chi trả tiền DVMTR thông qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt hơn 158,6 ngàn ha (chiếm 55% diện tích có rừng toàn tỉnh), tương ứng với số tiền hơn 322 tỷ đồng.

Đã có 645 chủ rừng, trong đó 14 tổ chức, 5.758 hộ gia đình, cá nhân, các ban quản lý rừng cộng đồng, nhóm hộ (66% là đồng bào dân tộc thiểu số) tham gia quản lý bảo vệ rừng được nhận tiền chi trả DVMTR.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất