| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 04/11/2021 , 09:02 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 09:02 - 04/11/2021

Minh bạch thị trường xét nghiệm

Giá cả đã không điều kiểm soát cho phù hợp mục tiêu chung đẩy lùi dịch bệnh, mà hiệu quả của việc xét nghiệm nhanh cũng khá mơ hồ.

Sau gần một tháng áp dụng, Nghị quyết 128 của Chính phủ đã thực sự giúp các hoạt động xã hội dần dần đi vào trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, khi nhiều địa phương nâng mức cảnh báo cấp độ dịch, nhất là những diễn biến khó lường tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, thì rất cần minh bạch thị trường xét nghiệm để thích ứng Covid-19.

Chủ trương thống nhất để ứng phó linh hoạt với đại dịch trong bối cảnh bình thường mới, vẫn là vacxin + 5K. Thế nhưng, khi tỷ lệ tiêm vacxin chưa đạt 100% phạm vi toàn quốc, thì việc đi lại và nhiều hoạt động khác của người dân giữa các vùng phải đòi hỏi kết quả xét nghiệm âm tính. Thực tế cho thấy, một thị trường dịch vụ xét nghiệm đã hình thành với những màu sắc đáng bận tâm.

Trên diễn đàn Quốc hội gần đây, ông Trịnh Xuân An - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội, đã nêu ra vấn đề loạn giá xét nghiệm do không có vai trò điều tiết của cơ quan chuyên trách phòng chống dịch. Bộ Y tế không quy định giá, và các địa phương tự thực hiện khiến mỗi nơi một giá. Ngay cả thông tin giá mỗi kit test nhanh chỉ nằm ở mức 25 nghìn đồng trong các giao dịch thương mại quốc tế, nhưng khi về Việt Nam thì đội lên rất nhiều, cũng chưa được làm rõ.

Tại TP.HCM đã công bố bảng giá dịch vụ xét nghiệm nhanh của 169 cơ sở y tế, cũng biểu hiện sự chênh lệch ở từng nơi về giá niêm yết cho mỗi lần xét nghiệm nhanh. Với hệ thống bệnh viện công lập, nếu Bệnh viện Nhân dân 115 chỉ thu 60 nghìn đồng, thì Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi lại thu 168 nghìn đồng, còn Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ thu đến 198 nghìn đồng. Với hệ thống bệnh viên tư nhân, Bệnh viện FV thu 500 nghìn đồng, còn Bệnh viện Quốc tế Mỹ thu 800 nghìn đồng. Các phòng khám tư nhân thì thu từ 200 nghìn đồng đến 350 nghìn đồng.

Giá cả đã không điều kiểm soát cho phù hợp mục tiêu chung đẩy lùi dịch bệnh, mà hiệu quả của việc xét nghiệm nhanh cũng khá mơ hồ. Sở Y tế TP.HCM khẳng định kỹ thuật xét nghiệm nhanh không thay thế cho xét nghiệm RT-PCR mà chỉ dùng để hỗ trợ trong việc giám sát, phát hiện, chẩn đoán mắc Covid-19.

Như vậy, có rất nhiều băn khoăn nên đặt ra cho thị trường xét nghiệm nhanh, vì giai đoạn thích ứng bình thường mới không thể xem là cơ hội kiếm tiền của những doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối kit test nhanh.

Bây giờ là lúc ngành y tế phát huy trách nhiệm tiên phong khống chế Covid-19 bằng những quan điểm khoa học mạch lạc. Rất nhiều câu hỏi nên giải đáp đầy đủ và thuyết phục.

Trên thế giới có quốc gia tiến bộ nào đã thành công chống dịch với bài toán dịch vụ xét nghiệm nhanh tràn lan không? Vì sao kết quả xét nghiệm nhanh chỉ có giá trị trong 72 giờ, mà không phải là một tuần hoặc 10 ngày? Nếu nhân viên y tế không can thiệp bất cứ khả năng chuyên môn nào vào thông số hiển thị của kit test nhanh, thì tại sao không cho từng cá nhân tự làm xét nghiệm cho bản thân, để bớt tốn kém chi chí và tránh tụ tập đông người?  

    Tags: