Minh Châu (huyện Ba Vì, Hà Nội) là xã vùng bãi được bồi đắp bởi phù sa của sông Hồng. Những năm gần đây đời sống của nông dân trong xã được thay đổi đáng kể nhờ chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản. Hiện thu nhập từ chăn nuôi bò chiếm 35% tỷ trọng kinh tế của toàn xã.
Từ giống bò vàng Việt Nam chủ yếu nuôi làm sức kéo, chưa phát triển chăn nuôi theo hướng chuyên canh đã dần được thay thế bằng giống bò Zebu, giống bò chất lượng cao, người dân bắt đầu chú ý đến việc chăn nuôi để phát triển kinh tế.
Tính đến tháng 6 năm 2020 tổng đàn bò của Minh Châu là 4.357 con, đã tạo thành vùng sản xuất giống bò chất lượng cao cung cấp cho nhiều địa phương trong cả nước. Đến thời điểm hiện tại xã có số lượng đàn bò thịt đứng đầu cả thành phố cả về số lượng và chất lượng. Doanh thu từ chăn nuôi bò trong 6 đầu năm 2020 của xã ước đạt khoảng 30 tỷ đồng (thu từ bán bò, bê thịt các loại).
Để chăn nuôi bò thịt trở thành một nghề, ngoài sự quan tâm chỉ đạo của thành phố về cơ chế chính sách phát triển giống, sự nỗ lực của người dân, phải kế đến việc đẩy mạnh công tác truyền thông của thành phố. Cụ thể là hội thi bò chất lượng cao (năm 2007, 2018), thi dẫn tinh viên giỏi nhằm quảng bá sản phẩm, giới thiệu được giống chất lượng cao để người chăn nuôi biết về những chính sách, hiệu quả từ chăn nuôi bò thịt. Đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm nghề phát triển giống, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật.
Đặc biệt thông qua các hội thi đã làm thay đổi nhận thức của người dân xã Minh Châu trong việc chuyển đổi sang chăn nuôi hàng hóa tạo thành vùng sản xuất con giống, sản xuất bò thịt chất lượng cao cung cấp cho các địa phương trong cả nước. Công tác truyền thông cũng đã nâng cao nhận thức, kỹ thuật cho người dân thích ứng phát triển chăn nuôi bò chất lượng cao...
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được trong phát triển chăn nuôi bò thịt tại Minh Châu cũng còn bộc lộ một số khó khăn, chưa phát huy hết tiềm năng lợi thế. Đó là việc xây dựng chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu chăn nuôi bò thịt, tạo kết nối “cung cầu”, tạo chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ đến chế biến tiêu thụ sản phẩm. Chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp chế biến sản phẩm bò thịt để cung cấp đến tay người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, chế biến thức ăn để tạo cơ sở chăn nuôi lớn, chăn nuôi bò thịt công nghệ cao.
Về định hướng phát triển chăn nuôi bò thịt thời gian tới tại Minh Châu, tập trung xây dựng vùng chăn nuôi an toàn theo hướng hữu cơ. Phát triển ổn định đàn bò tại địa phương, trong đó duy trì tốt đàn bò cái nền để sản xuất giống, làm tốt hơn công tác tuyên truyền người dân áp dụng biện pháp thụ tinh nhân tạo cho bò để nâng cao chất lượng; đặc biệt quan tâm đến các giống bò có sản lượng thịt và chất lượng thịt cao (như BBB; Wagyu …). Khuyến khích người dân giữ lại bò giống (bò Sind, Brahman, Wagyu …) cái để làm nền và lai tạo ra thế hệ bò lai. Tổ chức liên kết với các doanh nghiệp chăn nuôi để tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi nhằm tạo đầu ra và giá cả ổn định.
Điểm nhấn là từ năm 2018 đến nay Công ty T&T 159 đã về ký kết tiêu thụ sản phẩm bò thịt cho người chăn nuôi, đây là tín hiệu tốt để người chăn nuôi yên tâm đầu tư sản xuất. Liên kết để xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi gắn với giết mổ và tiêu thụ sản phẩm (nhất là bò BBB, bò Wagyu …) để tạo giá trị gia tăng cho đàn bò của địa phương. Thu hút các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi tiến tới sản xuất các loại thức ăn (TMR, TMF…), vừa phát triển chăn nuôi bò, vừa có thể sản xuất thức ăn chăn nuôi tiến tới chăn nuôi công nghệ cao.
Với lợi thế từ phát triển chăn nuôi, nhìn xa hơn nữa Minh Châu còn có tiềm năng gắn phát triển nông nghiệp với du lịch sinh thái bởi ở đây có lợi thế, địa hình được ví như một “đảo ngọc”, đất đai màu mỡ phù hợp phát triển cây, con chất lượng cao...