| Hotline: 0983.970.780

Mô hình đầu tiên nuôi ong mật trên rừng ngập mặn tại Quảng Ninh

Thứ Năm 21/04/2022 , 17:15 (GMT+7)

Với nguồn thức ăn dồi dào từ những cánh rừng ngập mặn, mật ong có hương vị thơm ngon bởi được "'tôi luyện' từ những loại phấn hoa đước, hoa dại.

Người nuôi ong phải như cán bộ kiểm lâm

Tận dụng điều kiện tự nhiên, ông Phạm Văn Tuấn (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) đã phát triển nghề nuôi ong mật, đây là mô hình đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh về nuôi ong lấy mật thương phẩm trên rừng ngập mặn.

Không những mang lại thu nhập ổn định, mô hình nuôi ong mật tự nhiên tại xã Đài Xuyên, huyện Vân Đồn còn có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ môi trường hệ sinh thái của gần 500ha rừng ngập mặn nơi đây.

Ông Phạm Văn Tuấn nuôi 100 đàn ong mật giống nội địa ngay sát khu rừng ngập mặn xã Đài Xuyên (Vân Đồn, Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Thành.

Ông Phạm Văn Tuấn nuôi 100 đàn ong mật giống nội địa ngay sát khu rừng ngập mặn xã Đài Xuyên (Vân Đồn, Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Thành.

Thời điểm này, cánh rừng ngập mặn ven biển huyện Vân Đồn lại được bao phủ bởi hương thơm của hàng triệu cây đước, sú, vẹt. Đây là nguồn "thức ăn" dồi dào để đàn ong lấy mật trong môi trường tự nhiên, bởi rừng ngập mặn không bị ảnh hưởng bởi các loại hóa chất hay thuốc bảo vệ thực vật. 

Là một trong những người tiên phong xây dựng mô hình nuôi ong cạnh rừng ngập mặn, ông Phạm Văn Tuấn chia sẻ, từ ngày còn nhỏ, ông đã được tiếp cận và làm quen với việc nuôi ong mật từ bố mình. Ngày ấy, ông Tuấn vẫn thường theo bố đi chăm sóc đàn ong và được hướng dẫn kinh nghiệm nuôi ong. Với quyết tâm theo đuổi nghề của bố, ông đã đi tham quan và học hỏi mô hình nuôi ong mật ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Theo ông Tuấn, so với các loại vật nuôi khác, nuôi ong lấy mật khó ở chỗ phải phụ thuộc vào tự nhiên và áp dụng quy trình kỹ thuật thuần thục. Nắm bắt được thời điểm vào hạ, khi rừng cây đước, sú, vẹt nở hoa rầm rộ, ông đã đặt 100 đàn ong nằm sát bên khu rừng để ong có môi trường sinh trưởng lý tưởng. Trung bình, một đàn ong của ông Tuấn có thể đem lại từ 5 - 6 lít mật tự nhiên mỗi năm. Với giá trung bình hơn 400.000 đồng/lít, thu nhập từ bán mật ong là rất lớn.

Chia sẻ thêm về mối quan hệ cộng sinh giữa rừng ngập mặn và đàn ong, ông Tuấn cho rằng, để mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài và bền vững, song song với việc nuôi ong lấy mật, người nuôi cần phải có ý thức bảo vệ rừng ngập mặn.

"Việc chăm sóc ong cũng giống như chăm sóc rừng ngập mặn vậy, hay nói cách khác người nuôi ong cũng phải như một cán bộ kiểm lâm. Bởi nhẽ, dựa vào lợi thế rừng ngập mặn ven biển có sẵn, người nuôi ong không phải tốn chi phí trồng cây tạo hoa để ong có thức ăn. Bên cạnh đó, một năm rừng ngập mặn chỉ nở hoa một lần, nên hương vị và màu sắc của mật ong ở đây luôn có sự độc đáo, thơm ngon mà hiếm nơi nào có được", ông Tuấn nhấn mạnh.

Song song với việc nuôi ong, người dân cần quan tâm, bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Song song với việc nuôi ong, người dân cần quan tâm, bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Góp phần bảo vệ rừng ngập mặn

Cũng theo ông Tuấn, muốn biết chất lượng mật ong, chỉ cần bỏ chai mật vào ngăn đá, sau vài ngày mật vẫn không đông đặc, thì đó chính là thứ mật tốt. "Nghề nuôi ong tuy vất vả, nhưng thu nhập ổn định và không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Để phát triển nghề nuôi ong, ý thức bảo vệ rừng ngập mặn cần được nâng cao, người nuôi phải chú trọng tới công tác bảo vệ cảnh quan môi trường", ông Tuấn bộc bạch. Thời gian tới, ông sẽ đưa mật ong nuôi ở rừng ngập mặn trở thành sản phẩm OCOP chất lượng của địa phương. 

Trên thực tế, rừng ngập mặn tại Đài Xuyên có thảm thực vật rất đa dạng, với nhiều loài cây nở hoa, vì vậy việc nuôi ong ven rừng ngập mặn luôn cho chất lượng mật tự nhiên. Từ tháng 4 đến tháng 7 là khoảng thời gian mà các loài hoa ở trong rừng nở rộ nhất và đây cũng là mùa mà ong cho mật nhiều nhất trong năm. Đặc biệt, kế sát bên rừng ngập mặn là những cánh rừng hoang sơ cũng luôn sẵn nguồn hoa rừng để đàn ong có thêm thức ăn, nhất là vào thời điểm hoa đước, sú, vẹt đã hết mùa.

Ngoài lợi ích kinh tế, nghề nuôi ong lấy mật ở xã Đài Xuyên còn góp phần bảo vệ tính đa dạng sinh học của các loài thực vật và bảo vệ môi trường sinh thái ven biển. 

Sở NN-PTNT Quảng Ninh cho biết, hiện toàn tỉnh có hơn 36.000ha đất bãi ngập mặn. Trong đó, diện tích có rừng ngập mặn trên 22.000ha, phân bố rộng tại vùng cửa sông, ven biển ở nhiều địa phương như Móng Cái, Tiên Yên, Quảng Yên, Vân Đồn... Riêng từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh cũng đã trồng mới được hơn 4.000ha rừng ngập mặn (chiếm hơn 70% diện tích bãi bồi có khả năng trồng rừng ngập mặn trên địa bàn). 

Xem thêm
Nuôi bò 3B thâm canh, tăng trọng gần 1kg/ngày

QUẢNG TRỊ Qua theo dõi, bò lai BBB nuôi theo hình thức thâm canh tăng trọng trung bình 0,9kg/con/ngày, tương ứng 27kg/con/tháng.

Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Mưa trái mùa suýt làm người trồng hoa mất Tết

Trà Vinh Chính quyền phường đã nhanh chóng tháo cống, gia cố hệ thống thoát nước, kịp thời cứu được 100.000 chậu hoa của 85 hộ dân khỏi ngập úng.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.