Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tuyên Quang, trong năm 2022, địa phương này triển khai 4 mô hình quản lý dịch hại cây trồng tổng hợp (IPM) trên cây rau và cây cam tại các xã của huyện Hàm Yên và Sơn Dương.
Tham gia các mô hình IPM, nông dân trực tiếp điều tra, đánh giá tình hình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, dịch hại và các yếu tố ngoại cảnh tác động đến cây trồng; được hướng dẫn để tự phân tích, thảo luận và lựa chọn biện pháp kỹ thuật phù hợp nhất cho cây trồng ở từng giai đoạn; thực hành các biện pháp làm cỏ, bón phân và các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp...
Tại các địa phương triển khai mô hình, Chi cục Trồng trọt và BVTV cũng mở các lớp tập huấn, tuyên truyền, vận động nhân dân và lựa chọn học viên của lớp tập huấn IPM trên cây trồng; hạn chế sự phát sinh, phát triển và gây hại của sinh vật gây hại; khống chế sự gia tăng mật độ của côn trùng gây hại ngoài đồng ruộng của sinh vật có ích, từ đó làm tăng năng suất cây trồng, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái.
Mô hình áp dụng IPM trên cây rau tại xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương được triển khai từ tháng 5/2022 với diện tích 5ha. Nông dân áp dụng các nguyên tắc của IPM đó là sử dụng giống tốt, cây trồng khỏe; thăm đồng thường xuyên, bảo vệ thiên địch; điều tra, thu thập thông tin, đưa ra biện pháp tác động sau khi phân tích, đánh giá kết quả điều tra; thực hành chăm sóc ruộng rau mô hình.
Các hộ dân được hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”, từ đó giảm số lần sử dụng thuốc trong năm trên vườn mô hình. Chọn lọc, ưu tiên sử dụng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, đảm bảo thời gian cách ly khi thu hoạch sản phẩm.
Ngoài ra, các hộ dân cũng được hướng dẫn cách ngâm tỏi, ớt, gừng để phòng trừ sâu hại... Đối với làm cỏ, người dân tăng cường phát cỏ bằng máy và thủ công nhằm tạo các thảm cỏ trong vườn để giữ ẩm cho vườn trong mùa khô, chống xói mòn trong mùa mưa; cung cấp thêm chất mùn cho vườn để cải tạo đất, giúp đất tơi xốp hơn, tạo nơi cư trú và sinh sống của nhiều loại côn trùng có ích.
Qua hơn 4 tháng triển khai, các vườn rau mô hình IPM cho năng suất cao hơn so với ruộng nông dân 26 tạ/ha, tương đương với 94 kg/sào, tăng 7%; sơ bộ hạch toán kinh tế vườn IPM cho lợi nhuận cao hơn vườn đối chứng 11.186.400 đồng/ha, tương đương với 399.514 đồng/sào.
Gia đình anh Lê Văn Cảnh, thôn Gò Hu, xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương tham gia mô hình IPM trên cây rau. Từ nhiều năm nay, anh Cảnh và người dân trong thôn gắn bó với nghề trồng rau và đây là nguồn thu chính của bà con. Từ khi tham gia mô hình, anh học được nhiều kiến thức, kinh nghiệm làm nông nghiệp tốt như nắm chắc hơn cách kiểm soát chất lượng cây giống, biết điều chỉnh cách chăm sóc phòng trừ sâu bệnh.
Cùng với đó, nông dân cũng tăng cường việc sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ, giảm bón phân hóa học; kiểm tra sâu bệnh hại đến ngưỡng mới thực hiện phun thuốc, qua đó giảm được số lượng phun, việc chọn thuốc BVTV cũng đảm bảo an toàn.
Gia đình anh Cảnh trồng 3 sào rau bắp cải, tương đương 3.000 cây. Do đảm bảo an toàn thực phẩm nên được thị trường đón nhận với giá từ 5.000 đến 7.000 đồng/kg, anh thu về 28 triệu đồng, trừ các khoản chi phí anh còn lãi gần 20 triệu đồng. Những năm tiếp theo, anh Cảnh cho biết sẽ tiếp tục vận động bà con trong thôn trồng rau màu áp dụng mô hình IPM...