| Hotline: 0983.970.780

Hành trình dài đến với quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp

Thứ Ba 01/11/2022 , 06:51 (GMT+7)

Chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đã có trong chiến lược, kế hoạch của Chính phủ, của Bộ NN-PTNT. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai hiệu quả.

Vừa qua tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), ông Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã dự lễ bế giảng và trao Giấy chứng nhận TOT-IPHM cho những giảng viên trong khóa tập huấn nâng cao giảng viên TOT-IPM lên TOT-IPHM của các tỉnh phía Bắc.

Đây là khóa tập huấn cho nâng cao cho các giảng viên TOT-IPM để có đủ kiến thức trở thành giảng viên TOT-IPHM góp phần thực hiện thành công Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030 theo Quyết định số 3592/QĐ-BNN-BVTV của Bộ NN-PTNT.

Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Quý Dương phát biểu tại lễ bế giảng lớp TOT-IPHM

Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, ông Nguyễn Quý Dương phát biểu tại lễ bế giảng lớp TOT-IPHM tại TP Hạ Long. Ảnh: Xuân Phong.

Các học viên là cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, Trạm Trồng trọt và BVTV hoặc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện của các tỉnh Quảng Ninh, TP Hải Phòng, Hải Dương và Bắc Ninh.

Đây là lớp đầu tiên trong số 8 lớp đào tạo nâng cao cho giảng viên TOT-IPM lên TOT-IPHM bằng nguồn kinh phí của Bộ NN-PTNT theo Quyết định số 2332/QĐ-BNN-TC ngày 18/4/2022.

Mục đích của lớp tập huấn là bổ sung các kiến thức về quản lý sức khỏe cây trồng cho các giảng viên TOT-IPM để các giảng viên này có đủ điều kiện trở thành các giảng viên TOT- IPHM. Tạo nguồn giảng viên IPHM cho các tỉnh để đào tạo, tổ chức các lớp huấn luyện nông dân về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) tại các địa phương.

Tại khóa tập huấn này, các giảng viên đã được tập huấn nâng cao, tập trung bổ sung các kiến thức, nguyên tắc của IPHM, ICM (quản lý cây trồng tổng hợp), các biện pháp kỹ thuật của IPHM và các tiến bộ kỹ thuật liên quan tới quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) như SRI (hệ thống canh tác lúa cải tiến), "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm"...; làm rõ khái niệm "một sức khỏe", sức khỏe cây trồng; cập nhật các kiến thức về biện pháp đấu tranh sinh học, giống khỏe (giống chất lượng và trồng cây khỏe), sức khỏe đất và dinh dưỡng cho cây trồng, nông nghiệp sinh thái (sinh thái nông nghiệp và bảo vệ môi trường).

Sau 11 ngày tập huấn tập trung, các học viên đã được nhận Giấy chứng nhận giảng viên TOT-IPHM

Sau 11 ngày tập huấn tập trung, các học viên đã được nhận Giấy chứng nhận giảng viên TOT-IPHM. Ảnh: Xuân Phong.

Các giảng viên cũng được đào tạo nâng cao về sinh thái đất, biện pháp cải tạo đất, quản lý cỏ dại bền vững, thuốc BVTV (văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống quản lý về thuốc BVTV, thuốc BVTV thế hệ mới, thuốc sinh học, chương trình phát triển thuốc BVTV sinh học); tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân vi sinh; bảo vệ môi trường (thu gom, tiêu hủy vỏ bao bì thuốc BVTV, phân bón, rác thải nhựa…); canh tác giảm phát thải nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu; mã số vùng trồng; chuyển đổi số và thương mại điện tử.

Chặng đường dài đến với sức khỏe cây trồng 

- Ngày 28/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Do đặc thù ngành BVTV liên quan trực tiếp tới việc sử dụng thuốc BVTV của nông dân nên đã tiếp cận sản xuất bền vững, sinh thái, an toàn từ rất sớm: Đó chính là Chương trình IPM do FAO hỗ trợ cho Việt Nam từ 1992. Chương trình IPM đã tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực từ nông dân trực tiếp sản xuất đến các nhà quản lý ở trung ương và địa phương.

Empty

Những năm qua, ngành nông nghiệp đã có bước tiến dài áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm đặt nền móng để tiến tới IPHM. Ảnh: Đinh Mười.

- Năm 2015, Bộ NN-PTNT đã ký quyết định phê duyệt Đề án đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2015 - 2020. Theo đó, đã có 27 tỉnh, thành phố được phê duyệt Đề án, Chương trình hoặc Kế hoạch IPM. Các tỉnh còn lại mặc dù không được phê duyệt nhưng hàng năm đều có các hoạt động lồng ghép các hoạt động của chương trình IPM với hoạt động của các chương trình khác như chương trình khuyến nông, chương trình đào tạo nghề, các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật BVTV (SRI, "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", công nghệ sinh thái…).

Kết quả chương trình: Đã mở được 29 lớp đào tạo giảng viên TOT-IPM câp tỉnh với 942 giảng viên; nhiều tỉnh phải lồng ghép đào tạo giảng viên TOT-IPM ngắn ngày với các chương trình, dự án khác như WB6, Dự án VnSAT, GIZ, SRDP để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các cán bộ đã được đào tạo qua chương trình IPM. Kết quả, đã mở được 323 lớp đào tạo cho 13.589 lượt cán bộ ngành trồng trọt và BVTV.

Song song với các lớp TOT-IPM, chương trình cũng đào tạo, huấn luyện nông dân (FFS) được 1.568 lớp với 54 nghìn lượt nông dân tham gia cùng diện tích áp dụng IPM hơn 360 ngàn ha. Ngoài ra, các tỉnh cũng lồng ghép với nhiều chương trình khác như sản xuất rau an toàn, sản xuất theo hướng GAP..., mở được 6.500 lớp FFS (từ 3 - 7 ngày) cho hơn 350 ngàn lượt nông dân tham dự, diện tích áp dụng gần 3 triệu ha.

Empty

"Ruộng lúa bờ hoa", một mô hình được nông dân đón nhận, mở rộng rất nhiều nơi. Ảnh: Trung Chánh.

Chương trình IPM là một nội dung quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp như nâng cao hiệu quả kinh tế (giảm chi phí vật tư đầu vào, tăng lợi nhuận), nâng cao hiệu quả kỹ thuật (giảm thiệt hại do dịch hại gây ra, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm) và nâng cao hiệu quả về môi trường, xã hội (giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường).

- Năm 2020, Bộ NN-PTNT đã giao Cục BVTV tổ chức 02 lớp đào tạo giảng viên TOT-IPM quốc gia với 60 học viên đến từ 28 tỉnh/thành phố và cán bộ trẻ của 4 Trung tâm BVTV vùng với tổng kinh phí đào tạo là 2,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, 02 lớp TOT này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cần đào tạo của các tỉnh/thành phố trong cả nước.

Mặc dù 30 năm qua, IPM đã được triển khai rộng khắp trên cả nước nhưng mới chỉ được thực hiện chủ yếu trên cây lúa, rau, cây ăn quả còn các cây trồng khác như cây công nghiệp chưa được chú trọng. Giảng viên IPM được đào tạo nghỉ hưu hoặc chuyển công tác, kinh phí tổ chức lớp TOT 105 ngày, quá cao nên nhu cầu giảng viên TOT ở các tỉnh vẫn còn rất lớn.

Tuy vậy, khi có dịp tổ chức, các địa phương cũng rất khó cử cán bộ đi học dài ngày do nhân sự ít, công việc nhiều; nhiều tỉnh không bố trí được nguồn ngân sách để thực hiện Chương trình IPM; sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên khó triển khai áp dụng IPM trên diện rộng.

Chuyển đổi từ IPM sang IPHM

- Năm 2020, Cục BVTV đã báo cáo Bộ NN-PTNT đề nghị FAO hỗ trợ tăng cường năng lực cho ngành BVTV, cụ thể là hỗ trợ kỹ thuật xây dựng Chiến lược và Kế hoạch hành động Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp. Tháng 4/2021, Bộ NN-PTNT đã ký Quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật này.

Cách tiếp cận IPHM phù hợp với sản xuất nông nghiệp trong tình trạng biến đổi khí hậu, ngăn ngừa suy giảm đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng cường hợp tác công tư (PPP) theo định hướng của Việt Nam hiện nay:

Empty

Những giảng viên IPM đã đóng vai trò hết sức quan trọng nhằm lan tỏa các tiến bộ trong canh tác lúa. Ảnh: TL.

- Ngày 28/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, trong đó xác định nhiệm vụ “Xây dựng các chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) và sử dụng sinh vật có ích trên cây trồng chủ lực nhằm bảo vệ sản xuất, kiểm soát mức độ suy thoái đất, bảo vệ “sức khỏe” đất, sức khỏe con người, động vật và môi trường sinh thái”.

Ngày 27/5/2022, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã ký Quyết định số 1909/QĐ-BNN-KH ban hành Chương trình hành động triển khai chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định “Thúc đẩy ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam” được xác định là một trong những nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030.

- Ngày 12/9/2022, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ký Quyết định số 3444/QĐ-BNN-KH ban hành Kế hoạch hành động của Bộ NN-PTNT thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có hoạt động xây dựng và triển khai chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) giai đoạn 2021- 2030 trên cơ sở phát triển chương trình IPM.

Các nội dung IPHM trong các văn bản trên là một phần kết quả của Dự án hỗ trợ kỹ thuật do FAO tài trợ. Dự án cũng đã xây dựng được bộ tài liệu giảng dạy cho lớp TOT, FFS; đã tổ chức lớp giảng viên nguồn 37 người thuộc các Trung tâm BVTV vùng và tổ chức xong 2 lớp TOT thí điểm bộ tài liệu với 60 học viên đến từ các Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh.

Song song với dự án, Cục BVTV đã đề xuất và được Bộ Nn-PTNT cấp kinh phí tổ chức 8 lớp TOT chuyển đổi cho các giảng viên IPM sang IPHM trong 11 ngày/khoá (240 người), tạo ra lực lượng giảng viên TOT-IPHM 337 người trên toàn quốc.

Empty

Chương trình IPHM sẽ là nền tảng quan trọng để nông nghiệp nước ta tiến sang một thời kỳ mới. Ảnh: TL.

Ngày 23/9/2022, Bộ Nn-PTNT đã ký Quyết định số 3592/QĐ-BNN-BVTV phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam, giai đoạn 2022 - 2030. Như vậy, chương trình IPHM đã có trong Chiến lược, Kế hoạch của Chính phủ, của Bộ NN-PTNT. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương có thể triển khai chương trình IPHM hiệu quả, trên diện rộng.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục BVTV cho biết sau lớp TOT-IPHM tại Hạ Long, Cục sẽ giao Trung tâm BVTV phía Bắc và Trung tâm BVTV phía Nam tiếp tục tổ chức 3 lớp tập huấn nâng cao cho giảng viên TOT-IPM lên TOT-IPHM tại Phú Thọ, Hưng Yên, Ninh Bình cho giảng viên TOT-IPM của các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ; tổ chức 4 lớp tập huấn nâng cao tại Tiền Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Đắk Lắk cho giảng viên TOT-IPM của các tỉnh phía Nam và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.