| Hotline: 0983.970.780

Cây lạc mang ấm no cho đồng bào 'vùng khát' Lục Khu

Thứ Sáu 04/03/2022 , 09:35 (GMT+7)

CAO BẰNG Vùng Lục Khu (Hà Quảng, Cao Bằng) được mệnh danh là 'đất khát' do rất khó khăn về nước tưới. Nhờ cây lạc chịu được hạn, nông dân đã có thu nhập, ấm no dần.

Cùng với cây ngô, lúa, cây lạc được nhiều hộ gia đình ở các xã vùng cao Lục Khu, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) coi là cây trồng chủ lực, không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp.

Năm 2006, huyện vùng cao Hà Quảng phối hợp với Công ty Cổ phần Giống cây trồng tỉnh Cao Bằng; Công ty TNHH Nông, lâm nghiệp Hà Quảng; Công ty TNHH Một thành viên Nông nghiệp Hòa An tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân một số xã vùng Lục Khu chuyển đổi diện tích cây trồng năng suất thấp sang trồng thử giống lạc L14, L23.

Cán bộ Công ty TNHH Một thành viên Nông lâm nghiệp Hà Quảng hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lạc L14 cho người dân vùng cao xã Sóc Hà (Hà Quảng). Ảnh: Công Hải.

Cán bộ Công ty TNHH Một thành viên Nông lâm nghiệp Hà Quảng hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lạc L14 cho người dân vùng cao xã Sóc Hà (Hà Quảng). Ảnh: Công Hải.

Qua kết quả trồng thử nghiệm 30 ha lạc tại các xã Thượng Thôn, Nội Thôn, Hồng Sỹ cho thấy, cây lạc chịu hạn tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khô hạn ở địa phương, năng suất đạt 15 - 18 tạ/ha. Những năm sau đó, cây lạc hàng hóa được bà con các xã vùng cao Lục Khu, huyện Hà Quảng tập trung phát triển và coi đây là cây chủ lực giảm nghèo bền vững.

Ông Hoàng Văn Thắm, Chủ tịch UBND xã Thượng Thôn chia sẻ: Năm 2021, toàn xã trồng 22 ha cây lạc, tập trung nhiều nhất ở các xóm: Tổng Cáng, Nặm Giạt, Táy Trên, Cả Giang, Lũng Hóng…

Từ việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mũi nhọn theo hướng sản xuất hàng hóa, cuộc sống nhân dân từng bước được cải thiện, nhiều gia đình mua sắm được những vật dụng đắt tiền phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Tại xã Nội Thôn, khi chưa đưa cây lạc vào sản xuất, thu nhập của người dân sản xuất nông nghiệp chỉ đạt 8 - 9 triệu đồng/ha. Từ khi đưa giống lạc L14, L23 vào sản xuất và được các doanh nghiệp ký kết hợp đồng trực tiếp với người dân, cho nông dân vay giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm, bà con đã tích cực tham gia sản xuất chuỗi giá trị từ cây lạc, cho hiệu quả, thu nhập cao. Nhiều hộ đạt thu nhập 30 - 35 triệu đồng/vụ.

Cây lạc L14 đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân các xã vùng cao Lục Khu, huyện Hà Quảng. Ảnh: Phương Oanh.

Cây lạc L14 đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân các xã vùng cao Lục Khu, huyện Hà Quảng. Ảnh: Phương Oanh.

Năm 2021, xã Nội Thôn trồng 50 ha lạc, năng suất đạt 16,5 tạ/ha, sản lượng 150 tấn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới…

Việc trồng thử nghiệm thành công lạc giống L14, L23 tại các xã vùng cao Lục Khu đã tạo tiền đề thúc đẩy bà con phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng hàng hóa.

Ông Ngô Thế Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Nông nghiệp Hòa An thông tin: Trước đây, huyện vùng cao Hà Quảng chỉ trồng một vụ ngô xuân, vụ hè thu bà con trồng đỗ tương nhưng năng suất thấp. Khi đưa cây lạc vào gieo trồng, diện tích canh tác một vụ được thu hẹp, những nương rẫy được luân canh trồng lạc.

Công ty tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản lạc và bao tiêu sản phẩm cho nông dân theo giá thị trường. Giá lạc trắng L14 tươi được thu mua với giá 10 - 11.000 đồng/kg, lạc đỏ 11 - 12.000 đồng/kg, lạc khô 20.000 đồng/kg.

Nhiều hộ gia đình ở xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng thoát nghèo nhờ cây lạc. Ảnh: Phương Oanh.

Nhiều hộ gia đình ở xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng thoát nghèo nhờ cây lạc. Ảnh: Phương Oanh.

Năm 2021, huyện vùng cao Hà Quảng trồng 907,3 ha lạc, năng suất đạt 16,7 tạ/ha, sản lượng đạt 1.498 tấn. Cây lạc trồng tập trung chính ở các xã vùng cao Lục Khu và rải rác ở một số xã vùng đồng của huyện.

Ông Lưu Trọng Hính, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hà Quảng cho biết: Từ cây trồng phụ để sử dụng làm thực phẩm, người dân thấy hiệu quả từ trồng lạc, đặc biệt là lạc hàng hóa, những năm gần đây đã chuyển nhiều diện tích cây trồng một vụ kém hiệu quả sang trồng hai vụ lạc để nâng cao thu nhập. Từ trồng lạc, hàng nghìn hộ dân có thu nhập ổn định từ 20 - 40 triệu đồng/năm, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Trong những năm tới, cây lạc hàng hóa vẫn là cây trồng chủ lực trong chương trình xóa đói, giảm nghèo của huyện, đầu ra cũng được nhiều doanh nghiệp, tư thương bao tiêu ổn định nên người dân khá yên tâm mở rộng diện tích trồng. Phấn đấu năm 2022, phát triển diện tích lạc hàng hóa toàn huyện đạt hơn 1.000 ha, sản lượng đạt 1.500 tấn.

Xem thêm
Ứng dụng ruồi lính đen trong chăn nuôi: [Bài 1] Tạo nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn bền vững

Ruồi lính đen không chỉ mở ra cho ngành chăn nuôi nhiều cơ hội về nguồn thức ăn ổn định, mà còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng nguồn phế phụ phẩm.

Tăng tốc giải ngân hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do dịch bệnh

Hơn 46 tỷ là số tiền Hà Tĩnh cấp cho các địa phương để hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do bệnh viêm da nổi cục trâu, bò và dịch tả lợn Châu Phi.

Khám tổng thể sức khỏe đất: [Bài 6] Đất trồng cam ở miền Bắc càng thâm canh càng thoái hóa

TS Lương Đức Toàn, Trưởng Bộ môn Sử dụng đất thuộc Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu sức khỏe đất trồng cam ở miền Bắc cho biết như vậy.