| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi nông hộ thích ứng dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Ba 15/03/2022 , 07:07 (GMT+7)

Nhiều địa phương ở Cao Bằng đang triển khai các biện pháp chăn nuôi nông hộ an toàn sinh học để thích ứng với dịch tả lợn Châu Phi.

Chăn nuôi lợn vẫn là nguồn thu nhập chính ở nhiều địa phương của tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Công Hải.

Chăn nuôi lợn vẫn là nguồn thu nhập chính ở nhiều địa phương của tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Công Hải.

Chăn nuôi cầm chừng

Thị trấn Nước Hai là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nhất huyện Hòa An trong đợt dịch tả lợn Châu Phi từ năm 2019 đến nay. Có năm, dịch khiến trên 80% tổng đàn lợn bị tiêu hủy. Nhiều hộ dân hiện đã bắt đầu tái đàn trở lại với số lượng từ vài con đến hơn chục con/lứa.

Ông Nghiêm Quốc Thiên, thị trấn Nước Hai tâm sự: Gia đình tôi vẫn thu nhập chính từ chăn nuôi lợn nên sau đợt dịch phải tiêu hủy hơn 1 tấn lợn, gia đình đã tổng vệ sinh chuồng trại, rắc vôi bột khử khuẩn và tái đàn trở lại. Hiện nay, tôi tiếp tục duy trì nuôi khoảng gần 10 con lợn thịt/lứa. Trong xóm, đa số các hộ chăn nuôi lợn cũng đã tái đàn lợn trở lại.

Trước khi có dịch tả lợn, thành phố Cao Bằng có tổng đàn lợn hơn 24.000 con. Đến nay, đàn lợn có gần 10.000 con, mới đạt gần 50% số lợn trước khi có dịch dịch tả lợn Châu Phi. Theo tìm hiểu, nhiều gia đình không mặn mà lắm với việc tái đàn lợn vì giá lợn hơi bấp bênh, lợn giống vừa khan hiếm khó mua vừa giá cao.

Ông Nguyễn Văn Ngự, phường Đề Thám, TP. Cao Bằng chia sẻ: Sau đợt dịch tả lợn Châu Phi nổ ra, gia đình tôi chỉ dám nuôi cầm chừng từ vài con đến chục con/lứa. Số lượng nuôi mới còn ít do giá lợn giống nhiều thời điểm quá cao. Hiện giá trung bình khoảng hơn 1 triệu đồng/con nhưng giá lợn hơi cũng chỉ loanh quanh 50.000 đồng/kg nên tôi vẫn đang nuôi cầm chừng để nghe ngóng thị trường.

Người dân xã Phong Châu, huyện Trùng Khánh phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học. Ảnh: Công Hải.

Người dân xã Phong Châu, huyện Trùng Khánh phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học. Ảnh: Công Hải.

Vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch

Theo số liệu của Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Cao Bằng, từ tháng 1/2022 đến nay, dịch tả lợn Châu Phi vẫn phát sinh rải rác tại một số địa phương trong tỉnh với số lượng mắc bệnh và tiêu hủy là hơn 400 con, trọng lượng 1,6 tấn. Dịch bệnh phát sinh thêm 10 ổ dịch mới tại nhiều huyện, trong đó, nhiều ổ dịch chưa qua 21 ngày.

Ngay sau khi có ổ dịch, lực lượng chức năng các địa phương đã tiến hành tiêu hủy, thực hiện các biện pháp xử lý, khoanh vùng dịch, phun khử trùng, tiêu độc tại các khu vực lân cận để hạn chế không xuất hiện ổ dịch, ca nhiễm mới. Tuyên truyền các hộ dân không giấu dịch, phải báo cáo kịp thời cho chính quyền địa phương biết sớm để có biện pháp xử lý kịp thời.

Ông Hà Minh Hải, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trùng Khánh cho biết: Nhiều ca nhiễm dịch tả lợn mới nhất chưa rõ nguồn lây nhiễm. Do đó, đơn vị đã khuyến cáo đối với các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, tuyên truyền kịp thời đến các hộ chăn nuôi để chủ động phòng dịch.

Nguy cơ bùng phát dịch trở lại trên địa bàn huyện Trùng Khánh là vẫn có nên Phòng NN-PTNT đã chỉ đạo các xã, phường tuyên truyền người dân phải thận trọng, tìm hiểu tình hình dịch bệnh trước khi tái đàn, nhất là với số lượng lớn.

Nếu tái đàn phải đảm bảo các biện pháp an toàn vệ sinh tại chuồng trại, khu vực chăn nuôi. Phòng cũng đã giới thiệu cho người dân những địa chỉ cung cấp lợn giống uy tín để người chăn nuôi có thể yên tâm chọn mua các loại lợn giống.

Chăn nuôi an toàn giúp hạn chế dịch bệnh

Là trang trại lợn lớn nhất tỉnh Cao Bằng, trang trại lợn Thông Huề, xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Cao Bằng đến nay vẫn đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học và may mắn chưa bị dịch tả lợn Châu Phi xâm nhập nhờ làm tốt công tác chăn nuôi, đảm bảo phòng chống dịch.

Bà Chu Thị Xuân, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Cao Bằng thông tin: Trang trại lợn Thông Huề của doanh nghiệp vẫn duy trì đều hơn 200 lợn nái, 700 - 800 lợn thịt. Do tự đảm bảo được con giống, không phải nhập giống từ bên ngoài nên hạn chế được nhiều rủi ro của dịch tả lợn.

Ngoài ra, trang trại luôn làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, khử khuẩn toàn bộ khu vực chuồng trại nên đến nay trang trại vẫn hoạt động tốt kể cả những thời điểm dịch diễn biến phức tạp.

Nhiều xã của huyện Hà Quảng duy trì chăn nuôi lợn đen do lợn có sức đề kháng tốt và dễ nuôi. Ảnh: Công Hải.

Nhiều xã của huyện Hà Quảng duy trì chăn nuôi lợn đen do lợn có sức đề kháng tốt và dễ nuôi. Ảnh: Công Hải.

Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ngay từ đầu năm đã có chỉ thị về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh, kịp thời báo cáo, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Thường xuyên tổ chức giám sát sự lưu hành của mầm bệnh nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng

Ông Hoàng Minh Đạt, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Cao Bằng cho biết: So với các tỉnh, thành phố trong cả nước, Cao Bằng vẫn chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ theo hình thức nông hộ. Số lượng chuồng trại chăn nuôi lớn theo quy mô hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư còn hạn chế. Do đó, dịch tả lợn Châu Phi từ khi nổ ra đã lây lan ra diện rộng. Đến nay, dịch vẫn âm ỉ bùng phát nếu người dân không đảm bảo các yếu tố an toàn, phòng chống dịch bệnh như khuyến cáo.

Vệ sinh chuồng trại thường xuyên giúp hạn chế được dịch bệnh xâm nhập. Ảnh: Công Hải.

Vệ sinh chuồng trại thường xuyên giúp hạn chế được dịch bệnh xâm nhập. Ảnh: Công Hải.

Đối với dịch tả lợn Châu Phi, do chưa có vacxin tiêm cho đàn lợn nên biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch bệnh hữu hiệu nhất vẫn là việc nâng cao ý thức của các hộ chăn nuôi. Nhiều địa phương đang làm tốt việc tuyên truyền người dân đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín, tiến hành vệ sinh chuồng trại, rắc vôi bột khử khuẩn khu chuồng trại và các khu vực xung quanh rồi mới tiến hành tái đàn.

Mỗi xã nỗ lực mở 1 lớp tập huấn quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp phòng, chống dịch, điều kiện vệ sinh thú y cho cán bộ cấp cơ sở, người chăn nuôi. Các địa phương thống kê nhu cầu vật tư, hóa chất, vôi bột tại vùng thực hiện tái sản xuất đàn lợn gửi về Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở NN-PTNT để cung ứng kịp thời.

"Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo, bà con nông dân lựa chọn được con giống tốt từ những vùng không có dịch và nuôi với tỷ lệ phù hợp, tiêm phòng đầy đủ, không nuôi ồ ạt. Các cơ quan chức năng địa phương phải kiểm tra, giám sát chặt đầu vào của con giống, hạn chế nguồn lợn có mầm bệnh," ông Hoàng Minh Đạt lưu ý.

Xem thêm
Bầu Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029

Sáng 21/12, Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam (Hội Thú y Việt Nam) tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.