Mô hình nhằm mục tiêu đưa những giống keo nuôi cấy mô vào sản xuất trồng rừng gỗ lớn, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người trồng rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.
Mô hình được triển khai ở xã Tử Nê, huyện Tân Lạc. Gia đình ông Bùi Văn Dành được tham gia dự án với diện tích 2ha, được hỗ trợ 100% cây giống (giống keo lai BV10, BV16, BV32 ) và 50% phân bón, đồng thời được tập huấn kỹ thuật từ cách trồng, khoảng cách trồng, cách chăm sóc, bón phân cho từng giai đoạn trồng rừng.
Đứng trên đồi keo xanh tốt, ông Dành cho biết: “Khi nhận giống keo nuôi cấy mô về trồng, tỷ lệ cây sống rất cao, khoảng 90%. Tôi trồng từ tháng 9/2016 đến nay được gần 4 năm, cây đã đạt chiều cao từ 10-12 m, đường kính gốc 10-14 cm”.
Trước kia gia đình ông chủ yếu trồng giống keo giâm hom. Sau chu kỳ 5 năm thu hoạch bán được khoảng 100 triệu đồng. Hiện tại trồng keo nuôi cấy mô, đây là giống cây mới cho năng suất, chất lượng cao; ưu điểm cây sinh trưởng nhanh, đồng đều, ít bị sâu bệnh. So với giống keo giâm bằng hom thì keo nuôi cấy mô sinh trưởng nhanh vượt trội gấp 1,5 – 2 lần. Thời gian trồng thành rừng gỗ lớn sau khoảng 10 năm sẽ cho thu hoạch, hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với giống keo cũ.
Kết quả bước đầu của mô hình trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh tại xã Tử Nê đang dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân, góp phần thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao.