Bàn giao nhà bè thân thiện với môi trường
Ngày 1/2, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) và Công ty Cổ phần Tập đoàn STP (gọi tắt Công ty STP Group) tổ chức lễ bàn giao nhà bè bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào cho Tổ cộng đồng Bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa).
Theo đó, nhà bè này được lắp ghép với diện tích sàn 15m2 (dài 4,5m, rộng 3,28m, cao 2,5m) gồm phòng khách, nhà vệ sinh. Hệ nâng nổi nhà bè có tổng diện tích 58m2, được làm bằng ống HDPE D500 và tấm đỡ sàn HDPE D500. Ngoài ra, trên nhà bè có bể xử lý nước thải 3 ngăn bằng composite.
Nhà bè do Công ty STP Group thi công với tổng giá trị gần 800 triệu đồng. Trong đó, Công ty STP Group hỗ trợ 40% chi phí, còn MCD hỗ trợ 100 triệu đồng từ nguồn vốn dự án hỗ trợ Việt Nam thực hiện Luật Thủy sản 2017 với các sáng kiến từ Trung ương tới địa phương. Số còn lại do các tổ chức, cá nhân và thành viên tổ cộng đồng đóng góp. Có thể nói, đây là nhà bè chịu được sóng gió tốt hơn nhiều so với nhà bè bằng gỗ truyền thống của các ngư dân, đặc biệt thân thiện với môi trường.
Tại lễ bàn giao, các ngư dân của Tổ cộng đồng Bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Vạn Hưng bày tỏ, ước mơ có được nhà bè bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào nay đã thành hiện thực.
Ông Huỳnh Ngọc Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng kiêm Trưởng Ban đại diện Tổ cộng đồng Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Rạn Trào cho biết, việc nhận bàn giao nhà bè sẽ tạo điều kiện cho Tổ cộng động phát triển du lịch sau này để đảm bảo sinh kế lâu dài cho ngư dân.
Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào có diện tích 89ha, trong đó 54ha là vùng lõi - nơi hệ sinh thái có rạn san hô khá phong phú và đa dạng, cả về thành phần loài và mật độ che phủ.
Trên cơ sở quy định về cơ chế đồng quản lý của Luật Thủy sản, được sự hỗ trợ từ Dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Luật Thủy sản 2017 với các sáng kiến từ trung ương đến địa phương” do MCD thực hiện, cùng với sự nỗ lực của các chuyên gia, sự hỗ trợ của chính quyền, các ban ngành, đoàn thể của tỉnh Khánh Hòa, sự ủng hộ của các ngư dân đang sinh sống tại địa phương, Tổ cộng đồng Bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Vạn Hưng đã chính thức được công nhận và giao quyền đồng quản lý tại Quyết định số 181 ngày 21/2/2023 của UBND huyện Vạn Ninh. Đây là mô hình đồng quản lý đầu tiên của Khánh Hòa được công nhận và giao quyền theo đúng Luật Thủy sản năm 2017.
Ông Phan Ngọc Tấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, sau gần 1 năm được công nhận và giao quyền, quản lý, Tổ Cộng đồng Bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Vạn Hưng đã góp phần mang lại những chuyển biến tích cực trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, giảm thiểu các phương tiện khai thác mang tính tận diệt, hủy diệt nguồn lợi, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản của người dân…
Tiếp tục đồng hành cùng Tổ cộng đồng
Cũng tại lễ bàn giao, ông Huỳnh Ngọc Sang cho biết, Tổ cộng đồng mới thành lập gần 1 năm nên còn nhiều khó khăn. Các ngư dân luôn tâm huyết bảo vệ nguồn lợi thủy sản, rạn san hô tại khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào, đồng thời mong muốn tạo sinh kế cho các thành viên trong Tổ để có thu nhập ổn định. Tuy nhiên do chưa có nguồn tài chính nên anh em trong Tổ cộng đồng chưa có điều kiện thực hiện những tâm huyết đang xây dựng.
Do đó, ông Sang kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân cùng đồng hành, hỗ trợ kinh phí thi công, hoàn thiện nhà bè trong giai đoạn tiếp theo để Tổ cộng đồng làm tốt hơn công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong khu vực biển Rạn Trào.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, đại diện MCD đánh giá, hệ sinh thái Rạn Rào có đầy đủ biểu trưng của hệ sinh thái biển. Đối với mô hình đồng quản lý, mặc dù đã có từ rất lâu nhưng theo Luật Thủy sản 2017 thì mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản khu bảo vệ sinh thái Rạn Trào là một trong 5 mô hình chỉ mới đi vào hoạt động gần 1 năm. Do đó, hiện nay Tổ cộng đồng đang nỗ lực học tập.
Thời gian qua, MCD đã hỗ trợ về kỹ thuật giúp Tổ cộng đồng giám sát rạn san hô và bảo hệ sinh thái biển; MCD huy động toàn bộ các lực lượng, thành phần trong xã hội cùng tham gia xây dựng mô hình hệ sinh thái biển tốt nhất nhằm đảm bảo nguồn lợi thủy sản trước mắt và lâu dài cho thế hệ mai sau.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, trong 3 năm qua, MCD đã hỗ trợ xây dựng mô hình cộng đồng quản lý ở Rạn Trào, đồng thời huy động tổ chức, cá nhân, chẳng hạn như Công ty STP cùng chung tay làm nhà bè mơ ước của Tổ cộng đồng nơi đây.
Trong kế hoạch năm 2024 và 2025, MCD sẽ tiếp tục đồng quản lý trên toàn quốc, bởi mô hình này sẽ giúp giảm thiểu các vấn đề khai thác bất hợp pháp ven bờ. Đối với hệ sinh thái biển Rạn Trào, MCD cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cho Tổ cộng đồng.
Còn bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc Công ty STP Group cho biết, bà cảm thấy hạnh phúc khi chung tay với MCD, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa và bà con ngư dân của Tổ cộng đồng trong việc thực hiện nhiệm vụ ý nghĩa và có giá trị đó là bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho thế hệ mai sau.
“Mô hình nhà bè do Công ty STP Group thực hiện chung tay với Tổ cộng đồng là hoàn toàn bảo vệ môi trường, không gây phát thải”, bà Nguyễn Thị Hải Bình chia sẻ và cho biết thêm, trong năm 2024, Công ty STP Group mong muốn sẽ tiếp tục hỗ trợ Rạn Trào. Tuy nhiên để thực hiện điều đó, bà con ngư dân trong Tổ cộng đồng cần xây dựng kịch bản sản xuất kinh doanh chi tiết, có ý nghĩa xã hội để Công ty STP Group cùng chung tay.
Công ty STP Group sẵn sàng làm việc với Ban lãnh đạo Tập đoàn để hỗ trợ nhiều hơn cho Tổ cộng đồng, thậm chí hỗ trợ cả truyền thông cho Rạn Trào, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng chung tay với chương trình Rạn Trào.
"Chúng tôi sản xuất được rạn san hô nhân tạo bằng rác thải nhựa từ biển. Do đó, chúng tôi đang xây dựng tiếp chương trình cùng MCD, WWF để thu gom rác thải trên biển đưa về khu vực cần thiết; đồng thời chính rác thải đó sẽ trở thành rạn san hô nhân tạo đưa xuống biển làm ngôi nhà cho cá trú ngụ", bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc Công ty STP Group cho biết.