Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có hơn 230 mô hình đồng quản lý trong nghề cá được triển khai trên cả nước.
Trong đó, trên 200 mô hình đồng quản lý trong lĩnh vực thủy sản được hình thành trước giai đoạn trước Luật Thủy sản (năm 2017). Cụ thể, giai đoạn 2013 - 2016 có 97 tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ được thành lập tại 25 huyện và 8 tỉnh, với hơn 13.000 ngư dân tham gia.
Sau năm 2017, thực hiện Luật Thủy sản có 27 tổ chức cộng đồng được công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định pháp luật, với khoảng gần 2.100 ngư dân tham gia đồng quản lý trên diện tích 117.000ha tại 9 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tại buổi đối thoại với chủ đề “Thúc đẩy đồng quản lý vì một nghề cá bền vững và có trách nhiệm ở Việt Nam” do Bộ NN-PTNT phối hợp cùng Hội Thủy sản Việt Nam, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) vào chiều 8/12, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên quốc gia Chương trình UNDP/GEF SGP tại Việt Nam cho biết, qua thực tiễn thực thi cơ chế đồng quản lý cho thấy giai đoạn trước năm 2017, đồng quản lý trong thủy sản mới chỉ dừng ở các mô hình thử nghiệm thông qua hoạt động dự án. Hầu hết các mô hình đều không tiếp tục duy trì hoạt động khi dự án kết thúc.
Tuy nhiên giai đoạn sau năm 2017, đồng quản lý đã được luật hóa, tạo cơ sở pháp lý cho thực hiện nên đã mang lại những kết quả rất tích cực. Theo đó, người dân đã nâng cao nhận thức, ý thức trong việc giảm thiểu các hành vi vi phạm, phục hồi và phát triển, nguồn lợi thủy sản, cải thiện chất lượng môi trường và các hệ sinh thái biển, cải thiện sinh kế và tạo thu nhập cho nhiều cộng đồng ngư dân.
Thế nhưng đến nay, cơ chế đó vẫn chưa thực hiện một cách sâu rộng, mạnh mẽ từ các địa phương và cộng đồng ngư dân. Tình trạng nhiều cộng đồng ngư dân còn e ngại thực hiện hoặc lúng túng trong việc triển khai áp dụng các quy định của pháp luật còn phổ biến. Việc thực thi quyền và trách nhiệm được nhà nước giao, phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản sau khi được công nhận và giao quyền của các tổ chức cộng đồng còn hạn chế.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền, xét tổng quan, trong cả hai giai đoạn, hoạt động của các tổ chức cộng đồng về cơ bản vẫn dựa trên tinh thần tự nguyện; chưa thu hút được sự quan tâm, tham gia đông đảo của các cộng đồng dân cư, hầu hết còn dựa vào nhóm hạt nhân là chính. Tính bền vững trong hoạt động của các tổ chức cộng đồng chưa ngang tầm và chưa cao…
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền, xét tổng quan, nguồn lợi thủy sản đang tiếp tục suy giảm nhưng nhận thức chưa ngang tầm; công tác quản lý vĩ mô và ở các cấp chưa đồng bộ và thống nhất; việc tổng kết pháp lý và thực tiễn một cách xứng tầm và toàn diện vẫn đang bỏ ngỏ.
Trước thực trạng trên, nhằm tăng tính bền vững, phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức cộng đồng đã được công nhận và giao quyền; cũng như tiếp tục phát triển nhân rộng đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bà Nguyễn Thị Thu Huyền đề xuất 5 giải pháp và khuyến nghị.
Một là, tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến về vai trò, tầm quan trọng và kiến thức pháp luật đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản đến các cấp chính quyền, người dân, các bên hưởng lợi. Trước mắt, ấn hành sổ tay hướng dẫn về lập kế hoạch tài chính bền vững, về phương án chuyển đổi nghề nghiệp và dự báo về triển khai các mô hình sinh kế gắn với tạo dựng nguồn quỹ từ giá trị nguồn lợi thủy sản trong vùng biển đồng quản lý.
Hai là, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ UBND các cấp, người dân tiếp cận giao quyền và tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; gắn với xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí cho hoạt động tổ chức thực hiện ở các cấp, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, nghiên cứu hoàn thiện hệ chính sách, khung pháp lý thực hiện để tạo sự công bằng cho người dân, các tổ chức cộng đồng tham gia đồng quản lý, giao trách nhiệm phải đi đôi với lợi ích cụ thể. Đồng thời, quy định về trách nhiệm của những người hưởng lợi trong và ngoài vùng đồng quản lý.
Ba là, đổi mới cơ chế phối hợp đồng quản lý giữa chính quyền các cấp, tổ chức cộng đồng và các bên liên quan theo hướng gắn với xác lập căn cứ cơ sở pháp lý rõ ràng để xây dựng kế hoạch dự toán ngân sách hàng năm cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, chính quyền địa phương tham gia hoạt động đồng quản lý. Thành lập đội ngũ hướng dẫn, hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương. Xây dựng chương trình và tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các bên liên quan ở cấp cơ sở, cộng đồng người dân tham gia.
Bốn là, ban hành chính sách hỗ trợ phát triển đồng quản lý; quy định, hướng dẫn áp dụng đối với phí bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong lĩnh vực đồng quản lý, tiến tới thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Quỹ cộng đồng từ cấp Trung ương đến địa phương. Kết nối, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý cùng tổ chức cộng đồng trong tổ chức các mô hình sinh kế theo hướng kết nối liên kết khép kín theo chuỗi các hoạt động từ bảo vệ bảo tồn, khai thác, nuôi trồng thủy sản, thu mua, chế biến, cung cấp thực phẩm và sản phẩm dịch vụ, du lịch gắn với việc ban hành các cơ chế đặc thù, chính sách hỗ trợ để thực hiện đồng bộ và thống nhất.
Năm là, chú trọng hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, chứng nhận MSC cho nghề cá tại các khu vực đồng quản lý.
Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260km, diện tích vùng nội thủy và lãnh hải rộng 226.000km2 , vùng đặc quyền kinh tế hơn 1.000.000km2, khoảng 4.000 hòn đảo lớn nhỏ. Theo đó, vùng biển ven bờ là nơi quần tụ đa dạng hệ sinh thái, nơi sinh cư của hơn chục ngàn loài sinh vật biển và là bãi giống, bãi đẻ quan trọng của nhiều loài thủy, hải sản. Nghề cá ven bờ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong sinh kế của cộng đồng ngư dân ven biển, nhất là những ngư dân nghèo, với 88% tổng số lao động đánh bắt, nuôi trồng hải sản. Đây là nơi hoạt động của các tàu cá cỡ nhỏ, với số lượng chiếm tới 84% tổng số tàu lắp máy và hàng nghìn tàu thủ công. Toàn bộ điều đó khiến cho vùng biển ven bờ trở thành vùng nhạy cảm, dễ bị tổn thương trước tác động của con người và biến đổi khí hậu.