| Hotline: 0983.970.780

Mỗi kg mật ong không mua nổi chai nước lọc, người nuôi khốn cùng

Thứ Tư 02/08/2023 , 14:26 (GMT+7)

NGHỆ AN Giá mật ong (giống ong ngoại) rớt thảm, mỗi kg bán ra không mua nổi một chai nước lọc. Chưa bao giờ người nuôi ong mật khốn cùng như hiện tại.

Mùa mật đắng

Cùng với phong trào trồng rừng được đẩy mạnh ở các huyện miền núi Nghệ An, nghề nuôi ong mật cũng phát triển theo. Những rừng keo dọc tuyến đường Hồ Chí Minh qua các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn... là những nơi nuôi ong thích hợp. Trung bình mỗi huyện có từ 50 - 70 trại nuôi ong mật. Mỗi trại có từ 150 - 600 đàn ong.

Nghệ An với những đồi keo tít tắp đã tạo thuận lợi thu hút nghề nuôi ong trang trại. Ảnh: Huy Thư.

Nghệ An với những đồi keo tít tắp đã tạo thuận lợi thu hút nghề nuôi ong trang trại. Ảnh: Huy Thư.

Chưa có thống kê cụ thể, nhưng phần lớn các trại ong là của người ngoại tỉnh. Họ đến từ các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Dương… Việc đưa ong mật từ các nơi về Nghệ An để nuôi đã trở thành mắt xích quan trọng trong hành trình di cư của nghề nuôi ong trang trại cả nước.

Hiện nay các cơ sở nuôi ong di cư chủ yếu nuôi ong Ý. Loại ong này có ưu điểm dễ thích nghi với sự thay đổi của môi trường, phát triển mạnh, kháng bệnh tốt, cho sản lượng mật nhiều hơn ong nội gấp 2 - 3 lần, chất lượng mật ong đảm bảo… Trung bình cứ 7 - 10 ngày, các trang trại lại quay mật một lần. Những thùng ong tốt có thể cho thu hoạch 1 mùa trên dưới 100kg mật.

Theo các chủ trại nuôi ong, mùa mật năm nay điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Nắng to kéo dài, đàn ong phát triển mạnh về số lượng, mật hoa cây keo cô đọng, ong có thể đi lấy mật dễ dàng. Những này nắng nóng, các trang trại đều tích cực thu hoạch mật. Mùa mật ong thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 9, nhưng những tháng đầu vụ cho chất lượng mật tốt hơn.

Giá mật ong quá thấp, trong khi các chi phí đầu tư, dưỡng ong, vận chuyển cao khiến nhiều trại ong điêu đứng, bỏ nghề hoặc chịu lỗ cầm hơi. Ảnh: Huy Thư.

Giá mật ong quá thấp, trong khi các chi phí đầu tư, dưỡng ong, vận chuyển cao khiến nhiều trại ong điêu đứng, bỏ nghề hoặc chịu lỗ cầm hơi. Ảnh: Huy Thư.

Anh Vũ Văn Duy (41 tuổi) quê ở tỉnh Hải Dương đang nuôi ong ở xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn cho hay anh có thâm niên trong nghề. Năm nay, sau khi tranh thủ mùa vải Thanh Hà ở quê hương, đầu tháng 4, anh đã đưa ong từ Hải Dương vào Nghệ An. Theo anh Duy, huyện Anh Sơn có nhiều rừng keo thích hợp cho việc nuôi ong, lượng mật ổn định nên anh chọn đặt trang trại từ nhiều năm nay.

Hiện trên địa bàn xã Đức Sơn (huyện Anh Sơn) có khoảng 10 trại ong. Trại của anh Duy và một người bạn đang nuôi 600 đàn, được gây dựng từ nhiều năm qua. Mỗi lần lấy mật, trại ong cho thu hoạch từ 1,3 - 2,5 tấn mật.  "Năm nay được mùa nhưng mất giá, mỗi kg mật ong chỉ mua nổi 1 chiếc bánh mì nên người nuôi ong không có lãi, thậm chí lỗ, càng nuôi càng lỗ", anh Duy buồn bã.

Thu hoạch mật ong ở huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An). Ảnh: Huy Thư.

Thu hoạch mật ong ở huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An). Ảnh: Huy Thư.

Tùy vào chất lượng mật mà giá khác nhau. Những loại mật có màu vàng sáng, độ ngọt dịu được giá hơn những loại mật sậm màu. Người đi mua mật thường mang theo máy đo độ sáng, máy đo thủy phần… Họ thường lấy 1 ít mật cho vào máy phân tích và ấn định giá mua tại chỗ. Màu mật càng đậm thì càng mất giá.

Đầu năm 2022, giá mật ong dao động trong khoảng 20.000 - 21.000 đồng/kg. Cùng thời gian này năm ngoái, giá mật khoảng 16.000 - 17.000 đồng/kg. Tuy nhiên hiện giá mật ong được thu mua ở các trại ong trên địa bàn Nghệ An chỉ dao động từ 8.000 - 9.000 đồng/kg, thậm chí những loại mật xấu chỉ bán được trên dưới 7.000 đồng/kg.

Chưa bao giờ giá mật ong (giống ong ngoại nuôi trang trại) lại rẻ như bây giờ. Ảnh: Huy Thư.

Chưa bao giờ giá mật ong (giống ong ngoại nuôi trang trại) lại rẻ như bây giờ. Ảnh: Huy Thư.

Từ cuối năm ngoái tới nay, giá mật ong đã rớt hơn 50%. Ông Phùng Văn Vân (60 tuổi) quê ở xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh (Gia Lai) đang nuôi ong ở xã Thanh Sơn (huyện Thanh Chương, Nghệ An) chia sẻ: “Tôi theo nghề đã hơn 30 năm nay nhưng chưa khi nào thấy mật ong rẻ như bây giờ. Đầu vào thì cao, đầu ra thì thấp, mỗi kg mật bán ra chưa mua được 1 chai nước lọc, sản lượng thì có, thu nhập thì không. Mật ong rớt giá kéo dài khiến một số trại đã phải bán ong, bỏ nghề”. 

Rẻ mấy cũng phải bán

Mặc dù giá mật chạm đáy, nhưng người nuôi ong cũng phải bán cho các cơ sở thu mua, quay được chừng nào phải bán hết chừng đó, không để mật tồn dư. Mật ong sau khi quay không có phương tiện, điều kiện cất giữ tốt sẽ đổi màu, giảm chất lượng, lại càng mất giá.

Nhìn chung phần lớn người nuôi ong trang trại ở Nghệ An với giống ong ngoại dường như chỉ có một kênh bán hàng duy nhất là bán cho các cơ sở thu mua chứ chưa thử sức ở các kênh bán hàng khác, do đó giá mật phụ thuộc tuyệt đối vào họ.

Anh Nguyễn Văn Toán (40 tuổi) quê ở Thái Binh thường trú ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đang nuôi ong mật ở xã Thanh Sơn (Thanh Chương) cho biết: “Tôi đang nuôi 400 đàn ong. Với số lượng mật lớn, vài tấn mật mỗi lần quay, nếu không bán sỉ thì không thể bán lẻ hết được, do đó giá thấp cũng phải bán. Giá mật ong hoàn toàn phụ thuộc vào các cơ sở thu mua”.

Những cầu mật già nặng trĩu lâu ngày chưa quay do giá mật ong quá rẻ. Ảnh: Huy Thư.

Những cầu mật già nặng trĩu lâu ngày chưa quay do giá mật ong quá rẻ. Ảnh: Huy Thư.

Mật rớt giá, chi phí vật tư, vận chuyển cao khiến các trại ong điêu đứng, “đi cũng dở, ở không xong”. Sau khi thu hoạch mật, các trại phải cho ong ăn dặm để dưỡng sức. Theo những người trong nghề, với trại ong 600 đàn, mỗi lần cho ăn (10 ngày) hết khoảng 3 tạ mật, 2 tạ bột đậu. Giá bột đậu các trại mua vào cao gấp 3 lần giá mật ong (31.000 đồng/kg).

Việc di chuyển trại ong đón các mùa hoa cũng tốn nhiều chi phí. Ông Phùng Văn Vân đang nuôi ong ở xã Thanh Sơn (huyện Thanh Chương) cho biết, mỗi cơ sở nuôi ong đều có ít nhất 2 địa điểm chính được đặt thuê theo vụ (khoảng 2 - 3 triệu đồng/vụ) ở cả trong Nam và ngoài Bắc để luân chuyển theo mùa. Mùa rét họ di chuyển ong từ miền Bắc vào miền Nam. Mùa xuân ấm áp lại đưa ong từ miền Nam ra miền Bắc.

Mỗi năm, những cơ sở nuôi ong mật thường có 5 tháng ở trong Nam, 7 tháng ở ngoài Bắc. Riêng ông Vân từ ngày hành nghề đến nay thường chọn Gia Lai và Nghệ An làm điểm đến. Khi Tây Nguyên hết mùa cà phê, ông sẽ đưa ong ra Nghệ An đón mùa mật keo, đặt cơ sở giữa những rừng keo bạt ngàn. Khi mùa đông đến, keo vãn mật, ông lại đưa ong ngược về Tây Nguyên.

Trung bình giữa mùa mật khoảng 7 - 10 ngày các trại ong sẽ quay 1 lần. Nay giá mật rớt thảm nên nhiều trại ong ở Nghệ An dừng quay mật. Ảnh: Huy Thư.

Trung bình giữa mùa mật khoảng 7 - 10 ngày các trại ong sẽ quay 1 lần. Nay giá mật rớt thảm nên nhiều trại ong ở Nghệ An dừng quay mật. Ảnh: Huy Thư.

“Mỗi lần di chuyển ong từ Bắc vào Nam hay ngược lại đều phải thuê xe, thuê nhân công bốc vác. Năm nay, để di chuyển 400 đàn ong từ huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) về xã Thanh Sơn (huyện Thanh Chương, Nghệ An) lấy mật keo, tôi phải thuê xe ô tô hết 18 triệu đồng, nếu tính cả chi phí bốc xếp, dựng lán trại… hết gần 30 triệu đồng”, ông Vân nói.

Người nuôi ong nội vẫn sống khỏe

Những năm gần đây, sự cạnh tranh trên thị trường mật ong thế giới ngày càng khốc liệt. Các nước nhập khẩu mật ong áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại gia tăng các hàng rào kỹ thuật với mặt hàng này. Đây không chỉ là thách thức lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong mà đang ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người nuôi ong trong nước, trong đó có các trang trại nuôi ong ở Nghệ An. Theo những người nuôi ong, mật ong rớt giá mạnh vì không xuất khẩu được ra nước ngoài, đặc biệt là thị trường Mỹ nên dư thừa lớn, khiến các công ty mật trong nước phải nhập vào giá thấp.

Anh Lê Văn Luận (24 tuổi) quê xã Thanh Hương (Thanh Chương) đang thu mua mật cho một công ty mật ong ở Đắk Lắk cho biết: Trên địa bàn huyện Thanh Chương có 4 cơ sở thu mua. Cơ sở của anh mua mật ong khắp các huyện ở Nghệ An, Hà Tĩnh, trung bình mỗi tháng mua vào khoảng 120 tấn mật với giá 8.000 - 10.000 đồng/kg.

Trung bình mỗi thùng ong cho vài yến mật/mùa, thùng tốt có thể cho tới 100kg. Ảnh: Huy Thư.

Trung bình mỗi thùng ong cho vài yến mật/mùa, thùng tốt có thể cho tới 100kg. Ảnh: Huy Thư.

Giá thu mua mật của cơ sở phụ thuộc vào "công ty mẹ" ở Đắk Lắk. Gần 1 tháng nay, do giá mật rớt thảm nên nhiều trại ong không buồn quay mật để bán khiến cơ sở của anh Luận cũng không mua được hàng. Phần lớn các cơ sở thu mua trên địa bàn cũng ngồi chơi xơi nước, xe ngừng chạy, thùng để không...

Giá mật quá rẻ, người nuôi ong bất đắc dĩ mới phải bán cho các cơ sở thu mua. Nhiều trang trại đã dùng một phần số mật quay được để dưỡng ong, phần còn lại tích trữ chờ lên giá. Thời gian gần đây, nhiều trang trại đã đồng loạt ngưng quay mật để bán. Tình trạng “cần mua mà không bán” đang diễn ra trong nghề nuôi ong trang trại ở Nghệ An.

Người dân trong nghề lí giải “càng nuôi càng lỗ, càng bán càng lỗ thì bán làm gì”. Do đó trước đây chỉ 7 - 10 ngày sẽ quay 1 lần thì nay 20 ngày, thậm chí có trại cả tháng vẫn chưa quay.  Anh Nguyễn Đình Ngọ (45 tuổi) - chủ một trại ong ở xã Thành Sơn (huyện Anh Sơn) xót xa: “Tôi đang nuôi 400 đàn ong giữa rừng keo. Lần quay mật gần đây nhất được 2 tấn nhưng tôi không bán mà đóng thùng để trữ. 2kg mật ong bán ra chưa mua nổi 1kg đường mía thì bán làm gì”.

Các cơ sở thu mua thường lấy mẫu mật, kiểm tra độ màu, độ đường… để định giá mật. Màu mật càng sậm càng mất giá. Ảnh: Huy Thư.

Các cơ sở thu mua thường lấy mẫu mật, kiểm tra độ màu, độ đường… để định giá mật. Màu mật càng sậm càng mất giá. Ảnh: Huy Thư.

Tuy nhiên, không phải trang trại nào cũng có đủ dụng cụ, phương tiện để tích trữ mật ong với số lượng lớn. Hơn nữa nếu không có phương pháp cất giữ tốt, mật sẽ chuyển màu, đổ chua, giảm chất lượng, thậm chí hư hỏng. Do đó, cuối cùng cũng phải bán đổ, bán tháo, dù biết bán sẽ lỗ.

Cũng nuôi ong trang trại nhưng lâu nay, những người nuôi ong nội ở Nghệ An (chủ yếu là người địa phương) lại đang duy trì kênh bán hàng riêng. Họ không bán cho các cơ sở thu mua với giá “1 cân mật không mua nổi 1 chai nước lọc” mà tìm hướng tiêu thụ nội địa, bán lẻ cho người dân tiêu dùng.

Anh Nguyễn Ngọc Tú (38 tuổi) - một chủ trai nuôi ong ở xã Võ Liệt (Thanh Chương) cho biết, anh đang nuôi gần 300 đàn, gửi ở nhiều nhà dân, mỗi nhà tầm 30 - 40 đàn. Những người nuôi ong nội như anh tự tạo thị trường tiêu thụ riêng. Mỗi mùa mật anh cũng bán hết số mật quay được với giá cao gấp 13 - 20 lần ong ngoại (130.000 - 180.000 đồng/chai 650ml).

Vận chuyển mật ong ở vùng núi khá vất vả. Ảnh: Huy Thư.

Vận chuyển mật ong ở vùng núi khá vất vả. Ảnh: Huy Thư.

Có lẽ nhờ hướng đi này nên cùng nghề nuôi ong trang trại, nhưng nghề nuôi ong ngoại đang lao đao, tiến thoái lưỡng nan thì những người nuôi ong nội hướng đến thị trường nhỏ lẻ vẫn phát triển ổn định. Giá mật ong rớt thảm, không ít người nuôi ong ngoại ở Nghệ An và các tỉnh đã phải tìm cách bán đổ, bán tháo các đàn ong vì không cầm cự được hòng giữ chút vốn liếng.

Thời điểm này, nhiều người rao bán ong, nhưng để bán được cả trại ong hàng trăm đàn giá rẻ cũng không mấy dễ dàng. Nghề nuôi ong trang trại bán mật cho các công ty chưa bao giờ lâm vào tình cảnh điêu đứng như bây giờ.

Giá mật ong trang trại (giống ong ngoại) ở Nghệ An hiện chỉ đang giao động từ 8.000 - 9.000 đồng/kg, càng nuôi càng lỗ. Ảnh: Huy Thư.

Giá mật ong trang trại (giống ong ngoại) ở Nghệ An hiện chỉ đang giao động từ 8.000 - 9.000 đồng/kg, càng nuôi càng lỗ. Ảnh: Huy Thư.

Bà Đinh Thị Hải - Hội trưởng Hội Nuôi ong Nghệ An chia sẻ: Giá mật ong rớt thảm khiến hàng trăm trang trại nuôi ong ở Nghệ An lao đao. Khi không có thu nhập hoặc thu nhập quá thấp, các chủ trại không đầu tư khiến chất lượng đàn ong ngày càng bị giảm sút. Trong điều kiện khó khăn chung, các trang trại phải tìm biện pháp cầm cự bằng cách giảm quy mô đàn ong (rút gọn, sát nhập đàn, mạnh dạn loại bỏ các đàn xấu).

Cùng với việc thay đổi quy mô chăn nuôi, điều chỉnh sản xuất cho phù hợp, cần tích cực tuyền truyền về giá trị dinh dưỡng của mật ong nuôi, khám phá, tìm kiếm thị trường mới (ngoài bán cho các cơ sở thu mua chuyển về công ty, cần hướng đến thị trường nội địa), mạnh dạn thử sức với các kênh bán hàng khác (bán qua mạng xã hội)… Đây là những "phương thuốc cấp bách" để cứu nghề nuôi ong trang trại hiện nay.

Xem thêm
Bắt giữ xe khách chở 1,2 tấn nội tạng lên Điện Biên tiêu thụ

1,2 tấn nội tạng chứa trong 9 thùng xốp được chủ xe khách chở từ huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội lên Điện Biên đã bị bắt giữ tại Hòa Bình.

Tập huấn nhân rộng mô hình khuyến nông cộng đồng

AN GIANG Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông An Giang tổ chức 3 lớp tập huấn nhân rộng mô hình khuyến nông cộng đồng.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).