Tận dụng lợi thế xã trung du nhiều núi đá, cấy lúa cần vôi để vệ sinh đồng ruộng, thau chua cải tạo đất, ông Lê Văn Bình, 60 tuổi ở làng Vỹ Liệt, xã miền núi Hà Tân, huyện Hà Trung (tỉnh Thanh Hoá) đã bàn bạc với gia đình và vay mượn thêm anh em bạn bè xây dựng một lò sản xuất vôi phục vụ bà con làm ruộng. Dần dà, có thêm đồng ra đồng vào từ công sức một nắng hai sương, ông đầu tư mua máy xay xát, máy nghiền làm dịch vụ...
Với đà làm ăn lên, tận dụng phụ phẩm nông sản dư thừa từ nghiền bột, xay xát lúa gạo, ông bỏ thêm vốn chăn nuôi lợn thịt hàng hoá, duy trì 4 lợn nái sinh sản, hàng năm số lợn giống từ đàn lợn nái sinh sản ông để nuôi lợn thịt thương phẩm, duy trì trong chuồng đàn lợn thịt từ 40 - 50 con trở lên. Khi đã có của ăn của để, ông sắm thêm một xe ô tô loại vừa để chở vôi đi bán, vận chuyển vật liệu xây dựng, hàng hoá khác.
Dù đã có của ăn của để nhưng ông vẫn thấy chưa hài lòng. Nhận thấy địa phương ngoài núi đá còn có tiềm năng về đất rừng, nhiều diện tích đất rừng bỏ hoang để cỏ mọc chưa có chủ đầu tư khai thác, năm 2015, ông bàn bạc, thuyết phục gia đình nhiều lần và viết đơn đề nghị và được xã đồng ý cho nhận 12ha đất rừng để trồng cây phát triển kinh tế. Cả nhà ông ra sức phát cỏ dại, đào hố trồng cây…
"Miệng nói tay làm", vật vã lao động trên cánh rừng trùng điệp, gắn bó với rừng, rồi những rừng keo lá tràm tít tắp đã dần vươn lên. Thấy cây keo lá tràm phát triển tốt, ông Bình tiếp tục làm đơn đề nghị chính quyền và được nhận thêm 10ha đất rừng, tiếp tục phủ xanh bằng cây keo lá tràm.
Máu làm ăn lại thúc ông nhận thêm 30ha đất rừng nữa, nâng tổng diện tích rừng sản xuất lên tới 55ha như hiện nay. Sau 7 - 8 năm miệt mài trồng, chăm sóc rừng, hiện các diện tích rừng trồng đầu tiên năm 2015 đã cho thu hoạch, trừ chi phí đầu tư giống, chăm sóc, thuê mướn lao động, ông bỏ túi được hơn 1 tỷ đồng.
Không dừng lại, ông Bình tiếp tục tìm tòi hướng đi mới để tăng thu nhập. Tận dụng lợi thế tự nhiên dưới những tán keo lá tràm, ông khoanh vùng để chăn nuôi, phát triển đàn dê sinh sản và dê thịt thương phẩm. Dường như ông và cả gia đình quay cuồng với công việc hàng ngày không màng tới giờ giấc, nghỉ ngơi.
Và đất không phụ công người, đàn dê được bàn tay ông cùng gia đình chăm sóc cứ thế lớn dần, hàng năm tăng thêm số lượng dê mẹ, dê con, dê thịt… Bằng nguồn thức ăn sạch, dễ kiếm, dễ trồng và chi phí thấp ngay dưới tán cây rừng nhà ông, hiện đàn dê đã lên tới hàng trăm con.
Chưa hết, ông Bình còn gia cố 4 sào ao thả các loại cá truyền thống, kết hợp phát triển thêm đàn gia súc gia cầm như bò (3 - 4 cặp), lợn, gà... Không chỉ thoải mái dùng làm thức ăn hàng ngày, sản phẩm chăn nuôi còn có để bán và có thêm thu nhập đáng kể.
Ngoài “lá phổi xanh” 55ha keo lá tràm gần 7 năm tuổi sắp thu hoạch, khu vườn đồi nhà ông hiện còn trồng nhiều loại cây ăn trái đang cho thu hoạch như: 200 cây mít, trên 100 cây bưởi Diễn, trồng mới 300 cây dừa, nuôi trên 20 thùng ong lấy mật…
Không chỉ biết chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống gia đình, ông Bình còn luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn để cùng vươn lên trong cuộc sống như: Giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật trồng rừng; kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho gia súc gia cầm; đầu tư cây giống, con giống; cho vay vốn lãi suất thấp hoặc không lấy lãi… Ông cũng đóng góp, ủng hộ để cùng địa phương làm đường giao thông, xây dựng nông thôn mới...