| Hotline: 0983.970.780

Môi trường nông thôn chịu nhiều áp lực

Thứ Tư 17/07/2019 , 13:10 (GMT+7)

Theo các nhà khoa học, cảnh quan môi trường nông thôn là nơi ở, nơi sản xuất và là nơi lưu trữ văn hóa bản sắc dân tộc, truyền cảm hứng, động lực phát triển nông thôn. Tuy nhiên, cảnh quan môi trường nông thôn đang trở nên rất mong manh trước các áp lực của đời sống, kinh tế, xã hội.

Áp lực ô nhiễm

Theo GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, mặc dù ai cũng biết, gốc rễ sự sống của con người chỉ có ba thứ, gồm oxy, nước uống và thức ăn. Ba thứ này gắn bó rất mật thiết với cảnh quan và môi trường nông thôn. Nếu duy trì tốt tạo nguồn sinh kế, đảm bảo sức khỏe tốt – đó mới chính là chất lượng thực của cuộc sống.

Các điều kiện vật chất khác như điện, đường, trường, trạm, nhà ở… là các điều kiện bổ trợ, giúp tăng thêm các yếu tố về lượng đối với cuộc sống của con người.

Với rất nhiều lý do khách quan và chủ quan trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, cảnh quan, tài nguyên và môi trường tự nhiên đã bị suy giảm nghiêm trọng. Đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng mạnh tới xây dựng NTM để nâng cao và đảm bảo chất lượng cuộc sống thực của người dân.

Sự phá hủy hoặc làm suy giảm cảnh quan, môi trường như làm giảm cơ hội cho phát triển các nguồn sinh kế ổn định lâu dài của người dân nông thôn. Từ đó làm mất cân bằng sinh thái, suy giảm đa dạng sinh học dẫn tới sự gia tăng các rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và thị trường.

Bãi biển xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa trong vấn nạn rác thải.

Đồng thời làm gia tăng các loại bệnh nan y, làm suy giảm sức khỏe cộng đồng và các thế hệ tương lai. Cái giá phải trả khi bỏ qua việc duy trì và đảm bảo cảnh quan, môi trường tốt là rất lớn, không chỉ trong ngắn hạn với các thế hệ hiện tại mà còn kéo dài nhiều năm sau và ảnh hưởng nặng nề đến nhiều thế hệ tương lai.

Ông Sơn đánh giá, qua 10 năm xây dựng NTM, cảnh quan môi trường nông thôn nhiều nơi được thay đổi theo hướng tích cực, nhưng cũng đang đối mặt nhiều thách thức.

Tới nay, có gần 91% người dân nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Vấn đề xây dựng nhà bếp, nhà vệ sinh được người dân cải thiện hơn rất nhiều so với năm 2010. Ngoài ra, đường làng, ngõ xóm ở nhiều địa phương như Nam Định, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Đồng Nai đã được trồng hoa, tạo cảnh quan đẹp.

Tuy nhiên, môi trường nông thôn hiện nay đang chịu áp lực rất lớn của vấn đề ô nhiễm. Hiện trạng nổi cộm hiện nay là về rác và nước thải sinh hoạt. Biện pháp xử lý rác thải sinh hoạt chủ yếu hiện nay ở hầu hết các vùng nông thôn là chôn lấp và đốt tự do. Nước thải sinh hoạt cũng gia tăng và hầu như không được xử lý trước khi thải ra mương, rãnh, ao, hồ tại các vùng nông thôn.

Ô nhiễm môi trường cũng thể hiện rõ ràng trong trồng trọt theo hướng hàng hóa, tập trung. Nông dân Việt Nam có mức sử dụng phân hóa học và thuốc hóa học BVTV rất cao so với khu vực (với phân hóa học là 361 kg/ha và hóa chất BVTV là 8,3 kg/ha – so với ASEAN là 2,1 kg/ha).

Nhiều hộ gia đình vẫn chăn nuôi ngay trong khu vực dân cư, xả chung nước thải chăn nuôi theo hệ thống nước thải sinh hoạt mà không được xử lý.
 

Quan tâm hơn môi trường nông thôn

Theo GS.TS Đặng Kim Chi (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam), hiện nay chưa có mô hình nào thực sự hiệu quả để đảm bảo giảm thiểu và xử lý chất thải phù hợp cho khu vực nông thôn. Do vậy cần thiết phải có các nghiên cứu xây dựng các mô hình và giải pháp phù hợp nhằm bảo vệ môi trường và duy trì phát triển bền vững các khu vực nông thôn với các đặc trưng của vùng, miền.

GS.TS Đặng Kim Chi cho rằng, hiện trạng các làng nghề là khu vực ở nông thôn tồn tại nhiều bất cập về môi trường. Hoạt động các làng nghề cũng là một nguồn gây ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn.

15-23-19_2
Người dân xã Hồng Quang, huyện Nam Trực xem biểu diễn múa rối nước.

Ô nhiễm môi trường tại làng nghề nói chung đa dạng do khí thải, nước thải, chất thải rắn và cả ô nhiễm nhiệt, tiếng ồn… ở nhiều làng nghề đã trở nên nghiêm trọng tại chính khu vực sản xuất, gây tác động trực tiếp đến sức khỏe người lao động và dân cư sống xen kẽ trong làng.

Bà Chi đề xuất, cần xác định rõ vai trò của hệ sinh thái nông nghiệp và nông thôn trong giai đoạn trước mắt và lâu dài. Không nên coi nông thôn đơn thuần là nơi sinh sống làm lao động của người nông dân, tạo ra lương thực thực phẩm cho xã hội.

Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, việc xây dựng NTM trong giai đoạn tiếp theo phải lấy cảnh quan, môi trường làm nền tảng với thông điệp: “Bảo vệ cảnh quan, môi trường và tài nguyên tự nhiên để xây dựng NTM”.

“Cảnh quan và môi trường trong xây dựng NTM mới là vấn đề cốt lõi cần được quan tâm hơn nữa. Đây là yếu tố điều khiển chất lượng thật sự của cuộc con người nói chung, người dân nông thôn nói riêng”, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.