| Hotline: 0983.970.780

Môi trường nuôi tôm nhiễm độc

Thứ Sáu 04/11/2011 , 10:20 (GMT+7)

* Tôm bị hoại tử gan tụy là do thuốc diệt giáp xác

Tại hội nghị giao ban phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi vùng ĐBSCL tổ chức tại Bạc Liêu mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cảnh báo: “Nếu không có biện pháp tốt xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường, không loại bỏ các hóa chất độc hại từ nguồn gốc thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật thì e rằng chúng ta không còn nuôi thủy sản được nữa”.

Rất nhiều báo cáo khoa học, ý kiến tham luận của các nhà quản lý, nhà khoa học, công ty giống và nông dân nuôi tôm tiêu biểu đều tỏ ra bất bình trước việc lạm dụng thuốc BVTV hoặc hóa chất có nguồn gốc từ thuốc BVTV mà người nuôi tôm đang “đổ vào” ao nuôi của mình. Hậu quả ấy, theo Tổng cục Thủy sản, dẫn đến thiệt hại cả ở những ao nuôi đã được khắc phục cũng như các ao thả mới. Nhiều diện tích trong khu vực ĐBSCL đã “treo ao” không nuôi tôm nữa mà chuẩn bị trồng lúa hoặc thả nuôi đối tượng khác.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu NTTS II, kết luận: “Kết quả nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân chính gây ra tôm chết hàng loạt trong thời gian qua một phần là do vi rút, vi trùng, vật chủ mang mầm bệnh lây lan cộng đồng, còn một nguyên nhân nữa là do thuốc diệt giáp xác, diệt tạp. Chính từ thuốc BVTV hoặc hóa chất có nguồn gốc từ thuốc BVTV mà người nông dân lạm dụng diệt tạp cho ao nuôi của mình đã làm tôm ngộ độc. Tôm bị hoại tử gan tụy (gây chết tôm nhiều nhất thời gian qua ở khu vực ven biển ĐBSCL) cũng từ các loại thuốc này”.

Nhiều chủ trang trại dù đã xử lý ao, thả lại tôm giống vẫn bị thiệt hại do dịch bệnh tái diễn. Dịch bệnh tôm bùng phát, các cơ quan chuyên môn vào cuộc nghiên cứu, kết luận môi trường nhiễm độc nặng.

Theo Tiến sĩ Hảo, nồng độ tồn dư thuốc BVTV trong đất có nơi lên đến trên 500 phần tỷ. Trong khi đó, nồng độ này chỉ cần từ 0,01-0,001 phần tỷ cũng đã đủ gây bệnh cho tôm.

Các yếu tố khí hậu, thời tiết nắng mưa bất thường làm tăng giảm độ pH, độ kiềm khiến tôm khó lột xác, tôm suy giảm sức đề kháng, làm cho tảo phát triển trong đó có tảo độc gây bệnh cho tôm cũng là một nguyên nhân. Tuy nhiên, tôm chết bởi lý do này chiếm tỷ lệ không đáng kể. Vì vậy, khuyến cáo người nuôi tôm phải từ bỏ ngay việc sử dụng thuốc BVTV và hóa chất cấm. Chính sự lạm dụng thuốc đang đẩy người nuôi tôm đi vào con đường “tự giết mình”.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu khuyến cáo, người nuôi tôm hãy dùng vôi để cải tạo đất, nước và tăng cường các biện pháp nuôi tôm sinh học, tuyệt đối không sử dụng hóa chất xử lý ao nuôi trước và sau khi cải tạo. Về phía Bộ sẽ khuyến khích các công ty sản xuất nhiều loại thuốc mới tốt hơn thay thế cho thuốc diệt tạp hiện nay. Bộ NN-PTNT cũng cho rằng, khâu kiểm định, xét nghiệm con giống và quy trình nuôi không đạt yêu cầu cũng là nguyên nhân làm cho tôm nuôi bị thiệt hại.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.