Theo ông Thắng, Thanh Hóa được xác định là một trong những tỉnh sản xuất nông nghiệp trọng điểm của vùng Bắc Trung bộ với diện tích sản xuất lúa, rau màu hàng năm rất lớn.
Vì vậy, nếu được Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương đồng ý cho Thanh Hóa trở thành vùng sản xuất lúa để xuất khẩu thì đây sẽ là một trong những cơ sở để thúc đẩy sản xuất lúa gạo nói riêng và nông nghiệp nói chung.
“Phải đề xuất đưa Thanh Hóa vào vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu. Đồng thời, Thanh Hóa cũng phải xây dựng được những doanh nghiệp đủ điều kiện, được Bộ Công Thương cấp chứng nhận xuất khẩu gạo thì mới thúc đẩy sản xuất lúa gạo phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất được”- vẫn lời ông Thắng.
Song song với quá trình trên, ông Thắng mong tỉnh quan tâm đẩy mạnh tích tụ đất đai, mỗi huyện, xã phải có các mô hình cánh đồng lớn để ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học vào sản xuất và ứng dụng cơ giới hóa.
“Hiện nay, tại nhiều huyện của Thanh Hóa đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất lúa gạo, diện tích lớn, chất lượng gạo thơm ngon, hiệu quả kinh tế tăng cao nhưng vẫn chỉ tiêu dùng trong và ngoài tỉnh chứ chưa thể vươn ra thị trường thế giới. Điều đó khiến giá trị sản xuất, giá trị kinh tế trên đơn vị diên tích chưa cao”- ông Thắng cho biết.