| Hotline: 0983.970.780

Một cánh đồng thấm nhuần triết lý ‘thuận thiên’…

Thứ Bảy 04/12/2021 , 13:32 (GMT+7)

Trên một cánh đồng nhưng có đủ các loại cây trồng từ lúa, ớt, bí đao, đậu cove, điên điển, mướp đắng…

Mô hình 'Ruộng lúa bờ hoa' được nhiều người dân đánh giá cao. Ảnh: Phạm Hiếu.

Mô hình "Ruộng lúa bờ hoa" được nhiều người dân đánh giá cao. Ảnh: Phạm Hiếu.

Trời cho gì, trồng cây đó

Dẫn chúng tôi đi thăm ruộng lúa, bờ hoa, vườn ớt, giàn mướp đắng, điên điển… xanh, đỏ, tím, vàng đủ loại màu sắc trên một cánh đồng vỏn vẹn 2ha, người nông dân Nguyễn Văn Thảo (ấp Bình Châu, xã Bình Long, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) nhắc đi nhắc lại câu nói: “Ông trời cho mình trồng cây gì thì mình trồng cây đó thôi”.

Nếu không được chứng kiến tận mắt thì sẽ thật khó tin vào một cánh đồng diện tích không quá lớn, chi phí đầu tư cũng như chi phí sản xuất không cao lại có thể mang lại nhiều lợi ích cho người dân đến như vậy.

Với kinh nghiệm gắn bó với cây lúa lâu năm, ông Thảo đã tiếp cận với hầu hết các kỹ thuật canh tác từ truyền thống đến hiện đại. Đặc biệt, người nông dân rất mong muốn được ứng dụng những kỹ thuật mới, nhất là những phương pháp an toàn, vừa giúp tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận trên cùng một diện tích đất của gia đình, tạo được nông sản sạch cung cấp cho người tiêu dùng.

Người nông dân tận dụng diện tích đất trống trên cánh đồng để trồng ớt. Ảnh: Phạm Hiếu.

Người nông dân tận dụng diện tích đất trống trên cánh đồng để trồng ớt. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ngoài trồng lúa, ông Nguyễn Văn Thảo đã tận dụng bờ bao xung quanh để trồng hoa, khi hoa nở thu hút rất nhiều loại thiên địch có lợi cho cây lúa, chính vì vậy, một số loại sâu, rầy gây hại đều giảm rõ rệt, hầu như không xuất hiện, ruộng lúa phát triển tốt. Việc áp dụng công nghệ sinh thái vào mô hình “Ruộng lúa bờ hoa” đã giúp người nông dân giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), cải thiện chất lượng môi trường xung quanh. Chính vì môi trường đất và nước được cải thiện nên ông Thảo đã tận dụng diện tích đất trống để trồng thêm ớt, đậu cove, mướp đắng, bí đao… nâng cao thu nhập.

“Khi áp dụng công nghệ sinh thái vào mô hình ‘Ruộng lúa bờ hoa’, tôi đã được Phòng Nông nghiệp huyện Châu Phú hỗ trợ giống và hướng dẫn kĩ thuật trồng lúa và hoa nên việc thực hiện rất dễ dàng, không gặp phải khó khăn gì. Ngoài ra tôi còn giảm được từ 3-4 lần phun thuốc BVTV và 10-15kg phân bón mỗi vụ. Việc trồng thêm các loại cây màu khác cũng thu về thêm 2 - 3 triệu đồng/tháng”, ông Nguyễn Văn Thảo chia sẻ.

Cây cà na của người nông dân có kích cỡ to, hương vị thơm ngon và ra quả quanh năm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cây cà na của người nông dân có kích cỡ to, hương vị thơm ngon và ra quả quanh năm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Năm nay nước lũ, mực nước dưới các mương thấp. Tận dụng cây cà na chống sạt lở, cây điên điển cũng dễ thích nghi với mực nước thấp, có thể trồng quanh năm nên ông Thảo đã tự điều tiết lượng nước, trồng thêm cây màu, kiếm thêm tiền lo cho con cái, gia đình.

“Cây cà na vốn là giống cây thiên nhiên nên không cần xử lý quá nhiều. Tôi chiết cành từ giống cây cà na tốt nên có quả quanh năm. Quả cà na của tôi to, hương vị thơm ngon, có thể chế biến để làm mứt”, ông Nguyễn Văn Thảo hồ hởi.

Giảm chi phí, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng nông sản

“Ruộng lúa bờ hoa” là mô hình công nghệ sinh thái, giúp gia tăng số lượng thiên địch trên ruộng lúa, hạn chế sâu rầy. Qua đó, góp phần bảo vệ cây lúa, bảo vệ môi trường, giảm chi phí sản xuất, tăng thêm lợi nhuận cho người nông dân.

Giàn mướp đắng sai trĩu quả của người nông dân. Ảnh: Phạm Hiếu.

Giàn mướp đắng sai trĩu quả của người nông dân. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo ông Lê Hoàng Tín, Trạm trưởng Trạm trồng trọt và BVTV huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, trong vụ thu đông năm 2021, huyện Châu Phú triển khai 3 mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái “Ruộng lúa bờ hoa” tại 3 địa điểm: xã Thạnh Mỹ Tây, xã Bình Long và Thị trấn Vĩnh Trung. Đánh giá kết quả đến thời điểm hiện tại, người nông dân cho biết, so với những mô hình trồng lúa cổ truyền như trước đây, bà con đã giảm được 2 lần phun thuốc BVTV mỗi vụ. Những loại hoa như hoa cúc, hướng dương có thể dẫn dụ nhiều thiên địch có lợi tới để kiểm soát các loại sâu hại.

“Mọi năm, vụ hè thu hay đông xuân người nông dân đều phải can thiệp thuốc BVTV để hạn chế rầy nâu. Năm nay người nông dân không cần dùng thuốc BVTV nhưng vẫn không bị rầy nâu phá. Qua đó giảm giá thành sản xuất cho người nông dân, đặc biệt trong bối cảnh giá phân bón và thuốc BVTV tăng cao như hiện nay”, ông Lê Hoàng Tín chia sẻ với báo Nông nghiệp Việt Nam.

Cây điên điển dễ thích nghi với mực nước thấp, có thể trồng quanh năm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cây điên điển dễ thích nghi với mực nước thấp, có thể trồng quanh năm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo Trạm trưởng Trạm trồng trọt và BVTV huyện Châu Phú, trước khi triển khai mô hình “Ruộng lúa bờ hoa”, Trạm đã khảo sát, tuyên truyền về lợi ích của mô hình tới người dân trong 15ha của vùng. Sau đó Trạm đã tập huấn cho người dân, đồng thời đưa chương trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, giảm giống, giảm phân giảm thuốc và áp dụng nhiều công nghệ cao vào trong sản xuất.

Trong quá trình triển khai, thời gian đầu người dân còn gặp khó khăn trong việc xử lý bờ bao trồng hoa. Tuy nhiên sau khi các quy trình được vận hành một cách thuận lợi, người dân tham gia áp dụng “Ruộng lúa bờ hoa” đều thấy rất phấn khởi do mô hình sẽ mang lại lợi nhuận nhiều hơn.

Mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái giúp cải thiện môi trường sản xuất nông nghiệp của người nông dân. Ảnh: Phạm Hiếu.

Mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái giúp cải thiện môi trường sản xuất nông nghiệp của người nông dân. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Trước đây, những bờ bao, bờ kênh, kênh ngách nhỏ đều bị bỏ hoang, không được tận dụng. Thế nhưng hiện giờ, ngoài việc sản xuất lúa, bà con nông dân đã tận dụng diện tích đất trống đó để trồng các loại cây màu, qua đó gia tăng đáng kể thu nhập”, ông Lê Hoàng Tín cho hay.

Bên cạnh đó, Trạm trưởng Lê Hoàng Tín cho rằng mô hình áp dụng công nghệ sinh thái “Ruộng lúa bờ hoa” cũng góp phần để có thể hướng tới một nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững. Hạn chế phun thuốc BVTV, ngoài việc giảm chi phí cho người nông dân còn giúp nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản không có dư lượng thuốc BVTV, qua đó hướng tới khâu xuất khẩu ra các thị trường quốc tế.

Những mô hình sản xuất thân thiện với môi trường sống rất cần được nhân rộng. Ảnh: Phạm Hiếu.

Những mô hình sản xuất thân thiện với môi trường sống rất cần được nhân rộng. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tại An Giang, “Ruộng lúa bờ hoa” không phải là một mô hình mới vì đã được rất nhiều nông dân triển khai và thực hiện hiệu quả nhiều năm nay. Đây là mô hình dễ làm, dễ thực hiện nhưng hiệu quả mang lại cho nông dân, cho môi trường luôn được ghi nhận, rất đáng để ứng dụng rộng rãi, thường xuyên.

Xem thêm
Gia vị Việt Nam bị châu Âu cảnh báo tăng gấp 7 lần

Việt Nam là nước bị châu Âu cảnh báo nhiều nhất về gia vị nhập khẩu trong năm qua, với số trường hợp cao gấp 7 lần năm 2023.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Hỗ trợ doanh nghiệp Việt gia tăng lợi thế cạnh tranh

GEARS@VIETNAM giúp doanh nghiệp tại Việt Nam đo lường và thực hành ESG toàn diện trong quản trị nguồn nhân lực, giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.