| Hotline: 0983.970.780

Một chuyến đi xa

Thứ Năm 22/06/2023 , 06:11 (GMT+7)

Cuối tuần sếp nhắn 'Đi miền núi một chuyến nhé?', đầu tuần sau, gần chục anh em trong Báo tỏa đi, rong ruổi khắp các vùng núi non Việt Bắc, trong lòng phơi phới.

Non nước Cao Bằng đẹp mê mẩn, cả chuyến đi cảm tưởng như cứ dừng ở đâu là có ảnh đẹp ở đó. Ảnh: Tùng Đinh.

Non nước Cao Bằng đẹp mê mẩn, cả chuyến đi cảm tưởng như cứ dừng ở đâu là có ảnh đẹp ở đó. Ảnh: Tùng Đinh.

Năm nay thời tiết dị thường, đầu tháng 5 vẫn thấy tin không khí lạnh từ phương Bắc tràn về, mưa gió sụt sùi kèm theo nồm và ẩm. Những tưởng nàng Bân còn may áo cho chồng đến tận giữa năm thì Lập Hạ một cái là trời cứ thế mà nắng chang chang.

Để mà nói về đi công tác của cánh phóng viên, nhất là đi vùng miền núi phía Bắc thì nắng mấy cũng được, chỉ mong đừng có mưa. Trời nắng là cảnh đẹp hơn, đường đi cũng an toàn hơn, chứ mưa thì coi như bỏ, chỉ có ngồi một chỗ mà xem ông trời đổ nước.

Thấy thời tiết thuận, lãnh đạo Báo nhắn mấy anh em đi một chuyến Việt Bắc, từ Thái Nguyên, Hà Giang cho đến Bắc Kạn, Cao Bằng: “Cứ rong ruổi đi, gặp gì viết nấy, Việt Bắc đang vào mùa đẹp”.

8 anh em, chia thành 3 hướng, một nhóm Hà Giang, một nhóm Thái Nguyên, nhóm cuối là chúng tôi, đi Cao Bằng và Bắc Kạn, họp chia việc xong là lên đường.

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam xắn quần lội ruộng, xuống sông đẩy thuyền mắc cạn trong chuyến công tác Việt Bắc trung tuần tháng 5. Ảnh: Người dân cung cấp.

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam xắn quần lội ruộng, xuống sông đẩy thuyền mắc cạn trong chuyến công tác Việt Bắc trung tuần tháng 5. Ảnh: Người dân cung cấp.

Đất trời Việt Bắc

Ngày đi, gập hết hàng ghế thứ 3 của chiếc Suzuki Ertiga, chúng tôi chất vừa 2 vali to, 2 ba lô máy móc và một thùng nước khoáng, 2 anh em ngồi đầu còn hàng giữa gần như trống, để chút đồ ăn nhẹ, 2 bộ chân máy và tập công lệnh.

Đường từ Hà Nội cho đến tận thị trấn Thất Khê của huyện Tràng Định (Lạng Sơn) phải nói là dễ đi, hết quốc lộ 1A thì sang đường 4, cứ thoai thoải men theo dòng Kỳ Cùng là bon bon tới.

Thế nhưng đến Đèo Bông Lau, địa danh nằm giữa Lạng Sơn với Cao Bằng là địa hình thay đổi rõ rệt, độ cao từ khoảng loanh quanh 200 m so với mực nước biển vọt lên tầm 400 - 500 m, dốc đã đành, cua cũng nhiều hơn.

Dù không nhiều dốc đứng hay chênh vênh bên vực bên vách như mạn Tây Bắc nhưng đường sá Việt Bắc cũng đủ để thử độ đẻo dai của những tay lái quê miền biển như chúng tôi. Đường thì khó đi hơn, nhưng đổi lại cảnh vật lại ngày càng đẹp.

7 ngày, chúng tôi đi qua 2 tỉnh với quãng đường cỡ 1.200 km, chạm đến hàng tá danh lam thắng cảnh, dù chưa phải tất cả nhưng cũng gom lại được trong gần 1.600 bức ảnh, dung lượng gần 30 GB, chưa tính đến lượng quay video và ghi âm.

Sông núi Việt Bắc hun hút trên các nẻo đường đi. Ảnh: Tùng Đinh.

Sông núi Việt Bắc hun hút trên các nẻo đường đi. Ảnh: Tùng Đinh.

Chuyến này, chúng tôi có cơ hội đi từ thác lên đến rừng, từ sông hồ lên đến đỉnh núi, đủ loại địa hình, đủ kiểu phong cảnh. Có lúc thả hồn trôi theo con thuyền chết máy giữa lòng hồ Ba Bể, cũng có khi dồn hết sức lực nhấc chân vượt ruộng bậc thang trên dãy Phja Bjoóc, rồi cũng có khoảnh khắc thót tim, toát mồ hôi hột.

Hôm đó, vượt 10 km đường bê tông lắt léo, chúng tôi đến được thôn Phiêng Phàng của người Dao Quế Lâm trên đỉnh Pù Lầu. Trời chiều oi ả, ăn xong mấy miếng dưa lê của bà con mà thấy “chưa bao giờ dưa lê ngon thế”, chúng tôi quyết định leo tiếp lên đỉnh để xem rừng trúc và mấy trại nuôi cá.

Thấy con dốc dựng đứng trước mặt, đường thì đầy rãnh sâu, đất đá trộn lẫn vào nhau, 2 anh em chúng tôi nhìn nhau có phần nao núng. “Yên tâm, đường lên đấy chưa bê tông nhưng đổ đá rồi, đi được”, từ hàng ghế sau, mấy phụ nữ người Dao động viên các nhà báo miền xuôi.

Đã đến đây cũng không có chỗ quay đầu, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, anh bạn đồng nghiệp bắt đầu đạp mạnh chân ga. Cả chiếc xe như gào lên, lầm lũi bò chầm chậm ngược dốc, nhưng đến giữa chừng thì khựng lại.

Khi đó, đáp lại những cú dí ga chỉ là những vòng bánh xe quay tít, trượt lên những rãnh đá trộn đất. Đến khi khói xanh bốc lên và mùi khét xộc vào cabin, chúng tôi biết chiếc Ertiga đã đầu hàng.

Hội ý nhanh, 2 anh em biết chỉ còn một cách là thả xe trôi ngược xuống rồi lấy thêm đà phóng vọt lên, may ra thì được. Lần này đà mạnh, lách được rãnh sâu, chiếc xe cuối cùng cũng leo được lên sát đỉnh Pù Lầu.

Nhìn ra phía sau, 3 người phụ nữ Dao mặt không giấu được lo lắng, chỉ chờ xe dừng là mở cửa bước xuống ngay. Có lẽ, họ đang suy nghĩ lại về định nghĩa “đi được” của mình.

Bà con người Dao Quế Lâm tặng bánh chưng đen cho phóng viên. Ảnh: Bảo Thắng.

Bà con người Dao Quế Lâm tặng bánh chưng đen cho phóng viên. Ảnh: Bảo Thắng.

Vài năm kể từ ngày về Nông nghiệp Việt Nam, chúng tôi đi công tác nhiều, dài có, xa có nhưng đa phần là dùng phương tiện công cộng. Còn vừa dài, vừa xa, lại vừa dùng xe cá nhân thì đây có lẽ là lần đầu nên khó khăn là dễ hiểu.

Chưa kể, Cao Bằng, Bắc Kạn cũng là địa bàn lạ lẫm, có nơi còn chưa đặt chân tới bao giờ. Nếu không có những phóng viên của Báo thường trú tại địa phương, những người mà chúng tôi coi nhau như anh em một nhà thì khó khăn có lẽ còn nhân lên vài lần.

Một nhà

Nhoài người neo chặt chiếc case và màn hình máy tính vào dây an toàn của băng ghế sau chiếc Ford Everest, xong xuôi Tú nói: “Chú Thắng ngồi trên với anh nhé, chú Tùng ngồi sau, canh luôn bộ máy tính hộ anh”, xong rồi nhanh chóng vòng ra ghế lái nổ máy.

Tú hơn 2 anh em chúng tôi vài tuổi, anh mới về Báo Nông nghiệp Việt Nam nhưng có hơn chục năm lăn lộn với nghề ở Bắc Kạn từ đài truyền hình địa phương cho đến thường trú một tờ báo lớn.

Quê trong Chợ Đồn, giờ thì sống và làm việc ở thành phố Bắc Kạn nên anh rất thông thạo địa bàn. Biết chúng tôi đi từ Cao Bằng sang, Tú nhắn tin, gọi điện từ sớm để hướng dẫn đường đi, anh cũng không quên lập riêng một nhóm trên Zalo để tiện trao đổi.

Lên xe mới hỏi về bộ máy tính, anh nói: “Giờ mắt kém rồi nên nhìn laptop mỏi lắm, với cả hôm nay có sự kiện của tỉnh về du lịch, anh mang cả bộ đi 'chiến' cho nhanh”.

Thế là bộ case với chiếc màn LG 27” theo 3 anh em suốt mấy ngày đường, đến lúc chia tay thì case một bên, màn một bên, không phải chịu cảnh “ôm nhau” chung một ghế nữa.

Anh Tú nai nịt gọn gàng để bộ máy tính 'ôm nhau' trên ghế sau của chiếc Everest. Ảnh: Tùng Đinh.

Anh Tú nai nịt gọn gàng để bộ máy tính "ôm nhau" trên ghế sau của chiếc Everest. Ảnh: Tùng Đinh.

Ở Ba Bể, anh dẫn chúng tôi vào nhà chàng trai dân tộc Dao là du lịch trải nghiệm để viết bài. Nếu không có “thổ địa” như Tú chỉ dẫn thì rất dễ khai thác nhầm vào những homestay người dân tộc đứng tên nhưng chủ thật sự khéo lại đang ở đồng bằng, giảm mất cái hay.

Trước đó, trong đêm diễn ra lễ hội du lịch của tỉnh, do chúng tôi từ Cao Bằng sang, báo sát giờ nên ban tổ chức không xếp kịp chỗ nghỉ, Tú cũng là người gọi điện đi khắp nơi bố trí giúp anh em.

Lại nhớ lúc lang thang trên mặt hồ, thuyền chết máy, nằm ngắm trời đất chán chê rồi anh ra hỏi cậu lái thuyền: “Dầu không lên hay sao?”. Tưởng anh hỏi đùa, thế mà cu cậu gật đầu lia lịa trong sự ngỡ ngàng của 2 phóng viên tòa soạn.

Ngó nghiêng một lúc, anh quay ra bảo: “Để 'kỹ sư cơ khí' Tú thử cái xem sao”, chả hiểu anh vọc vạch gì trong khoang máy mà nó nổ lại được thật, thuyền cứ thế rẽ nước lao đi vượt ra khỏi Ba Bể, nhập vào sông Năng rồi ra đến tận thác Đầu Đẳng mà chẳng chết máy thêm lần nào.

Ngày cuối, anh liên hệ rồi đi cùng chúng tôi lên Na Rì viết bài về sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh. Lúc chia tay ở ngã ba Thác Giềng, Tú hẹn: “Các chú về an toàn nhé. Đợi dịp tới anh mang ít đặc sản Bắc Kạn xuống, anh em ta hàn huyên một bữa”.

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hơn 300 cơ sở ở Thái Nguyên vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hơn 320 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bình luận mới nhất