| Hotline: 0983.970.780

Một mình vượt núi về thủ đô thi đại học

Thứ Tư 02/07/2014 , 10:54 (GMT+7)

Khoác balô lên vai, một mình về Thủ đô dự thi đại học, nỗi lo lắng, vẻ lạ lẫm hiện rõ nơi đáy mắt những học trò vùng cao, có thí sinh khóc nức nở ngay tại bến xe.

Sinh ra và lớn lên ở Cao Bằng, chưa một lần đặt chân đến Thủ đô nhưng lần này, Nguyễn Thị Phương, thí sinh dự thi vào Đại học Kinh tế Quốc dân, phải một mình lặn lội vượt hàng trăm cây số xuống Hà Nội.

Cha mất sớm nên suốt bao năm qua, một mình mẹ là chỗ dựa cho cả ba chị em Phương. Nhìn các bạn có người thân đi cùng, cô gái nhỏ không khỏi chạnh lòng. Đôi mắt ngấn lệ, Phương kể: “Nếu mẹ đưa em đi thi thì hai cô em gái nhỏ ở nhà sẽ không có ai chăm nom. Mọi người đều động viên em là chị cả thì phải cứng cỏi, làm gương cho các em...”

Tối 29/6, người chị họ đưa Phương ra bến xe. Lần đầu tiên đi xa nhà, lại là hành trình một mình trên cả cung đường dài, hầu như suốt cả đêm, cô bé không ngủ được. “Cảm giác hồi hộp, lo lắng đôi khi khiến em nghẹt thở. Dọc đường, có lúc em muốn lao xuống, quay trở lại nhà. Nhưng rồi, nghĩ đến mẹ và các em nhỏ đang mong chờ, hy vọng vào kết quả kỳ thi của mình, em lại dằn lòng để bước tiếp,” cô bé chia sẻ.

Rồi chùng giọng, Phương bảo, chắc em sẽ nhớ mãi chuyến đi này.

Nhưng hành trình của Phương không chỉ kết thúc ở Hà Nội. Sau khi kết thúc đợt thi thứ nhất, Phương sẽ tiếp tục “khăn gói” về Hải Phòng dự thi đợt hai vào Đại học Hàng hải. Còn cả chặng đường dài phía trước nên mọi chi tiêu đều phải tính toán kỹ lưỡng. Với bữa cơm bụi đầu tiên ở đất Hà Nội, cô bé chỉ dám tiêu hơn 10.000 đồng.


Thí sinh làm thủ tục dự thi đại học. (Ảnh: TTXVN)

Giống như Phương, Nông Thị Hường (Lạng Sơn) cũng một mình vượt cả trăm cây số về Hà Nội. Đồng hành với Hường không phải là cha mẹ mà là một cô bạn học cùng lớp. “Về đến bến xe Mỹ Đình, chúng em chia tay nhau vì bạn ấy thi ở điểm trường khác,” Hường kể.

“Mọi thứ đều lạ lẫm. Em đã khóc ngay tại bến xe, cảm thấy như không thể bước đi được nữa, không phải vì mệt mà vì hoang mang, lo lắng,” cô học trò miền sơn cước xúc động nói.

Vẻ già dặn hơn so với tuổi hiện rõ trên gương mặt đen đúa, gầy gò của Hường. Em cho biết, nhà neo người nên suốt thời gian ôn thi, em vẫn giành nửa ngày phụ giúp gia đình công việc ruộng vườn.

Nếu đi hai người thì chi phí sẽ tăng gấp đôi. Trong khi đó, để em có tiền đi thi, mẹ đã phải bán toàn bộ số thóc gạo dự trữ trong nhà.

Không thể đưa con gái đi thi, đêm trước ngày Hường lên đường, mẹ em không ngủ. Mẹ kiểm tra lại nhiều lần túi hành lý của em, cẩn thận mua ba tấm bản đồ Hà Nội để vào đáy balô cho em.

Mặc dù trước đó đã xem bản đồ nhiều lần để hình dung trước về đường đi nhưng Hường bảo, mọi thứ trên thực tế hoàn toàn khác với em tưởng tượng ban đầu.  Người xe tấp nập. Em thấy mình lạc lõng.

“Khi em đang loay hoay, chưa biết hỏi ai thì các anh chị tình nguyện tới chỉ dẫn, đưa em tới địa điểm thi ở phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) và tìm nhà trọ miễn phí,” Hường chia sẻ.

“Nhớ đến ánh mắt đầy hy vọng của mẹ và lời dặn của cha lúc tiễn em lên đường ‘Phải học thì mới thoát nghèo con ạ,’ em càng quyết tâm đạt kết quả tốt trong kỳ thi này,” giọng nghẹn lại, Hường tâm sự.

Nói rồi, cô học trò nhỏ lại miệt mài lật giở những trang sách, căng mình trong những ngày nước rút trước kỳ thi.

Vietnam+

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Hạn hán ở Gia Lai gây thiệt hại gần 10 tỷ đồng

Bên cạnh 380ha cây trồng bị thiệt hại do hạn hán, tỉnh Gia Lai còn ghi nhận hàng trăm ha cây trồng khác đang thiếu nước và chưa thể thống kê đủ mức độ thiệt hại.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm