| Hotline: 0983.970.780

Một thời cây các cụ, con các cụ

Chủ Nhật 06/02/2011 , 10:24 (GMT+7)

Chiếc xe ô tô tải mui kín mít, luôn có người áp giải kè kè, chạy tung bụi mù trên con đường đê Văn Giang-Hà Nội. Ít ai ngờ trong chiếc xe đó chứa đựng một bí mật cả một lịch sử thú vị thời bao cấp.

Chiếc xe ô tô tải mui kín mít, luôn có người áp giải kè kè, chạy tung bụi mù trên con đường đê Văn Giang-Hà Nội. Ít ai ngờ trong chiếc xe đó chứa đựng một bí mật cả một lịch sử thú vị thời bao cấp.

Thời mà có những đơn vị chuyên trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà, nuôi cá nhưng phải đào hào thật sâu xung quanh như một “pháo đài” bất khả xâm phạm, phải có người canh gác cẩn mật vòng trong, vòng ngoài với một mục đích chuyên sản xuất thực phẩm cho cán bộ Trung ương…

Ngày xưa, chỗ này toàn trồng rau cấp cao.

Ông Nguyễn Đình Phi năm nay đã 84 tuổi vốn là cán bộ ở Quảng Ngãi tập kết ra Bắc năm 1955 đến năm 1959 được điều về Văn Giang trong phiên chế của Tập đoàn sản xuất miền Nam. Khi ấy vùng đất này bãi sậy ngút ngàn, cây cối um tùm, mênh mông đồng nước. Nòng cốt khai hoang, phá thạch là những cán bộ miền Nam ra tập kết. Họ được tập hợp thành Tập đoàn sản xuất miền Nam rồi Nông trường chăn nuôi Thống Nhất tiền thân của Trại Thực nghiệm Văn Giang sau này.

Ông Phi nhớ lại: “Mùa khô, khi chưa đào được giếng, không có nước ăn chúng tôi phải xuống cống Đông Tảo gánh về đánh phèn uống. Mùa mưa, nước dềnh lên, ngập lụt khắp chốn. Công nhân làm sạp tre, sạp nứa trên mặt nước rồi dựng lều, vệ sinh tại chỗ, múc nước ăn cũng tại chỗ. Lẫn trong bãi sậy có rất nhiều ngôi mộ vô chủ. Mỗi người chúng tôi được phát cuốc, phát cào mở đường, lập chuồng trại. Mấy chục con người quần quật trên diện tích rộng tới 70 ha nên nhiều người không chịu cực được phải bỏ về”.

Đơn vị hoạt động dưới sự quản lý của Ban chỉ đạo thống nhất Trung ương rồi Bộ Nông trường, Bộ Công an, Bộ Nội thương. Ban đầu Tập đoàn sản xuất miền Nam được thành lập với mục đích tự làm nuôi lấy nhau sau đó nhận nhiệm vụ bí mật cung cấp nguồn thực phẩm cho cán bộ trung ương. Một “pháo đài” bất khả xâm phạm được thiết lập với vành đai hào sâu 2-3 m, rộng 4-5 m ngập nước chạy vòng quanh vài cây số để ngăn ngừa mọi sự xâm nhập với những nhóm bảo vệ ngày đêm túc trực. Trong đơn vị, hàng loạt những tổ nuôi lợn, tổ nuôi cá, tổ nuôi ong, tổ nuôi gà, tổ nuôi chim câu, tổ làm tương, tổ sản xuất nước mắm…cũng dần được định hình.

Giống lợn nuôi ở Tập đoàn vẫn là giống phổ biến trong dân nhưng cung cách chăm sóc đã khác hẳn với chế độ ăn cao cấp hơn, toàn bằng cám nhà máy xay chứ không phải thứ cám nghiền bằng cối đá, lắm trấu, nhiều sạn. Để có loại cám này phải lấy ở các nhà máy xay ở huyện Yên Mỹ hay thậm chí tận Hải Phòng. Ngoài cám, lợn còn được bồi bổ bằng… sữa phế phẩm, sữa quá đát dành cho người. Người ta còn đào vô số ao, thả bèo làm rau nuôi lợn. Một loại men đặc biệt được Viện Thú y cung ứng về chưng cất, cấp cho các tổ chăn nuôi dùng ủ cám ngô, cám gạo. Dưới sự xúc tác của men trong vòng một ngày một đêm thức ăn sẽ thơm như rượu. Lợn ăn men đó chỉ có trơn lông, đỏ da, ngủ ngon, tiêu hóa kỹ. Có thể nói đây là một công nghệ, trình độ vượt bậc so với cách nuôi lợn chỉ cho một nhúm cám sống với cả đống rau băm vốn tồn tại phổ biến hồi đó.

Phần ăn đã thế, phần bảo vệ sức khỏe cho cả ngàn con lợn của trại cũng rất được chỉn chu. Khi mà những con lợn nuôi trong dân ngập trong phân cùng bùn đất dưới mái lá, giấy dầu tạm bợ thì trại đã có những ô chuồng kiên cố, ngày ngày được quét dọn 2-3 lần bằng máy bơm điện công suất lớn. Nền chuồng luôn khô ráo, mát mẻ. Thường trực chăm sóc sức khỏe cho lợn có đội quân 2-3 bác sĩ thú y thay nhau thăm khám. Con nào ốm yếu đem chữa trị. Con nào chết đem chôn đốt. Tuyệt đối không bao giờ có chuyện lợn gạo, lợn ốm tuồn ra ngoài.

Một góc hào sâu của Trại Văn Giang.

Ngày nào mổ lợn, cửa hàng thực phẩm trên phố Tôn Đản, Hà Nội lại điện về thông báo cho trại. Cứ theo lịch trình đã sắp sẵn, họ cho người đánh ô tô về lấy hàng. Lúc thì mổ tại chỗ lúc chở lợn sống đi. Ngoài lợn, trại còn sản xuất gà, cá, chim câu. Gà ăn cứ 8 lạng đến 1,2 kg là xuất. Chim câu được đem đi lúc mới ra ràng. Có những căn nhà chuyên nuôi chim với vô vàn chuồng lớn, chuồng nhỏ. Ở đó, lúc nào cũng líu ríu tiếng chim con đòi mồi, tiếng gù gù chim trống đạp mái hay tiếng phật cánh chim mới tập bay. Ngoài thóc là chủ lực, khẩu phần ăn của chúng thường xuyên được bổ sung thêm đậu xanh, đậu tương…

Thủy sản ở đây nuôi chủ yếu là cá quả, cá chép. Để nuôi cá quả, người ta phải nuôi thật nhiều rô phi tận dụng ưu điểm đẻ nhiều của chúng, lấy rô phi con làm thức ăn bổ sung ngoài tiêu chuẩn phân lợn, lợn con chết vẫn xả xuống ao hàng ngày. Thức ăn nhiều, cá lớn rất nhanh. Khi chúng được trên một cân mới bắt đầu xuất…

Con nuôi đã thế, việc trồng cây làm thực phẩm cấp cao cũng hết sức cẩn trọng. Ông Đào Đức Dược được điều về Trại sản xuất nông nghiệp Gia Lâm năm 1986 chỉ đạo một diện tích sản xuất rộng tới 103 ha. Ngay cả cái tên trại cũng cực kỳ chung chung, rất dễ trộn lẫn với vô vàn những cái tên khác để đảm bảo bí mật. Đằng sau cái tên vô thưởng, vô phạt ấy ẩn giấu một nhiệm vụ vô cùng quan trọng là sản xuất lương thực, thực phẩm với yêu cầu an toàn cực cao, cung cấp cho Ban Tài chính quản trị Trung ương. Mười hai tháng trong năm trại đều có đủ các loại rau từ muống, ngót, su hào, bắp, lơ, hành, cà tím đến nếp cái hoa vàng, lúa tám, đậu xanh, đậu tương…

Sau này, trại còn tiên phong trong việc nhập lợn giống Tân Cương (Trung Quốc) về cải tạo đàn giống nội. Chính con lợn quý giá này lúc động cỡn đã xông tới, đợp vào đùi một cán bộ thú y quê ở Quảng Ngãi. Vết cắn hiểm hóc trúng ngay động mạch chủ khiến các bác sĩ đành bó tay…

Yêu cầu chung khi trồng trọt không được sử dụng phân tươi và tưới bằng nguồn nước sạch. Cách bón phân cũng cầu kỳ. Phân hoai được trải bên dưới luống rau, lấp đất lên rồi cả quá trình chăm sóc không cần bón nữa mà chỉ tưới nước lã để hút ẩm, hòa tan từ từ dưỡng chất nuôi cây. Thuốc trừ sâu phải dùng loại ít độc hại nhất, cách ly đầy đủ. Khác hẳn cái thời cả nước quen phun thuốc hôm nay, ngày mai hái ra chợ. “Dưa lê vốn nhiều sâu nhưng không phun thuốc hóa học mà trại có cách BVTV vô cùng độc đáo. Các công nhân của tôi đem bột nếp ra quấy thành hồ nước rồi đổ ra đĩa. Ra đến ruộng, mỗi người tay cầm một đĩa hồ, tay cầm que tre, nhúng que xuống hồ rồi lăn vào mặt lá. Bao sâu bọ bị dính tất vào que được gạt xuống, bắt giết sạch. Cách bắt sâu thủ công và tỷ mẩn này đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người ăn quả. Chuối tiêu, đu đủ, cà chua trại sản xuất không dùng hóa chất để dấm mà cứ để chín tự nhiên. Su hào Hà Giang, củ thu hoạch lúc non, chỉ to bằng cái chén tống, vỏ mỏng tang, chưa kịp có một sợi xơ. Khi thu hoạch, công nhân túm lấy ngọn, lấy dao cắt gốc mà tuyệt nhiên không được sờ tay vào vỏ kẻo…mất đi lớp phấn mịn” - ông Dược hồi tưởng.

Một chiếc xe tô tô U oát tải được cấp cho trại chỉ để ngày ngày đưa rau lên Ban Tài chính quản trị Trung ương, ký sổ giao hàng. Mui chiếc xe được gia cố đặc biệt bằng chất liệu tôn rất dày, cửa khóa kín mít khiến mọi con mắt tọc mạch cũng không thể biết trong thùng xe chứa gì. Rau về tới nơi, sẽ được "Cục Hai" cử người nhặt sạch, cho vào bị cói, kẹp chì, trao tận nhà cán bộ có tiêu chuẩn. Tất cả hàng đưa lên đều được một bộ phận chuyên kiểm tra, phân tích chất lượng. Chỉ hôm sau đã có kết quả thông báo của hôm trước. Hết năm đều an toàn thì được khen thưởng. Những phần thưởng nhỏ thôi nhưng đáng mơ ước, thèm thuồng của thế hệ bo bo, bụng lép. Khi nửa gói mì chính Thiên Hương. Bận chai nước mắm Phú Quốc. Lúc cân đường. Dịp miếng vải Xơ- vi- ốt (loại vải ngoại tốt, bền có tiếng)… Hàng chục năm trời như vậy, không chuyến nào thực phẩm của trại bị tai tiếng, bị trả lại.

Ông Dược bảo: “Hồi đó, sao mà người ta sống tình nghĩa thế! Chúng tôi thu hoạch dưa lê chín bói được hai sọt to, mang biếu lãnh đạo. Mỗi người chỉ được 3 quả thôi nhưng ai cũng hỏi, thế đã biếu bà vợ ông Nguyễn Lương Bằng chưa. Khi đó, ông Nguyễn Lương Bằng nguyên là Phó Chủ tịch nước đã mất mà mọi người còn nhớ đến người thân của ông khi mình được biếu dưa. Đáng trân trọng cái tình, cái đức thời bao cấp”.

Xóa bỏ bao cấp một thời gian lâu lâu, Trại sản xuất nông nghiệp Gia Lâm mới chấm dứt hoạt động cung cấp thực phẩm bí mật, chuyển thành Viện Nghiên cứu Rau quả ngày nay. Cả một buổi chiều muộn. Vô vàn hồi ức. Vô vàn tình cảm trỗi dậy trong người ông già. Tôi hỏi ông Dược xem có tấm hình nào không nhưng ông bảo cả chục năm sản xuất trong vòng bí mật, không có một bức ảnh sản xuất nào. Ngay đến cả hội nghị, đại hội của trại, chuyện chụp ảnh cũng không bao giờ được nhắc tới. Chục năm hưu trí, mọi thứ đã dần chìm vào dĩ vãng ông, tới nay mới có một người đến hỏi chuyện, đến chia sẻ như vậy…

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm