| Hotline: 0983.970.780

Mùa điều vui

Thứ Sáu 08/04/2016 , 06:05 (GMT+7)

Nông dân trồng điều trên khắp các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nguyên đang “hái quả ngọt” khi cả năng suất và giá bán điều thô đều rất tốt.

Đặc biệt, nhiều hộ tham gia chương trình ghép cải tạo vườn của Hiệp hội Điều VN (Vinacas) đã bắt đầu cảm nhận được thành quả khi đặt niềm tin vào cách làm táo bạo này…

Có lẽ, chưa bao giờ người nông dân tại huyện Phú Riềng (mới tách ra từ huyện Bù Gia Mập), tỉnh Bình Phước lại nói nhiều về cây điều trong trạng thái phấn khích như thời điểm chính vụ này.

Đầu tháng 4, trong cái nắng nóng như đổ lửa, vợ chồng ông Hoàng Văn Dần (xã Long Tân) vẫn cười hể hả dẫn chúng tôi đi tham quan vườn điều ghép rộng 6ha đang cho thu hoạch rộ và vườn điều giống đang ươm 30.000 cây rộng mênh mông sát nhà.

Ông bảo: “Sản lượng năm nay chắc chắn sẽ đạt khoảng 20 tấn/6 ha, giá bán trung bình 33 triệu đồng/tấn, thu về vài trăm triệu chắc trong tầm tay”. Vợ ông đi kế bên thi thoảng lại tặc lưỡi tỏ vẻ tiếc hùi hụi: “Nắng nóng quá, chứ không phải thêm được vài tấn nữa đấy…!”.

Với kinh nghiệm làm điều ngót nghét 30 năm (từ 1987), vợ chồng ông Dần cảm nhận rất rõ giá trị của sự thay đổi về năng suất, sản lượng, cũng như chất lượng hạt điều trong thời gian vừa qua. Nhiều năm trước, ông đã tự mình nghiên cứu cách ghép cải tạo vườn điều bằng cách mang 50 cây cho năng suất, chất lượng thấp ra “thí nghiệm”.

Kết quả là sau hai năm, năng suất tại nhóm cây này cải thiện trông thấy, hạt ra nhiều, trái lớn, chắc, đẹp, tỷ lệ nhân thu hồi cao. Niềm tin về phương pháp ghép cải tạo vườn điều đã được chứng minh bằng thực tế.

Đúng thời điểm đó (năm 2014), Vinacas có chương trình hỗ trợ nông dân ghép cải tạo vườn, ông mạnh dạn đăng ký và “mạnh tay” cải tạo hơn 300 cây (trên tổng số 600 cây). Đến giờ thì năng suất toàn bộ 6 ha đã đạt trung bình trên 3 tấn/ha (trước đây chỉ đạt 1,5 - 2 tấn/ha), cộng thêm giá bán cao, vợ chồng ông đã “hái quả ngọt” ngay giữa tiết trời nắng hạn khốc liệt.

Để khẳng định hiệu quả của phương pháp cải tạo, vợ ông Dần mang ra một nắm hạt điều, xòe tay ra nói: “Trước đây phải hơn 200 hạt mới được 1kg, giờ chỉ trên 100 hạt là được 1kg rồi. Chú thấy không, hạt to thế này nhặt sướng lắm!”.

Rồi bà kể, ngày trước đến vụ thu hoạch điều, vợ chồng bà kêu người nhận khoán lượm hạt, nhiều người vào vườn lắc đầu bỏ đi vì thấy hạt bé, nhặt tốn thời gian, tiền công thấp. Còn bây giờ, hạt điều đã tăng rất rõ về kích cỡ, lượm rất nhanh, kêu họ vào khoán thì tranh nhau nhận rồi.

Tương tự, ông Hoàng Văn Quý (thôn 11, xã Long Hà) cũng tham gia chương trình hỗ trợ ghép cải tạo vườn điều của Vinacas từ năm 2014. Trước đây, ông không đầu tư nhiều bởi năng suất và giá bán điều đều rất thấp, trung bình chưa tới 2 tấn/2 ha, thu về chỉ 30 - 40 triệu đồng mỗi vụ.

Theo kinh nghiệm của ông Dần, sau khi ghép, khâu đặc biệt quan trọng là bà con cần theo dõi chăm sóc thật tốt để các chồi ghép sống và phát triển được. Nhiều người ghép xong không chịu chăm sóc, hoặc kỹ thuật áp dụng không đúng khiến nhiều cành ghép bị héo, chết. “Ghép chỉ là một khâu trong công đoạn cải tạo vườn điều, bà con phải tâm huyết, chịu khó học hỏi và luôn quan tâm chăm vườn thì mới cho kết quả cao được”, ông Dần nói.

Sau một thời gian nỗ lực cải tạo và chăm sóc vườn, vụ này ông khẳng định chắc nịch: “Chắc chắn sẽ được 3 tấn trên 2ha, với giá bán hiện tại sẽ thu khoảng 100 triệu, trừ hết chi phí cũng “bỏ túi” ít nhất 70 triệu đồng”.

Ông Quý cũng cho biết, những năm tới, khi các cành ghép trưởng thành, chắc chắn năng suất và chất lượng vườn điều sẽ còn tăng lên đáng kể. “Vợ chồng tôi và 3 cháu đều sống nhờ vào vườn điều này. Trước đây chỉ đủ ăn, còn giờ sẽ có dư để lo nhiều việc khác cho gia đình”, ông Quý vui vẻ nói.

Theo Th.S Đỗ Thành Trung, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phú Riềng, toàn huyện hiện có trên 20.000ha điều, năng suất trung bình khoảng 1,5 tấn/ha, sản lượng hàng năm trên 30.000 tấn.

Từ năm 2014, Vinacas thực hiện hỗ trợ chương trình ghép cải tạo vườn điều tại khu vực này và đã lan tỏa nhanh.

Do cải tạo tốt, tập trung thâm canh nên nhiều gia đình đã đạt năng suất 3 tấn/ha, thu khoảng 100 triệu đồng mỗi ha, “ăn đứt” cao su và cà phê” thời điểm hiện nay.

“Nhiều người trước đây thấy giá điều thấp chuyển hết sang trồng cao su, cà phê, giờ ngồi tiếc hùi hụi. Năng suất tăng, giá điều cao thế này, bà con ai cũng phấn khởi cả”, ông Trung nói.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.