| Hotline: 0983.970.780

Nước lũ đã về, đồng ruộng được tưới mát phù sa

Thứ Bảy 18/09/2021 , 01:39 (GMT+7)

ĐBSCL Dù nước lũ đã về nhưng vẫn còn thấp, lượng cá tôm trong tự nhiên chưa nhiều. Bà con vùng đầu nguồn đang mong chờ con nước sẽ tiếp tục lớn thêm.

Thời điểm này nước lũ về tràn đồng chủ yếu xuất hiện ở các khu vực đầu nguồn biên giới An Giang, Đồng Tháp và Long An. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thời điểm này nước lũ về tràn đồng chủ yếu xuất hiện ở các khu vực đầu nguồn biên giới An Giang, Đồng Tháp và Long An. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Từ ngày 17/9, nông dân sống và làm ruộng ở các huyện đầu nguồn tại các tỉnh An Giang, Long An và Đồng Tháp chia sẻ vui mừng vì sau nhiều ngày mong đợi, nước lũ đầu nguồn đã về tràn đồng, tưới mát phù sa cho nhiều diện tích đất khô cằn sau vụ canh tác lúa và hoa màu.

Thời điểm này, nước lũ về chủ yếu xuất hiện ở các khu vực đầu nguồn biên giới giáp với nước bạn Campuchia. Dự báo trong vài ngày tới, nước lũ sẽ về nhiều hơn và chảy dài xuống các vùng hạ lưu.

Anh Trần Văn Hải ở xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho hay: Nước lũ về tràn đồng hơn 1 tuần qua, so với thời điểm này năm ngoái thì mực nước thấp và về muộn hơn cả tháng. Tuy nhiên, việc nước lũ tràn ngập trên khắp các cánh đồng đã mang đến niềm vui cho nhiều nông dân trong khu vực.

Bởi sau canh tác, đất lúa và hoa màu làm cạn đi nguồn dinh dưỡng thì việc nước lũ về tràn vào đồng ruộng giúp bồi đắp thêm phù sa, đất được nghỉ ngơi và ngâm mình trong nước từ 1 - 2 tháng, cải tạo độ phì nhiêu và diệt trừ mầm sâu bệnh để vụ sau nông dân sản xuất nông nghiệp sẽ mang lại hiệu quả hơn.

Lũ đã về, nước vô tràn đồng, tưới mát phù sa cho nhiều diện tích đất khô cằn sau vụ canh tác lúa và hoa màu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Lũ đã về, nước vô tràn đồng, tưới mát phù sa cho nhiều diện tích đất khô cằn sau vụ canh tác lúa và hoa màu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Còn tại huyện đầu nguồn An Phú (An Giang), ông Nguyễn Văn Gấu ở ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu có 6ha đất sản xuất lúa cho biết: Gần 10 ngày qua, nước lũ đỏ ngầu từ thượng nguồn sông Mekong bắt đầu đổ về đã vào các kênh, sông và ngập tràn đồng ruộng lên cao khoảng đầu gối người, giúp nông dân đầu nguồn vô cùng phấn khởi.

Vụ lúa thu đông năm 2021, gia đình ông Gấu có 4ha xuống giống sản xuất lúa đều nằm trong đê bao kiểm soát lũ an toàn, thời điểm này lúa hơn 1 tháng tuổi. Riêng diện tích còn lại là 2ha ông Gấu không canh tác lúa thu đông mà cho tiến hành xả lũ lấy phù sa.

Theo người dân vùng đầu nguồn, ước lũ tràn đồng, bên cạnh mang đến phù sa cho đất lúa, cũng giúp bà con nông dân đầu nguồn có thêm thu nhập từ các nghề mưu sinh ăn theo con nước lũ, cải thiện cuộc sống trong những lúc nông nhàn. Ngay sau khi nước tràn đồng, nông dân cũng đã chuẩn bị xuồng, câu, lưới, dớn… để đánh bắt cá, tôm cải thiện bữa ăn gia đình.

Ngân dân đầu nguồn An Giang đánh bắt thủy sản mùa lũ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngân dân đầu nguồn An Giang đánh bắt thủy sản mùa lũ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Huỳnh Văn Đằng (64 tuổi ở xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu, An Giang cho biết: "Mấy ngày qua, thấy nước tràn đồng, tôi mừng trong bụng giữ lắm, vì mình có thể đi đặt dớn hay giăng lưới để kiếm cá ăn. Nếu có cá, tôm, cua nhiều thì mang đi bán để trang trải cuộc sống. Hiện nay tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, không làm gì được nên đâu có đồng ra đồng vào. Vì vậy bà con rất mong chờ lũ về giúp có thêm nghề mưu sinh”.

Tuy nhiên hiện nay, dù nước đã về nhưng vẫn còn thấp, lượng cá tôm trong tự nhiên chưa nhiều. Bà con vùng đầu nguồn đang mong chờ con nước sẽ tiếp tục lớn thêm để bắt đầu một mùa khai thác sản vật trời cho.

Ông Đằng có hơn 30 năm thâm niên đánh bắt cá mùa lũ, đối với ông từ mùa lũ 2019 trở về trước, nếu vào thởi điểm tháng 9 nước lũ ngập sâu trên đồng 1 - 2m (tùy nơi) cá tôm vô kể, trong đó nhiều nhất là cá linh. Vì vậy mỗi ngày mang lại thu nhập cho ông từ 1 - 2 triệu đồng. Còn năm nay, cố gắng lắm mỗi ngày ông chỉ kiếm được 100.000 - 200.000 đồng từ việc đánh bắt cá đồng.

Ông Huỳnh Văn Đằng (64 tuổi ở xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu – An Giang vui mừng khi đánh bắt được cá tôm trong mùa nước lũ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Huỳnh Văn Đằng (64 tuổi ở xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu – An Giang vui mừng khi đánh bắt được cá tôm trong mùa nước lũ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Sỹ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Vụ lúa thu đông 2021 ngành nông nghiệp An Giang lên kế hoạch dự kiến xả lũ 70.000 ha đất sản xuất nông nghiệp để lấy phù sa vào ruộng đồng, vừa vệ sinh cho đồng ruộng, cung cấp nước ngọt và phục vụ dân sinh vùng Tứ giác Long Xuyên và vùng hạ lưu theo hình thức “3 năm 8 vụ” cho tiến hành xả lũ một lần. Tuy nhiên theo dự báo, năm nay lũ về muộn hơn so với cùng kỳ và mực nước tương đương như năm rồi.  

Vì vậy, để vụ lúa thu đông 2021 An Giang thắng lợi vẹn toàn, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân chỉ xuống giống ở trong 699 tiểu vùng có đê bao kiểm soát lũ triệt để 100% với diện tích xuống giống trên 160.000ha toàn tỉnh. Ước năng suất lúa bình quân vụ thu đông đạt 6,2 tấn/ha, sản lượng ước đạt gần 1 triệu tấn.

Mực nước cao nhất trong 5 ngày tới có khả năng đạt mức từ BĐI

Ông Lưu Văn Ninh, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang cho biết: Dự báo mực nước lũ trên sông Tiền ngày 17/9 tại Thị xã Tân Châu là 2,25m, còn nước lũ trên sông Hậu tại TP Châu Đốc là 2,05m, tại sông Vàm Nao mực nước đạt 1.93m và tại TP Long Xuyên mực nước cao nhất trong ngày là 1.90m…

Trên sông Hậu tại Long Xuyên và trên rạch Ông Chưởng tại Chợ Mới, mực nước cao nhất trong 5 ngày tới có khả năng đạt mức từ báo động (BĐ) I đến dưới BĐII 0.05m. Khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên, tại Vọng Thê trên kênh Ba Thê và tại Núi Sập trên kênh Rạch Giá – Long Xuyên mực nước cao nhất có khả năng đạt mức xấp xỉ BĐI. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt: Cấp 1.

Dự báo, đỉnh lũ năm 2021 ở đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng từ BĐI - BĐII xuất hiện vào cuối tháng 9, đầu tháng 10. Trong khi đó, mực nước tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long do ảnh hưởng mạnh của thủy triều, đỉnh lũ năm nay tại các trạm hạ lưu dao động ở mức BĐII-BĐIII, một số trạm trên BĐIII…

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 3] Phát triển trang trại, gia trại

Bắc Kạn Chăn nuôi ở Bắc Kạn chuyển dần từ nông hộ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, gia trại, huy động doanh nghiệp có tiềm lực xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.