| Hotline: 0983.970.780

Mưa lụt lớn dồn dập cuối vụ mùa và hè thu, ứng xử thế nào

Thứ Ba 19/05/2020 , 06:17 (GMT+7)

Đẩy sớm lịch gieo cấy, hạn chế gieo thẳng, sử dụng giống ngắn ngày... Đó là kinh nghiệm trước vụ mùa 2020 được dự báo nắng hạn đầu vụ, mưa lụt dồn dập cuối vụ.

Các chuyên gia cho rằng cần đẩy sớm thời vụ gieo cấy, hạn chế tối đa gieo thẳng trong vụ hè thu, vụ mùa 2020. Ảnh: Lê Bền.

Các chuyên gia cho rằng cần đẩy sớm thời vụ gieo cấy, hạn chế tối đa gieo thẳng trong vụ hè thu, vụ mùa 2020. Ảnh: Lê Bền.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia: Mùa bão năm 2020 trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN).

Dự báo, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm 2020 có khả năng ở mức xấp xỉ so với TBNN.

Cụ thể: có khả năng xuất hiện khoảng 11 - 13 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 5 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng cuối năm 2020.

Về lượng mưa, khu vực Bắc Bộ dự báo tổng lượng mưa (TLM) vào tháng 6/2020 phổ biến ở mức cao hơn từ 10 - 25% so với TBNN (riêng khu vực Đồng bằng Bắc Bộ xấp xỉ so với TBNN). Tháng 10/2020, khu vực Đông Bắc và Đồng bằng Bắc Bộ có TLM dự báo cao hơn từ 10 - 25% so với TBNN. 

Ở khu vực Bắc Trung Bộ, tháng 6/2020, TLM phổ biến thấp hơn từ 10 - 25% so với TBNN. Tuy nhiên riêng tháng 10/2020, TLM dự báo ở mức cao hơn từ 10 - 25% so với TBNN. Khu vực Trung và Nam Trung Bộ tháng 6/2020 cũng dự báo TLM phổ biến thấp hơn từ 10 - 25% so với TBNN.

Tuy nhiên tháng 7 - 8 và tháng 10 - 11/2020, TLM phổ biến cao hơn từ 10 - 40% so với TBNN, gây lụt lớn nhiều nơi ở miền Trung.

Về nhiệt độ, trung bình từ tháng 6 - 9/2020 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn TBNN cùng thời kỳ khoảng 0,5 - 1 độ C... Các đợt nắng nóng có khả năng tập trung cuối tháng 5 - 7/2020 ở Bắc Bộ, từ nửa cuối tháng 5 - 8/2020 tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.

Như vậy với dự báo này, vụ hè thu, vụ mùa tại các tỉnh phía Bắc nhiều khả năng sẽ có nguy cơ nắng hạn đầu vụ, mưa lớn cuối vụ.

Trao đổi với NNVN, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhận định: xu hướng thời tiết có khả năng nắng hạn đầu vụ, mưa lớn cuối vụ trong vụ hè thu, vụ mùa tại các tỉnh phía Bắc năm 2020 là phù hợp với đặc thù đối với năm nhuận (nhuận hai tháng tư) như năm nay.

Với những năm có diễn biến thời tiết như vậy, vụ hè thu và vụ mùa 2020 tại các tỉnh phía Bắc nhiều khả năng sẽ đối mặt với nhiều điều kiện bất thuận.

Vì vậy, kinh nghiệm cho thấy đối với những năm có đặc thù thời tiết này, việc chỉ đạo sản xuất lúa tại các tỉnh phía Bắc cần phải có những quyết sách sớm, theo đó tập trung vào một số nhóm giải pháp:

Một là các tỉnh phía Bắc cần sớm tổ chức cho nông dân triển khai thu hoạch dứt điểm sớm nhất có thể đối với lúa vụ đông xuân 2020 nhằm sớm giải phóng, làm đất kỹ để sẵn sàng cho việc gieo cấy lúa vụ hè thu và vụ mùa. Thời vụ gieo cấy lúa vụ hè thu, vụ mùa phía Bắc cần đẩy lên càng sớm càng tốt.

Đồng thời, tập trung mạnh việc chăm sóc lúa giai đoạn đầu vụ nhằm rút ngắn tối đa thời gian sinh trường của lúa. Điều này sẽ giúp thời điểm lúa giai đoạn thu hoạch cuối vụ tránh được các nguy cơ rủi ro thiệt hại do mưa bão, ngập lụt, đồng thời xa hơn là chuẩn bị sớm để giải phóng đất chuẩn bị cho sản xuất vụ đông.

Thứ hai, để đảm bảo yêu cầu này, trong cơ cấu giống lúa vụ hè thu, vụ mùa 2020, cần ưu tiên trước hết cho các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, sinh trưởng nhanh, cây khỏe, ít bị gãy đổ.

Trong cơ cấu giống lúa, cũng cần ưu tiên cho các giống lúa chống chịu tốt với sâu bệnh, đặc biệt là đối với bệnh bạc lá, bởi điều kiện mưa bão cuối vụ với đặc thù thời tiết được dự báo như năm nay sẽ càng có nguy cơ cao đối với bệnh bạc lá, vốn là bệnh rất nguy hiểm trong vụ mùa. Các giống lúa chất lượng nhưng dễ nhiễm sâu bệnh (ví dụ Bắc thơm 7) mà chưa có gen kháng bạc lá, thì nhất quyết không khuyến cáo đưa vào sản xuất.

Ba là về giải pháp canh tác, cần hạn chế tối đa đối với hình thức lúa gieo thẳng, mà tập trung cho việc cấy bằng mạ. Kinh nghiệm nhiều năm gần đây cho thấy đối với vụ mùa, vụ hè thu nhiều mưa bão cuối vụ, việc gieo thẳng vừa mất nhiều công tỉa dặm, vừa khiến thời gian sinh trưởng của lúa bị kéo dài, dễ gặp mưa bão cuối vụ. Bên cạnh đó, lúa gieo thẳng cũng có nhược điểm như bộ rễ yếu, cây yếu, dễ gãy đổ hơn so với lúa cấy.

Để đảm bảo lúa cứng cây, khỏe, sinh trưởng nhanh, trong chăm bón cần ưu tiên bón phân hỗn hợp NPK cân đối, bổ sung thêm kali để giúp lúa khỏe và giảm nguy cơ sâu bệnh...

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.