Mấy chục năm qua cứ mỗi độ tết đến xuân về, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) lại có một vụ quýt hồng. Nhiều gia đình trồng quýt hồng không khỏi vui mừng, thấp thỏm chờ ngày bán, người không trồng quýt cũng vui lây trước sự nhộn nhịp của vụ mùa. Đặc biệt hiện nay, địa phương có hơn chục nhà vườn mở cửa đón khách tham quan đến từ mọi miền đất nước làm cho làng quê trở nên rộn rã hơn.
Ngoài mua bán quýt hồng, nhiều nông sản khác cũng có dịp được giới thiệu đến du khách gần xa. Trước Tết Giáp Thìn, huyện vừa đón nhận Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao - Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “nghề làm nem” Lai Vung và tổ chức thành công. Chính vì điều đó đã khiến cho Đảng bộ, chính quyền và người dân Lai Vung đón Tết trong niềm vui, tự hào và tự tôn về quê hương mình.
Nhưng rồi Tết qua đi, mùa quýt cũng qua đi, vậy điều gì còn đọng lại? Năm nay, sản lượng quýt hồng giảm khoảng 10% so với vụ mùa năm trước do thời tiết cực đoan. Nhưng số lượng khách du lịch đổ dồn về Lai Vung thăm vườn ngắm quýt đón Xuân Giáp Thìn không sụt giảm mà có chiều hướng tăng, khoảng 10%.
Điều đặc biệt hơn, chất lượng trái cây phục vụ Tết nói chung và sản phẩm quýt hồng nói riêng không ngừng được chăm chút, cải thiện và an toàn hơn, do đó giá nông sản, nhất là quýt hồng tăng đến hơn 12% so với vụ trước. Năm nay, thật vui khi đã làm “đảo lộn” truyền thống “chợ Tết hết giá bán”, càng về những ngày cuối năm, giá quýt hồng lại tăng lên từng ngày. Đặc biệt những vườn có chất lượng tốt, giá bán đến sáng ngày 30 tết đạt mức 80.000 đồng/kg, có lẽ đây là giá cao mà nhà vườn ít ai nghĩ tới.
Đó là gì? Là thực tiễn chứng minh cho kết quả của quá trình phấn đấu bằng tất cả quyết tâm, khát vọng và niềm tin được xây dựng nên từ sự thiện lương cùng với tinh thần cần cù chăm chỉ của Đảng bộ, Chính quyền và người nông dân trên quê hương này. Sản lượng quýt hồng cả huyện bao nhiêu đã không còn là mục tiêu duy nhất được hướng đến mà là sản phẩm quýt hồng có đạt đến tầm giá trị thực chất hay chưa?
Sau 9 tháng miệt mài chăm sóc, người Lai Vung đã thấu hiểu dần nếu mùa quýt là khát vọng của người trồng thì trái quýt phải là niềm tin của người tiêu dùng từ mọi miền đất nước. Giá trị đó không chỉ là sự an toàn của nông sản mà còn là giá trị của tình người Lai Vung muốn gửi gắm hy vọng mùa quýt mang lại hạnh phúc cho người trồng, hạnh phúc cho người tiêu dùng. Chỉ bấy nhiêu đó thôi nhưng phải đánh đổi bằng một hành trình suốt chặng đường gần 10 năm theo đuổi.
Mùa quýt đi qua, năm cũ khép lại nhưng hiện tại và tương lai đã mở ra con đường mới tươi sáng, an toàn, vững niềm tin hơn. Đó là nhận thức người nông dân đã thật sự bước vào thay đổi và chuyển đổi. Chuyển đổi nhanh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, xây nền móng cho con đường nông nghiệp hữu cơ, xây dựng niềm tin và giá trị của một sản vật đặc thù gần một thế kỷ qua với nhiều thăng trầm mấy độ, để trong từng trái quýt Lai Vung luôn đậm vị tình người.