| Hotline: 0983.970.780

Muôn nẻo mưu sinh mùa nước nổi

Thứ Tư 12/10/2022 , 23:53 (GMT+7)

ĐỒNG THÁP Năm nay, lũ ở ĐBSCL cao hơn mọi năm. Các hoạt động đánh bắt thủy sản mùa lũ của bà con ở Đồng Tháp vì vậy cũng rất sôi động.

Đánh bắt, khai thác nguồn lợi thuỷ sản trong mùa nước nổi là nghề rất đặc thù để mưu sinh của người dân miền Tây Nam Bộ, nhất là ở vùng Đồng Tháp.

Tằng tằng kiếm 200 nghìn đồng/ngày

Mùa nước nổi năm nay đang tràn ngập trên các cánh đồng ở các huyện, thành phố đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp. Năm nay, nước lũ về cao hơn những năm gần đây, nước trên đồng mênh mông, mực nước có nơi ngập tới lưng quần, có nơi trên ngực người lớn… Các phương tiện xuồng, ngư cụ được người dân sử dụng để đánh bắt và khai thác cá, tép, lươn, ếch, cua, ốc…

Empty

Mùa lũ năm nay nước lớn nên nghề đánh bắt của bà con sôi động hơn mọi năm. Ảnh: Trọng Trung.

Nghề thả lưới, giăng câu, đặt lờ, lọp, trúm, xà di, dớn… mùa nước nổi vừa đơn giản, vừa tiện lợi, ít tốn kém mà lại hiệu quả. Chỉ cần có một chiếc xuồng và vài trăm mét lưới, dàn câu, hàng chục ống trúm, xà di, lọp, lờ… mỗi đêm cũng kiếm được vài ba ký cá, lươn, ếch là chuyện bình thường. Từ cuối tháng 8/2022 đến nay, nhiều người dân ở huyện Tam Nông đã sử dụng ngư cụ đánh bắt thủy sản để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, cải thiện cuộc sống lúc nông nhàn.

Vợ chồng bà Bùi Thị Chinh và ông Trần Thanh Phương ở xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông đã chuẩn bị cả chục cái dớn có mắc lưới thưa để đặt bắt thủy sản. Bà Chinh cho biết: Với hơn 10 cái dớn đặt trên đồng ngập nước mênh mông, cách một, hai ngày đi đổ dớn một lần, vợ chồng bà bắt cũng được trên 10kg cá, tép, ốc, cua đồng. Lần nào trúng kiếm cũng được trên 20kg cá, tép, ốc, cua đồng các loại, có khi còn bắt được những con lươn, ếch, rắn lớn.

Những loại thủy sản sau khi bắt được, vợ chồng bà Chinh chọn những con cá, tép lớn bán cho thương lái với giá vài chục đến cả trăm ngàn đồng một ký; còn những con cá, tép nhỏ bán cho những hộ nuôi cá lóc, cá trê… để làm mồi, với giá bình quân 5.000 đồng/kg, thu nhập cho gia đình mỗi ngày từ 200.000 đồng trở lên.

Empty

Chỉ cần có một chiếc xuồng và vài trăm mét lưới, người dân đã có thể kiếm vài trăm nghìn đồng/ngày. Ảnh: Trọng Trung.

Còn ông Huỳnh Văn Me ở xã Hòa Bình, huyện Tam Nông sắm 500m lưới giăng trên dòng kênh Phước Xuyên phía sau nhà, mỗi ngày ông bắt được từ 5 - 7kg cá các loại. Ngày nào trúng, ông Me bắt được trên 10kg, thu nhập từ 200.000 đồng trở lên, vừa cải thiện bữa ăn trong gia đình, vừa có đồng ra đồng vào lúc nông nhàn.

Mùa nước nổi thấp năm nay, vợ chồng anh Lê Văn Tín ở xã Phú Thọ ủ hơn 30 ụ cỏ, năng, lục bình dọc dài bên cạnh bờ đê nước đã ngập. Sau khi ủ từ 3 - 5 ngày, vợ chồng anh Tín bơi xuồng đến các ụ dùng vợt đưa xuống dưới nước, kéo ụ cỏ, năng, lục bình vào trọn trong vợt. Sau đó, dùng tay bốc hết các loại cỏ, năng, lục bình ra ngoài và chất lại ụ mới, còn lại dưới đáy vợt là những con lươn, cá, cua, ốc các loại… Trung bình 3 - 5 ngày, ông Tín lại đi xúc ụ bắt lươn một lần vào lúc sáng sớm.

Với 30 ụ lươn, mỗi lần đi xúc, vợ chồng anh Tín thu được từ 2 - 3kg lươn, cá các loại. Lần nào trúng kiếm cũng chỉ được 5kg lươn, cá. Sau đó, vợ chồng anh Tín phân loại lươn nhỏ bán cho thương lái thu gom để bán lại cho những hộ nuôi lươn, còn lươn lớn và cá đem bán cho bạn hàng ở chợ… Thu nhập vợ chồng anh Tín trong mùa nước nổi đều đều vài trăm ngàn đồngngày.

Empty

Người dân đi đặt bẫy cua. Ảnh: Trọng Trung.

Vợ chồng anh Tuấn ở xã Phú Thành A thì chuyên sử dụng xe gắn máy thu gom lươn giống của những người đặt trúm, xúc ụ… chở đi bán cho những hộ nuôi lươn trong bồn xi măng, với giá dao động 100.000đ/kg.

Anh Tuấn cho biết: “Lươn giống năm nay ít, giá bán thấp hơn năm rồi từ 3.000 - 5.000đ/kg. Nguyên do là lươn giống tự nhiên khan hiếm, người nuôi đặt mua lươn giống ít. Bây giờ, người nuôi thường đặt mua lươn giống sinh sản nhân tạo. Vả lại giá lươn thương phẩm trên thị trường đang giảm thấp…”.

Vất vả mưu sinh 

Vợ chồng ông út Quận và bà Nhỏ ở xã An Long từ sáng đến trưa dầm mình trong đồng nước, dùng vợt lưới bắt ốc bươu vàng để làm mồi nuôi lươn trong bồn xi măng. Bà Nhỏ từ tốn bày tỏ: “Vào mùa nước nổi hằng năm, cứ đều đặn mỗi ngày, vợ chồng tôi bắt được cả trăm kg ốc bươu vàng đem về rửa sạch rồi luộc chín làm mồi nuôi lươn. Năm nay, cua ốc ít, cả nửa ngày vợ chồng tôi chỉ bắt được có 30kg ốc bươu vàng, không đủ mồi nuôi lươn nên phải đặt mua của những người bắt ốc với giá 3.500đ/kg”.

Empty

Các chủ cơ sở thu mua lương cho bà con. Ảnh: Trọng Trung.

Ông Tư Thanh ở xã Phú Thành B cùng đứa con trai tên Thành, từ sáng đến trưa dầm mình trong đồng nước mò ốc, bắt cua, kéo lưới cá để kiếm cái ăn qua ngày. Ông Thanh chia sẻ: “Mỗi ngày, cha con tôi bắt cũng được 1kg cá, vài ký cua, ốc có tiền mua gạo. Hái mớ rau muống, bông súng, bông điên điển cũng xong bữa ăn. Như vậy là may lắm rồi. Nhờ có mùa nước nổi, với những cánh đồng chưa có đê bao, còn có con cua, con ốc dù bán cho những chủ nuôi cá, nuôi lươn chỉ vài ngàn đồng một kg nhưng cũng có ít tiền mua gạo, muối…”.

Những người đánh bắt, khai thác thủy sản mùa nước nổi thường chọn những cánh đồng chưa có đê bao, nước lũ ngập tràn để hành nghề. Mùa nước nổi năm nay lúa có giá nên không ít nông dân mở rộng canh tác lúa thu đông. Chỉ những nơi không có bờ bao, các địa phương chủ trương xả lũ lấy phù sa cho đất thì cá, tép, cua ốc… theo đó mới vào đồng nhiều, người dân mang ngư cụ đánh bắt và khai thác nguồn lợi thuỷ sản.

Empty

Mùa nước nổi là bức tranh sôi động của bà con vùng lũ. Ảnh: Trọng Trung.

Ở đây, xuồng lớn, xuồng nhỏ, người bơi, kẻ lội nước thả lưới, giăng câu, đặt lờ, lọp, trúm, xà di, dớn… rất đông. Ven bờ, rải rác các ụ nhỏ bằng cỏ, lục bình, với mồi trùn, cua, ốc thúi để dẫn dụ lươn, ếch. Bên cạnh đó, còn có người đi soi ếch, mang theo giỏ, bao, đèn pha, nơm…

Trời tối, người đi soi thường tìm tới những nơi có vũng nước đọng, hố lá, đìa, bàu… và có tiếng ếch kêu nhiều. Sau đó, tắt đèn ngồi rình. Những con ếch bắt cặp say sưa kêu lục cục, người soi bước nhẹ nhàng đến mở đèn lên ra tay bắt từng cặp ếch bỏ vào giỏ. Nếu ếch lặn xuống nước thì dùng nơm chụp. Chỉ cần soi vài giờ là bắt được vài kg ếch, vừa cải thiện bữa ăn, vừa kiếm thu nhập cho gia đình.

Nguồn lợi thủy sản mùa nước nổi giúp bà con mưu sinh. Ảnh: Trọng Trung.

Nguồn lợi thủy sản mùa nước nổi giúp bà con mưu sinh. Ảnh: Trọng Trung.

Sinh hoạt đồng nước vào mùa nước nổi là một hoạt động thường niên, xuất hiện từ lâu đời ở vùng nông thôn Đồng Tháp. Dù mùa nước nổi lớn hay nhỏ, dù đồng ruộng có nước nổi ngập tràn hay đã làm đê bao tăng vụ, nhưng nghề câu, lưới, lọp, lờ, trúm, dớn… đánh bắt và khai thác thủy sản trong mùa nước nổi vẫn là hoạt động khá hấp dẫn và là cách mưu sinh độc đáo của người dân miền sông nước đồng bằng Cửu Long.

Xem thêm
Thu tiền tỷ mỗi năm từ mô hình nuôi tảo xoắn

Đà Nẵng Sản phẩm từ tảo xoắn của cô gái trẻ ở TP Đà Nẵng hiện không chỉ có mặt ở nhiều tỉnh, thành lớn trong nước mà còn xuất khẩu.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.