| Hotline: 0983.970.780

Muốn tránh GMO hãy ăn thịt thú rừng, bắt cá tự nhiên

Thứ Ba 09/05/2017 , 13:39 (GMT+7)

Gần 20 năm qua, Việt Nam đã làm quen với GMO (sản phẩm biến dổi gen) qua số lượng nhập khẩu ngô, đậu tương cứ tăng dần. Cho đến 2016 ta nhập trên 7 triệu tấn ngô, 5 triệu tấn khô dầu, 1,5-2 triệu tấn đậu tương hạt...

Lịch sử nhập khẩu

Đàn lợn đói trong chuồng nhà chị Ngô Thị Yến ở xã Đồng Tân (Hiệp Hòa, Bắc Giang) chợt nhất loạt chồm chân lên bờ tường, đứng thẳng khi đánh hơi thấy mùi “cám cò” thơm phức trên tay chủ nhân. Kể cả khi giá thịt có xuống dốc không phanh như hiện nay, cám công nghiệp vẫn là thứ không thể thiếu được với các giống lợn lai kinh tế bởi nếu không lông xù, bụng ỏng, nuôi mãi không lớn được mà có thể sinh bệnh và chết.

11-11-15_dsc_6975
Đàn lợn nhà chị Yến

Ngót 20 năm nay con lợn Việt Nam đã quen ăn “cám cò” đồng nghĩa với cũng gần chừng ấy thời gian chúng quen với thức ăn có nguồn gốc biến đổi gen (GMO) nhập ngoại. Giờ đây không còn mấy ai chăm lợn kiểu băm bèo, thái chuối, nấu cám như xưa nữa. Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam với lượng 100 hội viên, chiếm 60-70% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi của cả nước.

Ông Lê Bá Lịch-Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam kể: Năm 1992, ta đã bắt đầu nhập khẩu ngô, đậu tương với số lượng khoảng vài trăm ngàn tấn để chế biến thức ăn chăn nuôi. Đến năm 1996, cán mốc con số 1 triệu tấn/năm, chủ yếu từ các nước như Brazil, Argentina, Mỹ. Thời điểm 1999-2000, khi Việt Nam đã phải nhập vài triệu tấn ngô, khô dầu đậu tương thì tôi mới biết về cây trồng biến đổi gen (GMO) do FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc) đưa cho tài liệu để đọc.

Gần 20 năm qua, Việt Nam đã làm quen với GMO qua số lượng nhập khẩu ngô, đậu tương cứ tăng dần. Cho đến 2016 ta nhập trên 7 triệu tấn ngô, 5 triệu tấn khô dầu, 1,5-2 triệu tấn đậu tương hạt (Chủ yếu dành cho mục đích ép dầu, một số dùng để chế biến ăn trực tiếp). Từ đó phối trộn ra 21-23 triệu tấn thức ăn chăn nuôi mỗi năm. Lượng thức ăn này giúp Việt Nam mỗi năm sản xuất ra trên 1 triệu tấn thịt lợn xẻ, 1 triệu tấn thịt gia cầm, 1 tỉ quả trứng gà, 600-700.000 tấn sữa và hàng trăm ngàn tấn thủy sản các loại.

11-11-15_img-20151102-00813
Cảnh chở các bao đậu tương biến đổi gen GMO
CP hiện là công ty thức ăn chăn nuôi có sản lượng lớn nhất Việt Nam với trên 3 triệu tấn/năm. Ước tính 70-80% nguyên liệu phải nhập ngoại mà nhất là ngô và khô dầu, chủ yếu từ những nước có GMO.

Những công ty chế biến thức ăn chăn nuôi có sản lượng lớn như CP trên 3 triệu tấn, Masan (chiếm cổ phần lớn trong các công ty Proconco, Anco) khoảng trên 1,5 triệu tấn, Dabaco khoảng 500.000 tấn, Vina khoảng 500.000 tấn, Lái Thiêu khoảng 300-400.000 tấn…chính là những nơi nhập khẩu nhiều nguyên liệu GMO nhất.
 

Thức ăn GMO đã “phủ sóng” hết lượt

GS-TS Lê Huy Hàm-Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp thì cung cấp thông tin về những nước xuất khẩu ngô, đậu tương hàng đầu thế giới như sau: Mỹ đậu tương biến đổi gen chiếm 93%, ngô biến đổi gen chiếm 90%, Brazil đậu tương biến đổi gen chiếm 92%, ngô biến đổi gen chiếm 81%, Argentina đậu tương biến đổi gen chiếm 100%, ngô biến đổi gen chiếm 95%, Canada đậu tương biến đổi gen chiếm 95%, ngô biến đổi gen chiếm 95%.

Gần như các nước nhập khẩu không có sự lựa chọn nào khác vì nếu yêu cầu nhập đậu tương hay ngô lai thông thường thì giá cả sẽ phải đắt lên từ 100-150 euro/tấn, điều đó là phi kinh tế. Vả lại dù có muốn đặt giống không GMO đi chăng nữa cũng bất khả thi vì những nước xuất khẩu chính hầu như không còn trồng giống lai thông thường nữa.

Theo ông Lê Bá Lịch, Đông Nam Á cũng đều nhập ngô, đậu từ những nước biến đổi gen: Tôi đi họp Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Đông Nam Á năm 2014 và 2016 thấy các nước đều báo cáo phải nhập khẩu ngô, khô dầu từ Nam Mỹ (tức là các nước chủ yếu trồng GMO) nhưng chưa có nước nào có tài liệu nói về ảnh hưởng của GMO đến chất lượng thịt, trứng, sữa của gia súc, gia cầm, thủy sản rồi tác động đến sức khỏe con người khi tiêu thụ.

11-11-15_dsc_7959
Ông Lê Bá Lịch- Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam

Vậy là con lợn, con gà, con vịt, con bò Việt Nam đã trực tiếp ăn các sản phẩm GMO được gần 20 năm, con người cũng ăn gián tiếp từ thịt, trứng, sữa của chúng chừng ấy thời gian. Những ai cực đoan, muốn tránh GMO hoàn toàn, theo ông Lê Bá Lịch thì phải không uống sữa, không ăn trứng, không ăn thịt, không ăn cá nữa mà chỉ ăn thịt thú rừng, đánh cá sông, cá biển.

“Trong gia đình tôi, con cái vẫn thỉnh thoảng mua “lợn cắp nách” hay gửi tiền về quê mua mấy con lợn nội Móng Cai rồi thuê người nuôi bằng cám, bằng rau bèo để thịt chia nhau. Chúng cũng đặt mua trứng gà quê ăn lúa nhưng đến sữa thì không có sự lựa chọn nào nữa rồi vì không thể tự nuôi bò. Tỷ lệ các gia đình như kiểu con tôi chỉ chiếm vài % trong xã hội. Và kể cả cầu kỳ đặt hàng như thế cũng chỉ một năm được dăm ba lần còn vẫn phải mua thịt, trứng, sữa từ chợ, siêu thị nghĩa là vẫn phải gián tiếp sử dụng GMO. 

11-11-15_dsc_4016
Cảnh bán thịt ở một làng quê

Xem thêm
Xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại Quảng Yên

QUẢNG NINH 12 con lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được tiêu hủy, thị xã Quảng Yên đang khoanh vùng, dập dịch.

Xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật rộng đường

TÂY NINH Ngày 18/5, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.

Tập huấn giúp nông dân bớt mông lung về canh tác lúa giảm phát thải

CẦN THƠ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai tập huấn cho nông dân tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao về giải pháp kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải.