Triều Tiên đang đẩy mạnh phát triển chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân |
Mỹ - Hàn tập trận
Động thái của Mỹ và Hàn Quốc diễn ra chỉ một tuần sau khi Triều Tiên thực hiện vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15, với tầm bắn được khẳng định có thể chạm tới mọi vị trí trên lãnh thổ Mỹ. Reuters cho hay cuộc tập trận mang tên Vigilant Ace, diễn ra từ ngày 4 - 8/12, với sự tham gia của 12.000 binh sĩ Mỹ. Quân số này gần bằng một nửa lực lượng Mỹ hiện duy trì ở Hàn Quốc, khoảng 28.500 lính.
Liên quân Mỹ - Hàn đã huy động 230 máy bay từ 8 đơn vị quân sự của đôi bên, trong đó gồm 6 chiến đấu cơ F-22 Raptor, 6 chiếc EA-18G Growler, hàng chục chiếc F-15C, F-16 và các phi cơ F-35. Phát ngôn viên quân đội Mỹ tại Hàn Quốc nói đây là cuộc tập trận có số lượng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 tham gia nhiều nhất. Một số nguồn tin còn cho biết, tham gia tập trận có cả oanh tạc cơ B-1B Lancer, nhưng phía Mỹ không xác nhận. Cuộc tập trận nhằm tăng cường khả năng tác chiến trên không, đảm bảo hoà bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên, theo phát ngôn viên của Mỹ. Chương trình tập trận đồng thời bao gồm cả các hoạt động diễn tập tấn công chính xác những cơ sở hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên.
Trước đó, Triều Tiên đã ra thông báo phản ứng quyết liệt cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc. Bình Nhưỡng tuyên bố Mỹ đang “cầu xin chiến tranh hạt nhân” và sẽ có hành động đáp trả thích đáng.
Nguy cơ chiến tranh tăng từng ngày
Theo giới quan sát, vụ thử tên lửa Hwasong-15 mới đây của Triều Tiên một lần nữa cho thấy, Bình Nhưỡng chưa bao giờ có ý định từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa của mình. Thống kê cho thấy từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền, Triều Tiên đã thực hiện số vụ phóng tên lửa vượt cả thời ông nội và cha, hai nhà cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il. Chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, như đánh giá của giới chuyên gia, đã có những bước tiến rất nhanh chóng, đủ khả năng đe doạ Mỹ.
Áp lực quốc tế do Mỹ tạo nên dường như là chưa đủ để giới lãnh đạo Bình Nhưỡng dừng tay. Trong bối cảnh trên, Washington đang phải đứng trước điểm quyết định mang tính bước ngoặt, bao gồm cả khả năng phải sử dụng tới giải pháp quân sự. Khá nhiều ý kiến cứng rắn trong giới chính trị Mỹ đã đề cập tới tình huống phát động chiến tranh với Triều Tiên.
AFP hôm qua dẫn lời thượng nghị sĩ Lindsey Graham cảnh báo, Mỹ đang tiến rất gần tới khả năng “tấn công phủ đầu” nhằm vào Triều Tiên. Trên chương trình “Face the Nation” của đài CBS, ông
Graham tuyên bố Triều Tiên nên sẵn sàng cho việc hứng chịu những phản ứng mạnh mẽ của Mỹ. Tuyên bố này của ông Graham đồng nhất với cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R McMaster. Hồi tuần trước, tại Diễn đàn An ninh quốc gia
Reagan ở California, ông McMaster đã tuyên bố, Triều Tiên là mối đe doạ đối với Mỹ. Trả lời về khả năng xảy ra xung đột với Triều Tiên, ông McMaster đã cho biết: “Tôi nghĩ nó đang tăng lên từng ngày…”.
Theo SCMP, không giống dưới thời 2 nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il, Triều Tiên khi ông Kim Jong-un nắm quyền có vẻ như không còn muốn chịu sự kiềm toả của Trung Quốc. Đây là lý do khiến cho cuộc khủng hoảng ở bán đảo liên Triều khó đàm phán hơn. Không giống cha và ông nội, ông Kim Jong-un từ khi lên nắm quyền chưa từng tới Bắc Kinh. Việc Trung Quốc chưa ngả hẳn về phía Mỹ, theo giới phân tích, có thể đến từ 2 lý do. Đầu tiên, Triều Tiên là “vùng đệm” đảm bảo cho an ninh biên giới của Trung Quốc và thứ 2, Bắc Kinh có thể không tin tưởng ông Kim Jong-un, nhưng càng không có vẻ gì là muốn tin vào ông Donald Trump.