Mexico xác nhận chính phủ Hoa Kỳ đã đình chỉ tất cả nhập khẩu bơ từ Mexico sau khi một thanh tra về an toàn thực vật của Hoa Kỳ tại Mexico nhận được một lời đe dọa.
Xuất khẩu bơ là nạn nhân mới nhất của cuộc chiến giữa các băng đảng ma túy và nạn tống tiền những người trồng bơ ở bang Michoacan, bang phía tây Mexico, bang duy nhất ở Mexico được phép xuất khẩu đầy đủ sang thị trường Mỹ.
Bộ Nông nghiệp Mexico cho biết chính phủ Mỹ đã đình chỉ tất cả nhập khẩu bơ Mexico cho đến khi có thông báo mới.
"Các cơ quan y tế Hoa Kỳ... đưa ra quyết định sau khi một trong các quan chức của họ, người đang tiến hành kiểm tra ở Uruapan, Michoacan, nhận được một tin nhắn đe dọa trên điện thoại di động chính thức của mình", Bộ Nông nghiệp Mexico viết.
Lệnh cấm nhập khẩu được đưa ra vào ngày Hiệp hội đóng gói và trồng bơ Mexico công bố quảng cáo giải Super Bowl (Siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ) cho năm nay. Các nhà xuất khẩu Mexico đã đưa ra các quảng cáo đắt tiền trong gần một thập kỷ để nỗ lực liên kết guacamole (sốt trái bơ) như một truyền thống của giải Super Bowl.
Quảng cáo năm nay cho thấy Julius Caesar và một nhóm người hâm mộ đấu sĩ bên ngoài đấu trường có vẻ giống Đấu trường La Mã, xoa dịu hình ảnh bạo lực bằng cách thưởng thức guacamole và bơ.
Hiệp hội đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về lệnh cấm, vốn ảnh hưởng đến ngành công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu hàng năm gần 3 tỷ USD. Tuy nhiên, bơ phục vụ cho giải Super Bowl năm nay đã được xuất khẩu trong vài tuần trước khi sự kiện diễn ra.
Bởi vì Hoa Kỳ cũng trồng bơ, các thanh tra Hoa Kỳ làm việc tại Mexico có mục đích đảm bảo bơ xuất khẩu không mang bệnh có thể gây hại cho cây trồng của Hoa Kỳ.
Chỉ đến năm 1997, Hoa Kỳ mới dỡ bỏ lệnh cấm đối với bơ Mexico đã có từ năm 1914 để ngăn chặn một loạt các loại mọt, vảy và sâu bệnh xâm nhập vào các vườn cây ăn quả của Hoa Kỳ.
Các thanh tra viên làm việc cho các Dịch vụ Kiểm tra Sức khỏe Động thực vật của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ USDA.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra bạo lực ở Michoacan – nơi xảy ra xung đột giữa băng đảng ma túy Jalisco và nhóm các băng nhóm địa phương United Cartels - đã đe dọa bơ, loại cây trồng sinh lợi nhất của bang.
Sau một sự cố trước đó vào năm 2019, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã cảnh báo về những hậu quả nếu xảy ra tấn công hoặc đe dọa các thanh sát viên Hoa Kỳ.
Vào tháng 8/2019, một nhóm thanh tra của USDA cũng bị "đe dọa trực tiếp" ở Ziracuaretiro, một thị trấn nằm ngay phía tây của đô thị Uruapan. Trong khi USDA không nêu rõ điều gì đã xảy ra, chính quyền địa phương cho biết một băng nhóm đã dùng súng để cướp chiếc xe tải mà các thanh tra đang đi.
USDA đã viết trong một bức thư vào thời điểm đó rằng, "Đối với các tình huống trong tương lai dẫn đến vi phạm an ninh hoặc cho thấy mối đe dọa thể chất sắp xảy ra đối với sức khỏe của nhân viên Dịch vụ Kiểm tra Sức khỏe Động thực vật, chúng tôi sẽ ngay lập tức đình chỉ các hoạt động của chương trình".
Nhiều người trồng bơ ở Michoacan cho biết các băng đảng ma túy đe dọa họ hoặc các thành viên trong gia đình họ bằng cách bắt cóc hoặc giết chết trừ khi họ trả tiền bảo vệ, đôi khi lên tới hàng nghìn đô la cho mỗi mẫu Anh.
Vào ngày 30/9/2020, một nhân viên người Mexico của Dịch vụ Kiểm tra Sức khỏe Động thực vật đã bị giết gần thành phố biên giới phía bắc Tijuana.
Các công tố viên Mexico cho biết Edgar Flores Santos đã những kẻ buôn ma túy giết, do có thể chúng đã nhầm Flores với một cảnh sát và một nghi phạm đã bị bắt. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết các cuộc điều tra “kết luận sự cố đáng tiếc này là do ông Flores đã đến sai nơi, sai thời điểm”.
Lệnh cấm xuất khẩu bơ là mối đe dọa mới nhất đối với thương mại xuất khẩu của Mexico xuất phát từ việc chính phủ nước nay không có khả năng kiềm chế các hoạt động bất hợp pháp.
Hôm 10/2, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đã đệ đơn khiếu nại về môi trường chống lại Mexico vì đã không ngăn chặn hoạt động đánh bắt bất hợp pháp để bảo vệ cá heo California, loài cá heo nhỏ nhất thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cho biết họ đã yêu cầu "tham vấn môi trường" với Mexico. Đây là đơn kiện đầu tiên mà Đại diện Thương mại Hoa Kỳ nộp theo quy định của hiệp ước thương mại tự do Mỹ - Mexico - Canada. Tham vấn là bước đầu tiên trong quá trình giải quyết tranh chấp theo hiệp định thương mại có hiệu lực từ năm 2020. Nếu không được giải quyết, cuối cùng có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt thương mại.
Chính phủ Mexico đã từ bỏ phần lớn nỗ lực xây dựng một khu vực đánh bắt cá tự do xung quanh khu vực nơi một số loài cá heo California cuối cùng được cho là sinh sống ở Vịnh California, còn được gọi là Biển Cortez. Lưới đặt bất hợp pháp cho một loài cá khác, cá totoaba, là nguyên nhân khiến cá heo California chết.
Và hôm 7/2, các tàu đánh cá của Mexico ở Vịnh Mexico đã bị “cấm vào các cảng của Hoa Kỳ, sẽ bị từ chối tiếp cận cảng và các dịch vụ”, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia cho biết, nhằm trả đũa việc năm tàu Mexico săn bắt cá hồng trái phép ở Hoa Kỳ tại trong Vịnh.