| Hotline: 0983.970.780

Mỹ tạm dừng cấp phép xuất khẩu khí đốt hóa lỏng mới

Thứ Bảy 27/01/2024 , 09:12 (GMT+7)

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 26/1 ra lệnh tạm ngừng cấp phép các dự án xuất khẩu LNG mới để đánh giá tác động của các dự án này.

Tổng thống Joe Biden phát biểu tại nhà máy bia Earth Rider Brewery ở bang Wisconsin, Mỹ, hôm 25/1. Ảnh: AP.

Tổng thống Joe Biden phát biểu tại nhà máy bia Earth Rider Brewery ở bang Wisconsin, Mỹ, hôm 25/1. Ảnh: AP.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 26/1 ra lệnh tạm ngừng cấp phép cho các cơ sở xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới, để đánh giá về tác động của các dự án này đối với biến đổi khí hậu, nền kinh tế và an ninh quốc gia. Tuy nhiên, quyết định trên sẽ không được áp dụng cho các trường hợp khẩn cấp về an ninh quốc gia.

"Trong giai đoạn này, chúng tôi sẽ xem xét kỹ lưỡng tác động của xuất khẩu LNG đối với chi phí năng lượng, an ninh năng lượng và môi trường của chúng ta", ông Biden cho biết trong một tuyên bố hôm 26/1.

Theo Nhà Trắng, khoảng một nửa lượng LNG xuất khẩu của Mỹ đã đến Tây Âu trong năm 2023 và Mỹ liên tục vượt mục tiêu giao hàng cho Liên minh châu Âu (EU) 2 năm qua. "Thông báo hôm nay sẽ không ảnh hưởng đến việc Mỹ tiếp tục cung cấp LNG cho các đồng minh trong thời gian tới", ông Biden tuyên bố.

Theo thông báo trên, các dự án xuất khẩu LNG sang các nước không có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ sẽ bị tạm dừng cho đến khi Bộ Năng lượng (DOE) cập nhật đánh giá về tác động đối với kinh tế và môi trường của các dự án này. Thông báo nêu rõ cơ sở cho việc đánh giá đã được xây dựng từ cách đây 5 năm và không đánh giá được đầy đủ tất cả các mặt tác động như việc tăng chi phí năng lượng đối với người tiêu dùng và nhà sản xuất, hay tác động của việc phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Ngoài ra, một trong những mục đích khác của quyết định tạm ngừng cấp phép các dự án xuất khẩu LNG mới là để phòng ngừa rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng, nhất là các cộng đồng đang phải gánh chịu ô nhiễm từ các cơ sở xuất khẩu LNG.

Mỹ hiện là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu LNG, với kim ngạch dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030. Mỹ hiện có 7 cơ sở khai thác LNG xuất khẩu và 5 cơ sở đã được phê duyệt, đang trong quá trình xây dựng. Ngoài ra, có 17 dự án đang xin cấp phép.

Châu Âu hiện vẫn sa lầy trong cuộc khủng hoảng năng lượng. Đức, đầu tàu kinh tế của EU, đang "ở trong một tình huống đặc biệt khó khăn" sau khi từ bỏ nguồn cung cấp khí đốt của Nga, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói với các nhà lập pháp hồi tuần trước. Trước khi áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow, khí đốt nhập khẩu từ Nga chiếm 40% tổng lượng khí đốt của Đức. Việc thay thế nhiên liệu này bằng LNG từ Mỹ, Na Uy và Hà Lan, đã bắt đầu khiến nước này bắt đầu phải trả giá, khi buộc phải tung ra các gói trợ cấp khổng lồ để ngăn các công ty công nghiệp lớn nhất rời khỏi đất nước.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Nga mở cửa triển lãm khí tài quân sự hạng nặng giữa lòng Moscow

Triển lãm trưng bày các loại khí tài quân sự hạng nặng của phương Tây bị quân Nga thu giữ trong cuộc xung đột Ukraine đã được khai mạc tại Moscow hôm 1/5.

Hàng nghìn người Trung Quốc mua phải vàng giả trên mạng

Giá vàng tăng vọt trong thời gian qua đã gây ra một cơn sốt vàng thỏi, cùng với đó là số vụ lừa đảo bán vàng giả ở Trung Quốc.