Tổng diện tích chè toàn tỉnh Lào Cai hiện có 8.295ha, giá trị bình quân 68 triệu/ha. Toàn tỉnh có 1.142 ha chè hữu cơ tại huyện Bắc Hà, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho người dân và bảo vệ môi trường sinh thái.
Năm 2024, Lào Cai thực hiện kế hoạch trồng mới 300ha chè tại huyện Mường Khương, nâng tổng diện tích chè toàn tỉnh đạt 8.595ha, chủ yếu tập trung tại các huyện Mường Khương, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bắc Hà, Bát Xát. Để đạt mục tiêu này, Lào Cai sẽ tập trung rà soát, chuyển đổi 300ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng chè, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
Thời vụ trồng chè tốt nhất từ đầu tháng 8 và kết thúc xong trong tháng 10. Do thời tiết, khí hậu biến đổi bất thường, vào giai đoạn cuối vụ xuân thường gặp hạn hán, vụ hè nắng nóng và mưa lớn nên các địa phương không khuyến khích trồng chè vào vụ xuân. Về cơ cấu giống, chủ yếu sử dụng giống chè shan, chè chất lượng cao (Kim Tuyên, Bát Tiên, Hùng Đỉnh Bạch…).
Năm 2024, Lào Cai tiếp tục đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật (đốn tỉa, tạo tán, chăm sóc) đối với diện tích chè hiện có. Duy trì và mở rộng 1.141ha chè hữu cơ tại huyện Bắc Hà; tập trung thâm canh tăng năng suất 4.500ha chè kinh doanh (Bảo Thắng 400ha; Bảo Yên 300ha; Bắc Hà 500ha; Bát Xát 200ha; Mường Khương 3.100ha) đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, năng suất tăng 10 - 15%.
Song song đó, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống chè, cải tạo, thay thế giống chè già cỗi, năng suất thấp bằng những giống mới năng suất, chất lượng cao (Bát Tiên, Kim Tuyên…), phù hợp với chế biến và thị trường tiêu thụ. Đồng thời bảo tồn và phát triển diện tích chè cổ thụ, sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng gắn với phát triển du lịch.
Lào Cai cũng sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở chế biến chè tại vùng chè tập trung của huyện Mường Khương, Bát Xát, Bảo Yên…; đồng thời nâng công suất dây chuyền chế biến của các cơ sở hiện có, nâng tỷ lệ sử dụng máy móc vào chế biến chè đạt trên 80%, trong đó các khâu như phân loại chè, sao sấy, đóng gói, dán nhãn sử dụng máy để sản xuất một số sản phẩm như chè duỗi, chè viên, chè móc... Đầu tư công nghệ chế biến sâu, đa dạng sản phẩm, nâng giá trị sản xuất/đơn vị canh tác từ 10 - 15% so với năm 2023; nâng tỷ lệ chế biến chè xanh từ 15% lên 20 - 30%.
Mặt khác, đẩy mạnh việc liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân từ xây dựng vùng nguyên liệu đến bao tiêu, chế biến sản phẩm nhằm đảm bảo sự ổn định, bền vững. Đồng thời từng bước tăng tỷ lệ xuất khẩu sang các nước EU, Đông Âu, Đài Loan. Phấn đấu giá trị sản xuất chè năm 2024 ước đạt trên 360 tỷ đồng.